Những kỷ niệm khó quên về chuyến đi Trường Sa và Nhà giàn DK-1
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 10:30, 22/12/2023
Với rất nhiều thành viên của Đoàn công tác số 9, chuyến thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1 là chuyến đi để lại nhiều tình cảm, cảm xúc thiêng liêng, trở thành miền ký ức đẹp vun đắp thêm tình yêu Tổ quốc đầy tự hào. Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Thượng tá Vũ Trọng Tân - Ban Tài chính, Cục Kỹ thuật Hải quân, Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân và NSƯT Kèn Trumpet Hà Đình Cường – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đã có những chia sẻ chân thực và cảm xúc với PV của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về hải trình đặc biệt này.
Đồng chí Nguyễn Quyết Chiến - Tổng Thư ký, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Theo ông Nguyễn Quyết Chiến: Tôi rất vinh dự khi lần đầu tiên được Thường trực Đoàn Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) phân công làm Trưởng đoàn công tác của Liên hiệp Hội Việt Nam đi thăm, làm việc và động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1 từ ngày 05-10/5/2023.
Đoàn công tác của Liên hiệp Hội Việt Nam gồm 10 người cùng với gần 250 thành viên khác của Đoàn công tác số 9 (gồm Quân khu 7, Liên hiệp Hội Việt Nam và 10 cơ quan, đơn vị khác) do Chuẩn Đô đốc - Thiếu tướng Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn đã có một hải trình đầy ý nghĩa trên Tàu kiểm ngư KN-290 qua thăm, làm việc tại các đảo Len Đao, Sinh Tồn Đông, Đá Tây C, Trường Sa Lớn và Nhà giàn DK-1.
Hành trang mà Đoàn công tác số 9 gửi đến quân và dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK-1 là tình cảm ấm áp, những món quà thiết thực có giá trị cả về vật chất (trên 52 tỷ đồng) và tinh thần.
Ông Chiến bày tỏ: Chuyến công tác thật đặc biệt đã để lại và in đậm trong trái tim tôi sự khâm phục và lòng tự hào về lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân nơi đầu sóng ngọn gió, sự can trường và hy sinh lớn lao trong điều kiện thời tiết, sinh hoạt vô cùng khó khăn, khắc nghiệt để ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng từ đây, tôi và các thành viên trong Đoàn công tác đều thấy được bổn phận và trách nhiệm của mình trong việc tích cực hơn nữa tham gia tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, các nhà khoa học và hội viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam hướng về xây dựng và bảo vệ biển đảo quê hương; có những đóng góp thiết thực vào công tác tham mưu, tư vấn phản biện, xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ nhằm tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh và phát triển đất nước, nâng cấp cơ sở hạ tầng, điều kiện sinh hoạt trên các đảo và bảo vệ vững chắc biển đảo, biên cương của Tổ quốc, thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/ TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thượng tá Vũ Trọng Tân - Ban Tài chính, Cục Kỹ thuật Hải quân, Bộ Tư lệnh quân chủng Hải quân
Hành trình 6 ngày trên biển đến thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-1 đã kết thúc. Về đất liền, trở lại với cuộc sống thường nhật mà tôi lại thấy chơi vơi đến nỗi phải làm quen lại… 6 ngày trôi qua hằn lại trong ký ức, trái tim mỗi người chúng tôi những nỗi nhớ khôn nguôi, Thượng tá Vũ Trọng Tân trải lòng.
Thượng tá Vũ Trọng Tân kể: “5 giờ 30 sáng tôi đã trở dậy, cứ nằm chờ âm thanh báo thức của tàu như một thói quen. Tôi lại da diết muốn bắt đầu ngày mới với tiếng gọi: “Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!” Những bữa sáng mà chưa bao giờ tôi có thể ăn cơm sớm đến thế, nhưng rồi cũng thành quen. Những cuộc hành trình lên xuồng xuống đảo, sóng biển dập dềnh, đến khi quen lại thấy thật thú vị như mình đã chinh phục được những thử thách mới.
