Năm 2024, bệnh sởi có nguy cơ bùng phát thành dịch
Y tế - Ngày đăng : 07:30, 23/12/2023
Mặc dù hiện số ca mắc sởi trên cả nước rất thấp nhưng với tỷ lệ tiêm vaccine sởi năm 2023 thấp trong khi năm 2024 là năm nằm trong logic chu kỳ 4-5 năm có nguy cơ bùng phát dịch sởi, nếu không triển khai tiêm vaccine này đầy đủ thì sẽ có nguy cơ cao xảy ra dịch.
Theo bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, số liệu giám sát của Chương trình tiêm chủng mở rộng cho thấy số mắc sởi hiện nay rất thấp, thấp hơn những năm 2017-2019.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan vì virus sởi rất đặc thù, do đối tượng đích của virus sởi là con người nên cá thể nào chưa mắc thì sẽ mắc sởi. Chính vì vậy, nước ta có rất nhiều chiến dịch tiêm vaccine sởi cho trẻ.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của COVID-19 nên nhiều trẻ đã không tiêm vaccine sởi (mặc dù vaccine sởi có thiếu nhưng chỉ thiếu rải rác).
"Nếu ngay trong tháng 12 này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhận được vaccine sởi, sẽ cấp ngay cho các địa phương và các địa phương cần triển khai tiêm ngay cho trẻ. Nếu triển khai sau Tết thì có nguy cơ cao xảy ra dịch trong năm 2024", bà Dương Thị Hồng cho biết.
Nguyên nhân được chỉ ra, đó là theo chu kỳ sau 4-5 năm sẽ có nguy cơ bùng phát dịch sởi và năm 2024 là năm nằm trong logic chu kỳ này nên có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, từ năm 2021, 2022 do dịch bệnh COVID-19, giãn cách xã hội, không có sự giao lưu nhiều giữa người dân nên số mắc sởi cũng giảm, đồng thời tỷ lệ tiêm vaccine sởi và sởi -rubella cũng thấp.
Đồng thời, những tháng tới là thời điểm mùa xuân, đặc biệt khu vực miền Bắc và miền Trung có thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện thuận lợi để virus sởi phát triển. Vì vậy, chúng ta không được chủ quan.
Bà Dương Thị Hồng cũng nhấn mạnh, trong tháng 12 này, khi có vaccine sởi và sởi – rubella, Chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ ưu tiên đôn đốc các địa phương tiêm ngay trong tháng 1/2024 để phòng dịch sởi và sởi – rubella, thì sẽ hạn chế tối dịch sởi xảy ra.
Khi triển khai tiêm vaccine cho trẻ, bà Dương Thị Hồng khuyến cáo, các điểm tiêm có thể tăng số người tiêm chủng nhưng không được tăng số trẻ được tiêm trong 1 buổi tiêm chủng. Như vậy, mới có đủ thời gian tư vấn, tương tác với các bậc phụ huynh để phụ huynh biết cách chăm sóc trẻ sau tiêm đúng và tốt hơn.
Thực tế, sau tiêm, các cháu không kích thích, tím tái, không khó thở như những triệu chứng đã khuyến cáo, mà có trẻ có biểu hiện lờ đờ, suy hô hấp, suy tim và li bì. Vì vậy, cán bộ y tế phải tư vấn và chia sẻ bằng được tới các bậc phụ huynh những điều này để theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng, kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế nhanh nhất, hạn chế tối đa các rủi ro đáng tiếc, thậm chí tử vong.
Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng chia sẻ, năm 2024, Bộ Y tế sẽ bắt đầu triển khai vaccine thứ 11 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ là vaccine Rota.
Theo đó, trong quý 1/2024, Bộ Y tế sẽ triển khai tập huấn, hướng dẫn tới tất cả cán bộ của 35 tỉnh, thành phố triển khai trước. Quý 2, Bộ Y tế sẽ triển khai cho trẻ tại 35 tỉnh, thành uống vaccine này.
Cuối năm 2024 sẽ triển khai cho trẻ uống vaccine này trên quy mô toàn quốc. Và đến năm 2025, sẽ có đủ vaccine Rota cho toàn bộ trẻ dưới 1 tuổi trên cả nước.
Hiện tại, vaccine Rota đang được Bộ Y tế và Bộ Tài chính xem xét duyệt giá vaccine.
Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng, 10 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tiêm chủng trẻ dưới 10 tuổi trên cả nước ta đạt 66,4%. Khu vực thấp nhất là khu vực Tây Nguyên (48,6%), miền Bắc là 67,3%, miền Trung là 64,5%, miền Nam 69,1%.
Hiện nay, trong chương trình tiêm chủng mở rộng có vaccine bại liệt và vaccine uốn ván còn đủ cung ứng sang năm 2024. Còn các vaccine khác trong Chương trình thiếu rải rác tại nhiều địa phương. Bộ Y tế cho biết, đơn vị này đang cố gắng cung cấp các vaccine còn thiếu trong tháng 12 này tới các địa phương.