Quảng Ninh tăng cường quản lý, bảo vệ rừng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 07:00, 30/07/2018
(Moitruong.net.vn) – Trước tình trạng Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đông Triều và Hạt Kiểm lâm Đông Triều (TX. Đông Triều, Quảng Ninh) xác nhận cho người dân khai thác rừng trồng trong quy hoạch rừng phòng hộ không đúng quy định, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Văn bản số 5306/UBND-NLN2 yêu cầu kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của những đơn vị liên quan; đồng thời chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan tăng cường các biện pháp trong quản lý, bảo vệ rừng.
UBND tỉnh chỉ đạo các chủ rừng phải thực hiện trồng rừng mới ngay để hạn chế sạt lở, rửa trôi đất
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp với UBND TX Đông Triều chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đông Triều và Hạt Kiểm lâm Đông Triều đã không cập nhật, theo dõi chặt chẽ, đầy đủ về quy hoạch 3 loại rừng sau khi điều chỉnh quy hoạch cục bộ 3 loại rừng (Quyết định số 4903/2007/QĐ-UBND ngày 27/12/2007 của UBND tỉnh) được phê duyệt trên địa bàn TX Đông Triều (khu vực xã An Sinh) dẫn đến xác nhận cho người dân (chủ rừng) khai thác diện tích rừng trồng trong quy hoạch rừng phòng hộ không đảm bảo đúng quy định tại Quyết định số 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý rừng phòng hộ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/8/2018; thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới diện tích 3 loại rừng theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vừa được HĐND tỉnh thông qua.
Đồng thời Sở NN&PTNT chỉ đạo Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đông Triều và Hạt Kiểm lâm Đông Triều hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát chủ rừng trồng rừng ngay vào diện tích đã khai thác để kịp thời phòng, chống sạt lở, bào mòn, rửa trôi đất; chủ trì phối hợp với UBND TX Đông Triều nghiên cứu để có biện pháp hoán đổi diện tích rừng sản xuất cho người dân hoặc thực hiện giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo quy định. Bên cạnh đó, phải chấn chỉnh ngay và có kế hoạch hướng dẫn, tập huấn lại cho lực lượng kiểm lâm địa bàn, Công ty Lâm nghiệp và chính quyền cơ sở (cấp xã) về quy trình và thủ tục khai thác rừng trồng, đặc biệt là khai thác rừng trồng trong quy hoạch rừng phòng hộ theo đúng quy định của Quyết định sô 17/2015/QĐ-TTg ngày 09/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương thực hiện nghiêm chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (rà soát, cập nhật, thống kê và thực hiện các biện pháp quản lý); chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc triển khai thực hiện ngay việc xác định cắm mốc ranh giới 3 loại rừng, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ theo kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng vừa được HĐND tỉnh thông qua ngày 13/7/2018; đồng thời khẩn trương trình thẩm định và phê duyệt Đề án giao đất, giao rừng sản xuất cho người dân (đối với các địa phương chưa phê duyệt) theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 3711/UBND-QLĐĐ1 ngày 31/5/2018 và số 4078/UBND-NLN2 ngày 14/6/2018.
Riêng đối với TX Đông Triều, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện ngay việc điều chỉnh giao đất, khoán rừng cho người dân tại khu vực xã An Sinh (kể cả đối với diện tích của Công ty Lâm nghiệp); tiến hành kiểm điểm trách nhiệm quản lý Nhà nước trên địa bàn để xảy ra vụ việc vi phạm đã nêu.
UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện Đề án giao đất, giao rừng.
UBND tỉnh yêu cầu Công ty TNHH 1TV Lâm nghiệp Đông Triều tổ chức rà soát, xác định mốc giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Công ty đang quản lý thông báo, hướng dẫn cho người dân đã nhận đất và giao khoán trước đây thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo hài hòa lợi ích của người trồng rừng; tổ chức kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân có liên quan không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý rừng trên địạ bàn, không thông báo cho các hộ dân về việc chuyển loại rừng từ rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, không kịp thời điều chỉnh nội dung thỏa thuận của hợp đồng giao khoán cho phù hợp với đối tượng nhận khoán và trồng rừng phòng hộ, vẫn xác nhận cho người dân (chủ rừng) khai thác rừng trồng trong quy hoạch rừng phòng hộ không đảm bảo đúng quy định; khẩn trương chỉ đạo các chủ rừng được giao khoán đã phát dọn rừng phải thực hiện trồng rừng mới ngay để hạn chế sạt lở, rửa trôi đất, đảm bảo mục tiêu phòng hộ của khu rừng; báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, tham mưu, đề xuất các nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.
Minh Nghĩa