6 ngày trên hải trình, những ngày sóng biển dập dềnh, sóng điện thoại chẳng có vạch nào. Tàu KN-290 đã đưa Đoàn công tác số 9 qua các điểm đảo và Nhà giàn DK-1. Hành trình đã cho tôi có thêm thật nhiều trải nghiệm quý giá, Thượng tá Vũ Trọng Tân nói thêm.
Một trong những điều đáng nhớ nhất là buổi giao lưu văn nghệ với quân dân huyện đảo Trường Sa. Chuyến hải trình dẫu có say sóng, đuối sức, mọi người vẫn cháy hết mình với mỗi chương trình văn nghệ. Từ trước khi bước lên tàu đến khi rời bến về lại phố thị, các thành viên Đoàn công tác đều thuộc làu “Khúc quân ca Trường Sa”.
Ở bất cứ góc nào đó của con tàu đều có thể nghe thấy những thanh âm vang lên sôi nổi, hào hùng “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, đảo này là của ta…” Lên các đảo, từ những em bé mẫu giáo đến người lính đảo, ai cũng thuộc lòng và sẵn sàng cất cao tiếng hát, hoà chung vào sự kết nối, hiệu triệu những trái tim yêu Tổ quốc cùng hướng về biển, đảo quê hương…
Ở nơi này, Trường Sa, mỗi con người, mỗi cảnh vật, hay cả những con vật dường như cũng đều là một câu chuyện đáng để người ta phải suy ngẫm và trân trọng. Trân trọng những con người ở đây và rồi trân trọng hơn những gì mình đang có trong cuộc sống ở đất liền... Tất cả đều là những câu chuyện về sự kiên cường, nghị lực, tinh thần lạc quan của con người cho tới từng cành cây, ngọn cỏ ở nơi đầu sóng ngọn gió này.
Chúng tôi luôn muốn nhắn gửi tới các cán bộ chiến sĩ Hải quân mà chúng tôi đã gặp, họ luôn có một bến bờ bình yên, luôn có một nguồn sức mạnh vô tận của tình yêu thương nơi đất liền… gửi gắm vào những người lính biển, để họ hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, Thượng tá Vũ Trọng Tân tâm sự.
Thượng tá Vũ Trọng Tân lưu luyến bày tỏ: Chúng tôi đã có 6 ngày sống bên nhau như một gia đình, đã cùng nhau đi qua hơn 1.000 hải lý, cùng nhau gắn kết tình đồng chí đồng đội, tình quân dân và gắn kết đất liền với biển đảo. “Không xa đâu Trường Sa ơi”, Trường Sa ở trong trái tim của tất cả chúng tôi, mong ước ngày trở lại!
NSƯT Kèn Trumpet Hà Đình Cường – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam
Với NSƯT Hà Đình Cường: Những ngày tháng 12 lịch sử này, lại khiến nghệ sĩ bồi hồi xúc động nhớ về kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đi thăm quân và dân trên quần đảo Trường Sa, đặc biệt, đáng nhớ nhất là những Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quân chủng Hải quân đã anh dũng hy sinh trên biển Đông.
Những ngày đầu tháng 5/2023, Đoàn công tác số 9 đã tập kết tại cảng Cát Lái để lên tàu KN-290 ra thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ Hải quân và nhân dân trên quần đảo Trường Sa.
NSƯT Hà Đình Cường kể lại: Trước khi nhổ neo, toàn Đoàn công tác đã tập trung trước Tượng đài Đoàn tàu không số anh hùng để làm Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã làm nên “Con đường Hồ Chí Minh trên biển” huyền thoại, vận chuyển vũ khí, lương thực từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Chúng tôi đã lặng người nghe Thủ trưởng kể về những chiến công và sự hy sinh của các cán bộ và thuỷ thủ Đoàn tàu không số.
