Chủ động quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản tại Bắc Giang
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:30, 03/01/2024
Vài năm trở lại đây, tỉnh Bắc Giang được Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương quan tâm triển khai nhiều dự án trọng điểm. Về phía tỉnh cũng có nhiều giải pháp thu hút đầu tư nên số lượng công trình, dự án triển khai trên địa bàn tỉnh khá lớn. Nhu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản, nhất là các loại vật liệu xây dựng thông thường như đất, đá, cát, sỏi theo đó tăng cao.
Để đáp ứng nguồn đất san lấp, bảo đảm tiến độ tại các công trình, dự án, bên cạnh việc chỉ đạo các đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tài nguyên khoáng sản, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý, điều chỉnh lĩnh vực này gắn với bảo vệ môi trường.
Cụ thể như: Kế hoạch số 52-KH/TU ngày 19/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND ngày 20/7/2022 sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ban hành kèm theo Quyết định số 26/2020/QĐ-UBND ngày 3/8/2020; Đề án tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2025; các quyết định: Số 156/QĐ-UBND ngày 9/2/2023; số 172/QĐ-UBND ngày 14/2/2023 của UBND tỉnh về ủy quyền cho UBND các huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cấp phép khai thác khoáng sản...
Theo đó, các sở, ngành, địa phương đã tập trung cao thực hiện các nhiệm vụ được phân công, triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, khai thác tài nguyên khoáng sản. Nhiều thủ tục hành chính được điều chỉnh, bổ sung theo hướng công khai, minh bạch, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như công tác quy hoạch, số lượng mỏ quy hoạch còn hạn chế; việc đấu giá khai thác các điểm mỏ còn chậm; một số quy định pháp luật thiếu cụ thể, khó thực hiện; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn hạn chế, chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu... dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn đất đắp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tăng chi phí xây dựng công trình. Tình trạng khai thác khoáng sản sai phép, trái phép còn diễn ra ở một số nơi...
Trước thực tế này, Sở TN&MT Bắc Giang đã tập trung triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tồn tại, vướng mắc, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản.
Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở TN&MT cho hay: Sở thường xuyên quan tâm phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; thực hiện tốt công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản; phối hợp thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược liên quan đến tài nguyên khoáng sản.
Đặc biệt, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tích cực đối thoại với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; trao đổi với UBND các huyện, TP để nắm rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, kịp thời có hướng giải quyết. Tham mưu việc phân cấp, ủy quyền cấp phép khai thác; ban hành một số văn bản hướng dẫn quy trình thăm dò, cấp phép khai thác; chỉ đạo phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa vi phạm... Qua đó góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nguồn đất san lấp, ổn định giá cho các công trình, dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn.
Với những giải pháp nêu trên, tình hình quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp. Hiện bản đồ địa chất khoáng sản (tỷ lệ 1/50.000) được lập đạt 78% diện tích tự nhiên của tỉnh (gần đạt mục tiêu từ 80% trở lên theo quy định của Chính phủ).
Công tác thẩm định hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật. Ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm, công nghệ khai thác tiên tiến, giảm thiểu tác hại ô nhiễm môi trường. Tính từ năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã cấp 95 giấy phép khai thác khoáng sản tại các điểm mỏ theo quy hoạch; trong số này có 29 giấy phép khai thác đất san lấp (với tổng trữ lượng đất đắp 20,5 triệu m3, đạt trên 70% nhu cầu vật liệu đất san lấp, đắp nền cho các dự án, công trình xây dựng - mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2025 là 70-80%) và 40 giấy phép khai thác khoáng sản trong diện tích các công trình, dự án...
Việc thăm dò các điểm mỏ, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khoáng sản; cải tạo, phục hồi môi trường... sau khi kết thúc khai thác được quan tâm, thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã cấp 36 giấy phép thăm dò, phê duyệt 49 điểm mỏ với tổng trữ lượng hơn 91 triệu m3... Tình trạng khan hiếm đất đắp trên địa bàn tỉnh cơ bản được khắc phục, bước đầu đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình, dự án, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quan tâm. Năm 2023, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đấu giá thành công 29 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, cố tình hủy hoại tài nguyên khoáng sản được thực hiện sát sao, kiên quyết, với sự vào cuộc tích cực hơn của chính quyền cơ sở và “tai mắt” giám sát của nhân dân. Tình trạng vi phạm được kiềm chế và giảm rõ rệt. Ý thức chấp hành pháp luật về khoáng sản của các doanh nghiệp, cá nhân được nâng lên.
Tuy nhiên, để công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản phát huy hiệu quả, góp phần sử dụng tiết kiệm, hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn lao động cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản phải chấp hành nghiêm các quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản pháp luật liên quan; thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ pháp luật quy định: Phải báo cáo các loại khoáng sản phát hiện được trong khu vực thăm dò, khai thác; chấp hành nghiêm các nghĩa vụ tài chính, thuế, phí, lệ phí; thực hiện thăm dò, khai thác trong phạm vi được cấp phép; sử dụng công nghệ, thiết bị, vật liệu thân thiện với môi trường và các giải pháp cải tạo, phục hồi, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường…