Đồng Nai thông qua đề án du lịch sinh thái rừng gần 1.000 tỷ đồng

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 11:30, 05/01/2024

UBND tỉnh Đồng Nai vừa phê duyệt đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021-2030 đề án du lịch sinh thái rừng.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã quyết định phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, giai đoạn 2021-2030. Đây được xem là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch sinh thái rừng ở Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai, vốn được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ.

Mục tiêu của Đề án là khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, di tích lịch sử tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai trên cơ sở bảo tồn, phát triển bền vững và huy động mọi nguồn lực trong xã hội để bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và phát triển du lịch.

dong-nai.jpg
Ảnh minh họa

Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên-văn hóa Đồng Nai được thực hiện trên tổng diện tích trên 100 nghìn ha, gồm diện tích có rừng và chưa có rừng; các hệ sinh thái rừng và nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú.

Các sản phẩm du lịch tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai gồm: Du lịch sinh thái gắn liền với tài nguyên rừng; du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái hồ; du lịch văn hóa gắn liền với Di tích lịch sử cách mạng và văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số; du lịch thể thao và khám phá; du lịch vui chơi, giải trí tổng hợp; du lịch sinh thái kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch cộng đồng; du lịch chuyên đề khoa học, nghiên cứu, thực tập, giáo dục môi trường; dịch vụ nhà hàng ăn uống, ẩm thực, mua sắm...

Đề án cũng quy hoạch 51 điểm phát triển du lịch và 37 tuyến du lịch khám phá rừng, các tuyến du lịch kết nối. Trong đó, chú trọng mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.

Về nguồn vốn, dự kiến gần 1.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách và kêu gọi đầu tư.

Thông qua thực hiện Đề án, Khu bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai phấn đấu đến năm 2030, thu hút 120.000 lượt khách/năm, trong đó khách lưu trú đạt trên 12.400 lượt, 111.600 lượt khách tham quan, doanh thu đạt khoảng 40 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho trên 1.580 lao động.

Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện, hỗ trợ cộng đồng dân cư địa phương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và phát triển hạ tầng tại các khu vực có tiềm năng. Huy động và sử dụng các sản phẩm do cộng đồng sản xuất trong phát triển du lịch. Bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên về văn hóa, đặc biệt là Di tích lịch sử và văn hóa cộng đồng dân tộc Chơro.

Liên quan đến vấn đề môi trường, thông qua việc triển khai Đề án góp phần tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương và du khách về các giá trị tự nhiên, văn hóa, lịch sử và nhân văn khu vực, từ đó nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giảm thiểu sự tác động của người dân đến tài nguyên rừng.

Phấn đấu đến năm 2030, có 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, nhà hàng, vui chơi giải trí tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn chất lượng môi trường.

Hồng Tú