Quốc Oai (Hà Nội): Bãi tập kết, sàng lọc đất thải hoạt động không phép, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường - Ngày đăng : 19:48, 19/12/2023
Trong bối cảnh trữ lượng cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt và việc khai thác cát đang gây tác động tiêu cực đến môi trường thì việc sàng lọc, tái chế chất thải xây dựng như đất thải để phục vụ cho san lấp, san nền đã góp phần giảm áp lực cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, các chủ đầu tư cần tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đất đai, môi trường...để không gây ra tác dụng ngược lại với môi trường như mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của dự án.
Để nâng cao hiệu quả của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý đất đai, môi trường đối với các dự án tái chế chất thải xây dựng. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn đã tìm hiểu, thu thập thông tin để thực hiện chuyên đề “ Tiềm ẩn ô nhiễm môi trường đến từ dự án tái chế chất thải xây dựng”. Với mục đích đưa ra những cái nhìn khách quan, đánh giá về tình hình thực tế đang diễn ra, đề xuất những giải pháp, quản lý về đất đai, môi trường.
Trong quá trình triển khai chuyên đề, tìm hiểu, thu thập thông tin phóng viên (PV) Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống - Moitruong.net.vn nhận được thông tin về bãi tập kết và sàng lọc đất thải của công ty Cổ phần vận tải xử lý môi trường Đại Cát (công ty Đại Cát) tại thôn Thượng Khê, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai hoạt động không phép, chưa được đầu tư các biện pháp xử lý môi trường triệt để gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường .
Bác N.Đ.H, người dân thôn Thượng Khê cho biết: "Bãi tập kết đất cát thải này của ông Thế Anh, mới về đây hoạt động được gần năm rồi, khu này là đất nông nghiệp, gần đây có tình trạng tập kết và sàng lọc đất thải diễn ra, tôi cũng không biết là ai đã cho phép bãi này được hoạt động. Các xe to chở đất, cát đi ra vào rất bụi bặm và khiến chúng tôi lo sợ khi đi qua đoạn đường này".
Nhằm tìm hiểu về công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, xử lý của UBND xã Cấn Hữu đối với công ty Đại Cát, PV đã có buổi làm việc với ông Cấn Văn Luân – Phó chủ tịch UBND xã Cấn Hữu. Trao đổi với PV ông Luân cho biết: "Khu đất công ty Đại Cát đang tập kết, sàng rửa đất thải là đất nông nghiệp được giao theo Nghị định 64 cho các hộ dân. Hiện tại công ty Đại Cát đang mượn đất của bà Hồng để tập kết vật liệu nằm trên địa bàn xã Cấn Hữu và Nghĩa Hương. Trước đây, chỗ đó là lò gạch. Sau khi UBND xã cưỡng chế, giải tỏa lò gạch thì các hộ xin mượn tạm một thời gian để chứa vật liệu xây dựng. UBND xã đã yêu cầu chủ đất cho ai thuê, mượn thì phải sử dụng đất đúng quy định. Ngoài ra, UBND xã đã làm việc với chủ hộ gia đình và yêu cầu cam kết thực hiện đúng theo quy định không được tập kết để vật liệu xây dựng trái quy định ở đó. Hiện tại, bãi tập kết, sàng rửa đất thải của ông Thế Anh chưa được các cơ quan chức năng cấp phép về môi trường".
Tuy nhiên, khi PV hỏi về việc các hộ dân mượn tạm 1 thời gian cụ thể là trong bao lâu thì ông Luân không trả lời được.
Ngoài ra, ông Luân cho biết về quan điểm của UBND xã không chấp thuận cho các hộ dân mượn đất để tập kết VLXD. Thế nhưng, khi PV đề nghị ông Luân cung cấp các văn bản xử lý của UBND xã đối với các hộ cho thuê đất và bãi tập kết, sàng rửa đất thải của công ty Đại Cát thì đến nay ông Luân vẫn chưa cung cấp cho PV.
Làm việc với PV, ông Trần Thế Anh - Công ty cổ phần vận tải xử lý môi trường Đại Cát thừa nhận: "Khu vực này là đất nông nghiệp nhưng công ty sử dụng với mục đích tập kết, sàng lọc đất thải là sai. Cát thải, đất thải được công ty lấy từ các công trình xây dựng sau đó đổ về bãi tập kết rồi sàng phân loại cát ra để bán lại cho các hộ dân có nhu cầu san lấp".
Theo ghi nhận của PV, hàng nghìn m2 đất nông nghiệp đang được công ty Đại Cát tập kết đất thải, cát. Tại bãi có số lượng cát, đất thải rất lớn, từng đống đất thải, cát sau sàng lọc được chất cao như núi. Các dây chuyền sàng lọc đất cát, sỏi được công ty lắp đặt khá quy mô với nhiều máy sàng lọc. Đất, bùn thải được cho vào các máy sàng, lọc để lọc bùn, cát, sỏi. Trong quá trình sàng lọc công ty bơm nước vào để rửa cát. Bùn theo nước chảy xuống ao, hố xung quanh, các tạp chất: sỏi, sạn, rác... được công ty phân loại riêng, cát được giữ lại để phục vụ xuất bán.
Nước thải trong quá trình sàng lọc đất thải được đổ vào bể lắng lọc sơ sài, sau đó chảy ra ao và các thùng đào, hố đấu xung quanh. Nước thải có màu nâu đậm, có dấu hiệu không đảm bảo theo quy định.
Có thể thấy, hoạt động của bãi tập kết sàng rửa đất thải không phép của công ty Đại Cát gây tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, làm biến dạng địa hình, gây ô nhiễm đất và suy giảm chất lượng đất, suy giảm khả năng sử dụng đất đã được xác định.
Trước thực trạng trên, để bảo đảm môi trường, UBND huyện Quốc Oai cần nhanh chóng chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động tập kết, sàng rửa đất thải của công ty Đại Cát. Kiên quyết yêu cầu, di dời giải tỏa nếu thực hiện không đúng và đầy đủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các quy định liên quan khác.