Trái Đất ấm lên khiến sóng biển ngày càng trở nên dữ dội
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 07:30, 24/12/2023
Giáo sư Richard Aster, trưởng khoa địa vật lý Đại học bang Colorado (Mỹ), và các đồng nghiệp đã theo dõi sự gia tăng sóng biển trên khắp thế giới trong suốt 4 thập kỷ qua. Với những dữ liệu toàn cầu, cùng nghiên cứu địa chấn khu vực, vệ tinh và các đại dương, nhóm nghiên cứu nhận thấy trong thập kỷ qua năng lượng sóng biển mạnh lên rất nhiều, đồng thời bão cũng ngày càng gia tăng.
Kết quả, kể từ cuối thế kỷ 20, năng lượng sóng biển trung bình trên toàn cầu tăng với tốc độ trung bình 0,27% mỗi năm. Tuy nhiên kể từ năm 2000, tỉ lệ này tăng lên 0,35% mỗi năm.
Năng lượng tăng lớn nhất ở các khu vực có nhiều bão tố tại Nam Đại Dương, gần bán đảo Nam Cực. Nhưng kết quả trên cũng cho thấy sóng Bắc Đại Tây Dương tăng nhanh nhất trong vài chục năm qua. Điều này phù hợp với nghiên cứu gần đây cho thấy cường độ bão Bắc Đại Tây Dương và các mối nguy hiểm ven biển đang tăng lên.
Bão Ciarán tấn công châu Âu với những đợt sóng mạnh và gió mạnh như bão vào tháng 11-2023 là một ví dụ.
Các đại dương hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt dư thừa, do lượng phát thải khí nhà kính ngày càng tăng từ các hoạt động của con người trong những thập kỷ gần đây.
Khi sóng đại dương dâng lên và hạ xuống, chúng tác dụng lực xuống đáy biển và tạo ra sóng địa chấn. Hiện nay những sóng địa chấn này mạnh và lan rộng, đến mức chúng xuất hiện dưới dạng tiếng đập đều đặn trên máy ghi địa chấn.
Một báo cáo khác gần đây được công bố trên tạp chí Science còn cho thấy các đại dương trên thế giới đang nóng lên với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn cả thế giới dự đoán, dẫn đến lượng mưa tăng, mực nước biển dâng cao và phá hủy các rạn san hô, cũng như tổn thất ở các tảng băng, sông băng.
Trước những biến đổi phức tạp của năng lượng sóng trên toàn cầu, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các cộng đồng dân cư sống ven biển cần có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng để bảo vệ bến cảng, nhà cửa vì sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong tương lai.