[Góc nhìn tuần qua] Bán trú vùng cao – Khi sự thật không phải là sự thật
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 06/01/2024
Các em học sinh vùng cao chủ yếu là con em của đồng bào dân tộc thiểu số, do nhà cách trường gần chục cây số nên gần như các em học sinh sẽ học tập, ăn uống và sinh hoạt tại trường. Xa gia đình, xa cha mẹ nên trường học đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em. Vậy mà hiện tại nơi sinh hoạt và học tập lại đang trở thành mối nguy hại cho tính mạng của các em học sinh khi có nhiều ngôi trường dù đã xuống cấp, có dấu hiệu hư hỏng nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được tu sửa để đảm bảo an toàn cho các em học sinh.
Hiện nay, học sinh bán trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ có hai hình thức: một là trường phổ thông dân tộc bán trú, hai là trường học tổ chức học sinh bán trú.
Sau vụ việc “11 em học sinh ăn sáng với 2 gói mì tôm” tại Lào Cai được báo chí đưa tin, không chỉ Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra đề nghị lắp camera giám sát khu vực bếp ăn và chia thức ăn mà nhiều người cũng đã đồng tình với ý kiến này. Nhiều trường ở vùng cao cũng đã lắp camera giám sát trong khu vực bếp ăn để giám sát số lượng, chất lượng cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm cho các bữa ăn bán trú của trường. Bữa ăn của các em nên được giám sát để đảm bảo học sinh sẽ có được một bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng cho 1 ngày học kể cả là học sinh vùng cao hay tại những thành phố lớn. Không chỉ giám sát khu vực bếp ăn, thực đơn bán trú cũng phải được công khai, được nhận sự quan tâm sát sao hơn từ phía các bậc phụ huynh cũng như các lãnh đạo nhà trường, các cơ quan liên ngành.
Đồng bào các dân tộc thiểu số và các em học sinh vùng cao luôn là đối tượng được Đảng, Nhà nước và các nhà hảo tâm giành sự quan tâm và chia sẻ đặc biệt. Vì thế, những bữa ăn giấc ngủ của các em học sinh nơi đây chưa tương xứng với các chính sách, chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ các cấp địa phương dẫn đến tình trạng thiếu hụt, cắt xén khẩu phần ăn làm cho dư luận bức xúc. Bên cạnh tiếp tục có thêm những chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì việc các nhà trường làm đúng làm đủ những điều các em học sinh đáng được hưởng cũng sẽ giúp cho những thế hệ tương lai của các bản làng có điều kiện học tập tốt hơn, phụ huynh có niềm tin khi đưa con em tới lớp.