Nhiều quy định mới nổi bật khi Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, người dân cần biết

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 15:00, 25/12/2023

Sáng nay (25/12), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về các Luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Căn cước. Nhiều quy định mới nổi bật trong Luật Căn cước chính thức có hiệu lực, người dân cần biết.
25-luat.jpg

Các luật được công bố gồm Luật Viễn thông; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước; Luật Nhà ở; Luật Tài nguyên nước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật kinh doanh bất động sản.

Từ 1/7/2024: Hàng loạt trường hợp bị thu hồi, giữ thẻ căn cước

Tại buổi họp báo, thông tin về Luật Căn cước, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ 1/7/2024 quy định mở rộng, tích hợp nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước so với Luật Căn cước công dân năm 2014 để phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ căn cước, căn cước điện tử, kết nối, chia sẻ thông tin người dân.

Luật Căn cước 2023 cũng quy định các nội dung trên thẻ căn cước, trong đó đổi tên thẻ "Căn cước công dân" thành "Căn cước", sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay và sửa đổi quy định về thông tin số thẻ căn cước, dòng chữ "căn cước công dân, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ" thành "số định danh cá nhân, căn cước, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú trên thẻ căn cước...".

Việc thay đổi, cải tiến như trên để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân; các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.

Ngoài ra, bên cạnh quy định về thời hạn sử dụng Căn cước công dân đang còn giá trị sử dụng thì khoản 2 Điều 46 Luật Căn cước cũng có thông tin về giá trị sử dụng của Chứng minh nhân dân.

Cụ thể, chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31/12/2024 thì có giá trị sử dụng đến hết 31/12/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ 15/1/2024 đến trước 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết 30/6/2024.

Có thể thấy, đây là một trong những thay đổi quan trọng của Luật Căn cước từ 1/7/2024 so với Luật Căn cước công dân 2014. Theo quy định mới, mọi chứng minh nhân dân đều phải thực hiện việc đổi sang thẻ căn cước từ 1/1/2025.

Đặc biệt, Luật Căn cước còn bổ sung giấy tờ là Giấy chứng nhận căn cước. Đây là điểm mới hoàn toàn so với quy định cũ tại Luật Căn cước công dân.

Theo đó, Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

Đối tượng cấp là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại cấp xã, cấp huyện (nếu không có đơn vị hành chính cấp xã) từ 6 tháng trở lên.

Về giá trị sử dụng, khi người gốc Việt Nam xuất trình giấy chứng nhận căn cước thì không phải xuất trình giấy tờ hoặc thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước trừ trường hợp thông tin bị thay đổi hoặc không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Mai Hạ