Nguyên nhấn khiến hơn 1.000 tấn ngao ở Thanh Hóa chết bất thường
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 19:30, 25/12/2023
Sau khi nhận được báo cáo của UBND xã Hải Lộc, tỉnh Thanh Hóa về việc xảy ra hiện tượng ngao chết, huyện đã lập đoàn xuống hiện trường để kiểm tra thực địa, lấy mẫu nước và mẫu ngao chết tại các bãi gửi đi xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, cho biết kết quả phân tích mẫu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I cho thấy các mẫu ngao âm tính với Herpesvirus, ký sinh trùng Perkinsus olseni, Perkinsus marinus và các mẫu chỉ tiêu môi trường nước nằm trong giới hạn cho phép để nuôi trồng thủy sản.
Nguyên nhân ngao chết được xác định là do sự kết hợp của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ năm nay lạnh muộn hơn các năm trước, thời điểm ngao chết trùng với thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm lớn.
Tại thời điểm ngao chết, trên địa bàn xã Hải Lộc có hiện tượng sương muối xuất hiện trong điều kiện thời gian phơi bãi dài. Đặc biệt là mật độ ngao nuôi ở đây rất cao, từ 1.600-1.700 con/m2 gấp 7-8 lần mật độ nuôi theo khuyến cáo, ngao bị thiếu nguồn thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe của ngao nuôi. Ngoài ra, bãi nuôi bị ô nhiễm trong quá trình phân hủy ngao chết từ đó làm hiện tượng này lan truyền.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa và các phòng chuyên môn đã phối hợp với UBND huyện Hậu Lộc hướng dẫn người dân duy trì mật độ nuôi phù hợp. Cụ thể, đối với ngao chưa đạt kích cỡ thu hoạch tiến hành san thưa, đảm bảo mật độ nuôi 180 - 200 con/m2 đối với cỡ ngao giống 400 - 600 con/kg; dưới 250 con/m2 đối với cỡ ngao giống từ 500-800 con/kg; 250 - 350 con/m2 đối với cỡ giống từ 800 - 2000 con/kg. Khuyến cáo các hộ nuôi có ngao đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch, san thưa đối với những bãi nuôi có mật độ nuôi dày đồng thời tạm dừng thả mới, chỉ được thả khi có khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và ngao giống phải có xuất xứ rõ ràng, được kiểm dịch theo quy định.
Hàng ngày, sau khi nước thủy triều xuống, người dân cần san phẳng bãi nuôi cũng như khai thông các vũng nước đọng lại ở các bãi ngao để tránh hiện tượng nước đọng cục bộ, giảm thiểu ảnh hưởng của nhiệt độ cao trong ngày làm cho ngao yếu và chết. Đồng thời kiểm tra bãi ngao nuôi khi thủy triều rút, vệ sinh mặt bãi, đăng chắn, loại bỏ rác, xác ngao và động vật chết để tránh gây ô nhiễm môi trường, tạo sự thông thoáng, tăng cường oxy hòa tan để giảm khí độc nhằm hạn chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh khác cho ngao nuôi.