Cảnh báo về cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:30, 05/01/2024

Cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào tháng Ba. Các địa phương cần chủ động ứng phó, dự trữ nguồn nước ngọt dồi dào cho tưới tiêu cho rau màu và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong mùa khô.

Cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90%. Cao điểm xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ vào tháng Ba.

Cục Thủy lợi dự báo ở vùng các cửa sông Cửu Long, tháng 1/2024, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập từ 45-55km, so với năm 2023 cao hơn từ 5-8km, so với năm 2020 thấp hơn từ 6-13km; so với năm 2016 thấp hơn từ 1-3km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-50km trong các kỳ triều cường.

han-man.jpg
Ảnh minh họa.

Ở sông Vàm Cỏ, ranh mặn 4 g/lít lớn nhất tháng 1/2024, trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 55-65km, so với năm 2023 cao hơn từ 3-5km, so với năm 2020 thấp hơn từ 22-25km, so với năm 2016 thấp hơn từ 24-28km. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi từ 50km trở xuống từ giữa tháng 1/2024.

Trên sông Cái Lớn, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành bảo đảm kiểm soát xâm nhập mặn.

Trưởng phòng Quản lý vận hành và Tưới tiêu, Cục Thủy lợi, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long có mức độ cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên thấp hơn mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Chính vì thế, các địa phương trong khu vực đã gieo cấy sớm cần tăng cường trữ nước phân tán, khả năng thiệt hại sẽ không có nếu không xảy ra bất thường.

Đáng chú ý các vùng có nguy cơ thiệt hại đã được gieo cấy lúa từ tháng 10, 11/2023 nên đến tháng 3/2024 (cao điểm xâm nhập mặn) cơ bản đã được thu hoạch xong. Ngoài ra, người dân cũng xây dựng các ao, hồ theo quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để chủ động nước cho cây ăn trái.

Thời gian tới, Cục Thủy lợi sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn việc trữ nước cho cây ăn trái, để đảm bảo làm sao lượng nước tích trữ đảm bảo tối thiểu cho cây trồng.

Còn ở khu vực Đông Nam Bộ, hiện tại, khu vực đang trong giai đoạn đầu mùa khô, dự báo dung tích trữ trung bình các hồ chứa đến cuối tháng 1 đạt khoảng 80% dung tích thiết kế. Nguồn nước tại các hồ chứa hiện tại và lượng mưa dự báo trong thời gian tới cơ bản sẽ đảm bảo cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024. Tuy nhiên người dân nên sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo cung cấp cho vụ Hè Thu 2024. Đặc biệt là các công trình thủy lợi nhỏ, vùng ngoài công trình thủy lợi phụ trách tưới.

Minh Lâm