Ngày thứ hai của hải trình, khi đến vùng tam giác ba đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, tàu đã buông neo để tổ chức Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa vào tháng 3/1988. Tất cả các đại biểu tập trung đông đủ trên sân đỗ trực thăng để làm Lễ. Khi Thủ trưởng Đoàn công tác vừa tuyên bố lý do, trời quang đãng bỗng đổ mưa lớn. Chúng tôi hiểu rằng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã hiển linh chứng giám cho lòng thành của chúng tôi. Chúng tôi đứng nghiêm trang, kính cẩn nghiêng mình, nước mắt nhòa trong nước mưa. Các Thủ trưởng Đoàn công tác đã thả vòng hoa và lễ vật xuống biển để kính dâng lên anh linh các anh hùng liệt sĩ. Sau đó, mỗi thành viên trong Đoàn cũng xếp hàng lần lượt thả những bông hoa cúc và hạc giấy xuống nước. Khi những bông hoa cuối cùng được thả xuống đang bồng bềnh cùng sóng nước, kỳ lạ thay, nắng bừng lên như trời chưa hề đổ mưa. Anh em chúng tôi ai cũng tấm tắc: “Các Anh thiêng quá!” Xin các anh sống khôn thác thiêng phù hộ cho đồng đội được mạnh khỏe, vững vàng, tỉnh táo để bảo vệ vững chắc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Mấy hôm sau, khi tàu đến khu vực Nhà giàn DK-1, chúng tôi lại tiến hành Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Cũng như lần trước, trời đang nắng bỗng đổ mưa. Chúng tôi đã đội mưa, chăm chú lắng nghe những câu chuyện về tấm gương hy sinh vì đồng đội, trong bão dữ đã nhường nhau chiếc áo phao, chia sẻ mẩu lương khô cùng những giọt nước ngọt cuối cùng…
Trong tiếng nhạc trầm hùng của bài Chiêu hồn tử sĩ, chúng tôi đã dâng hương, thả hoa, hạc giấy, gửi đến hương hồn các anh hùng liệt sĩ lòng biết ơn và cảm phục. Lễ xong, trời tạnh, chúng tôi tự hứa với lòng, phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh.
Máu đào và thân xác các anh đã hòa vào sóng biển Đông cho hôm nay, Nhà giàn DK-1 sừng sững trên thềm lục địa cùng các đảo nổi, đảo chìm trong quần đảo Trường Sa, tạo nên thế trận liên hoàn những vị trí tiền tiêu canh trời giữ biển, không để Tổ quốc bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Là Giảng viên NSƯT Kèn Trumpet, tôi đã biểu diễn ở nhiều Nhà hát, Phòng Hoà nhạc lớn nhỏ trong nước và Quốc tế nhưng trong Hải trình vừa qua, tôi đã có những cảm xúc và kỷ niệm không thể nào quên. Tôi đã thổi kèn, hát giao lưu với các cán bộ, các đại biểu Đoàn công tác trong suốt những ngày lênh đênh trên biển. Khi lên thăm các đảo và Nhà giàn DK-1, chứng kiến cuộc sống, sẵn sàng chiến đấu của các chiến sĩ Hải quân, tôi vô cùng cảm phục ý chí, tinh thần lạc quan, vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn để bảo vệ biển đảo thiêng liêng, giữ gìn cảnh quan môi trường. Tôi được biết những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân cả nước, cuộc sống sinh hoạt của các cán bộ và chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn thiếu thốn…
NSƯT Hà Đình Cường xúc động nhớ lại: Tôi đã thổi kèn cho các chiến sĩ giữ đảo nghe, có khi chỉ là 1-2 chiến sĩ. Tôi đã đến những nhà dân trên đảo Trường Sa Lớn thăm hỏi và thổi kèn cho các cháu bé nghe, các cháu rất vui. Đáng nhớ nhất là buổi tối trên đảo Trường Sa Lớn, khi tàu rời cảng, một hàng dài các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Thị trấn Trường Sa đứng vẫy chào Đoàn công tác, chúng tôi đứng trên mạn tàu vẫy chào tạm biệt. Tôi đã thổi liền hơn một chục bài và quân dân trên đảo cùng các đại biểu trên tàu cùng hát theo: Rẽ sóng ra khơi, Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân, Hát mãi khúc quân hành, Như có Bác trong ngày đại thắng… tạo thành những âm hưởng hùng tráng hào sảng. Trường Sa vì cả nước - Cả nước vì Trường Sa. Mong là mỗi người chúng ta có những đóng góp thiết thực để cuộc sống của các chiến sĩ Hải quân trên quần đảo Trường Sa đỡ thiếu thốn hơn, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, nơi đồn trú được khang trang, bề thế và vững chãi hơn.