Dự thảo điều chỉnh, sửa đổi Chiến lược khoáng sản đến 2020, tầm nhìn năm 2020 cần khẩn trương thực hiện
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:30, 11/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Chiều ngày 10/9/2018, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên tại cuộc họp nghe Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam báo cáo về “Tổng kết 6 năm (2012-2017) thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các nội dung điều chỉnh, sửa đổi”.
Indonesia: Dùng vỏ chai nhựa để mua vé đi xe bus
Đắk Nông: Dân hoang mang khi nước suối đổi màu bất thường
Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về “Tổng kết 6 năm (2012-2017) thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các nội dung điều chỉnh, sửa đổi”, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung rà soát, xây dựng dự thảo Báo cáo và dự thảo nội dung điều chỉnh Chiến lược; đồng thời tổ chức 2 cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các Bộ: Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư; một số nhà khoa học trong và ngoài Bộ để bổ sung, hoàn thiện các dự thảo
Ông Trần Văn Miến, Vụ trưởng Vụ Địa chất, đại diện Ban soạn thảo cho biết: qua 6 năm thực hiện Chiến lược đã đạt được một số kết quả quan trọng trong công tác điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản; dự trữ khoáng sản; công tác thăm dò khoáng sản; quản lý hoạt động khoáng sản.
Bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy còn tồn tại nhiều vấn đề, hạn chế. Trong đó, một số mục tiêu Chiến lược chưa đạt được về khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao; đến năm 2020 chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường; hình thành các khu công nghiệp chế biến khoáng sản tập trung với công nghệ tiên tiến, có quy mô tương xứng với tiềm năng của từng loại khoáng sản,…; xuất khẩu khoáng sản trong những năm qua còn bất cập; chính sách bảo vệ, sử dụng và dự trữ tài nguyên khoáng sản không được thực hiện triệt để; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản và bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản còn hạn chế; công tác bảo vệ môi trường trong khai thác chế biến khoáng sản và hoàn thổ sau khai thác còn yếu kém; trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan quản lý, nghĩa vụ cung cấp thông tin định kỳ về khai thác khoáng sản của doanh nghiệp còn hạn chế; công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản còn chậm.
Về đề xuất nội dung điều chỉnh, bổ sung, nhìn chung vẫn giữ nguyên các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chiến lược, tuy nhiên, dự thảo đề xuất thay “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao đối với khoáng sản quy mô lớn bằng “xuất khẩu sản phẩm sau tuyển, chế biến có hiệu quả kinh tế cao; ưu tiêu xuất khẩu khoáng sản có quy mô lớn” nhằm tạo điều kiện cho xuất khẩu khoáng sản phù hợp với từng thời kỳ như Nghị quyết 02/NQ-TW ngày 25/11/2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu.
Dự thảo cũng đề xuất bổ sung thêm nội dung về đánh giá khoáng sản ở các vùng biển của Việt Nam – được coi nội dung rất quan trọng và cần thiết mà các quốc gia có biển đều tiến hành để đánh giá các khoáng sản dưới biển và bảo vệ chủ quyền; đánh giá làm rõ tiềm năng tài nguyên và các loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao trên đất liền đến độ sâu 1000m; điều chỉnh phân loại khoáng sản theo Luật Quy hoạch mới; điều chỉnh thời gian chấm dứt các cơ sở chế biến khoáng sản manh mún, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, gây ô nhiễm môi trường; Điều chỉnh tiêu chí xuất khẩu từ “chỉ xuất khẩu sản phẩm sau chế biến có giá trị cao đối với khoáng sản quy mô lớn” thành “xuất khẩu khoáng sản sau chế biến theo nguyên tắc đảm bảo nhu cầu sử dụng trong nước”.
Về định hướng phát triển, bổ sung định hướng đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường do cát sỏi gây ra; yêu cầu hoạt động thăm dò khai thác, chế biến khoáng sản phải tuân thủ quy hoạch, đảm bảo hiệu quả, bảo vệ môi trường; bổ sung định hướng đối với thăm dò năng lượng địa nhiệt, trong đó khuyến khích thăm dò, khai thác sử dụng các nguồn địa nhiệt…
Về các giải pháp, bổ sung thêm 4 giải pháp gồm: tăng cường vai trò trách nhiệm của địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và người dân trong việc phát hiện, ngăn chặn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy hoạch theo hướng mở đối với các loại khoáng sản (trừ khoáng sản phóng xạ và năng lượng) để thuận lợi cho việc thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động khoáng sản; quy định trách nhiệm công khai thông tin của các cơ quan quản lý….
Đặc biệt, đối với giải pháp bảo vệ môi trường, bổ sung thêm: Hoàn thiện cơ chế khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền, nhân dân nơi có khoáng sản để phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm về môi trường trong hoạt động khoáng sản; kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị như: Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Vụ Khoa học – Công nghệ, Vụ Kế hoạch – Tài chính đã đóng góp các ý kiến để hoàn thiện dự thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề định hướng phát triển khoáng sản, nhất là điều tra cơ bản về khoáng sản biển; cấp phép khai thác khoáng sản; cơ chế quản lý chặt chẽ khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường….
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đánh giá cao nỗ lực của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trong việc xây dựng dự thảo Báo cáo “Tổng kết 6 năm (2012-2017) thực hiện Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và đề xuất các nội dung điều chỉnh, sửa đổi”. Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo báo cáo, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục tiếp thu các ý kiến của thành viên và các đơn vị khẩn trương hoàn thiện dự thảo Báo cáo và dự thảo điều chỉnh, sửa đổi Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo đúng tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-TW của Trung ương để trình Bộ trưởng báo cáo Chính phủ. Trong đó phân tích, đánh giá đầy đủ hơn về những tồn tại, hạn chế; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế chính sách tài chính về khoáng sản; thuế khoáng sản, đấu giá khoáng sản, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, hoạt động đầu tư khai thác khoáng sản của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu khoáng sản; đẩy mạnh điều tra, đánh giá các khoáng chất công nghiệp mới, các khoáng sản thay thế vật liệu xây dựng truyền thống như cát, sỏi lòng sông để giảm thiểu tác động môi trường do cát, sỏi gây ra. Đặc biệt giải quyết được mâu thuẫn giữa khai thác thăm dò khoáng sản và bảo vệ môi trường, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương và người dân ở nơi khai thác thăm do khoáng sản. Kiên quyết đóng cửa các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…
Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam hoàn thiện dự thảo trình Bộ trưởng để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Quỳnh Dao /CTTĐT