Hòa Bình tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên nước
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 07:30, 12/01/2024
Theo Quy hoạch phân bổ và bảo vệ TNN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025, TNN trên địa bàn tỉnh khá dồi dào để phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế. Trong đó, nguồn nước mặt chủ yếu từ các lưu vực sông chính như: sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi chảy qua địa bàn tỉnh và 544 hồ chứa thủy lợi, khoảng 1.300 ha ao, hồ nhỏ. Đối với nguồn nước đầm, ao, hồ, toàn tỉnh có 546 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 39 hồ chứa dung tích hơn 1 triệu m3 và 12 hồ chứa thủy điện. Hồ chứa thủy điện Hòa Bình có dung tích lớn nhất là 9,862 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, hồ còn có nhiệm vụ điều tiết, cung cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng.
TNN dưới đất trên địa bàn tỉnh phân bố không đồng đều và khá đa dạng, với 21 tầng chứa nước có khả năng cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư trên toàn tỉnh. Trong đó có 7 tầng chứa có chất lượng, trữ lượng bảo đảm cho khai thác lưu lượng lớn cấp nước cho khu dân cư, khu công nghiệp. Các tầng chứa giàu nước chủ yếu phân bố ở vùng ven sông, suối, vùng đất thấp, bằng phẳng hoặc trong các thung lũng. Còn lại các vùng núi cao, độ dốc lớn là các tầng chứa nghèo, nước thường xuất hiện mạch lộ thiên với lưu lượng nhỏ và biến đổi theo mùa.
Mặc dù được đánh giá có nguồn TNN khá dồi dào, nhưng ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu khiến tài nguyên này ngày càng cạn kiệt. Thực tế trong những năm qua, tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng. Mùa khô năm 2023 chứng kiến trong một thời gian dài, người dân ở nhiều địa phương phải gồng mình chống chọi với hạn hán khi nhiều con suối cạn trơ đáy. Bà Đinh Thị Mùi, xóm Dướng, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) chia sẻ: "Đến nay tôi gần 70 tuổi nhưng chưa năm nào suối Khé lại cạn hết nước như mùa khô năm ngoái (tháng 5/2023). Suối cạn nên nhà nào cũng phải kéo ti ô rất xa, tận trên đầu nguồn để có nước sinh hoạt”. Đối với huyện Đà Bắc, tình trạng hạn hán trong mùa khô năm 2023 kéo dài khiến các khe nước, nguồn nước, sông suối cạn kiệt, dẫn đến nhiều công trình nước sinh hoạt tự chảy không đủ nước để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đặc biệt là 6 xã: Vầy Nưa, Tiền Phong, Nánh Nghê, Trung Thành, Đồng Ruộng, Tân Minh.
Mùa khô năm 2023 cũng đã chứng kiến nhiều vùng quê trong tỉnh không chỉ thiếu nước sinh hoạt, mà nhiều hồ chứa cũng rơi vào cảnh trơ đáy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Ở hạ lưu hồ thuỷ điện Hoà Bình, nhiều thời điểm mực nước xuống thấp kỷ lục, để lộ những bãi cát rộng, lòng sông trơ sỏi, đá. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu được xác định là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khô hạn kéo dài, trong khi nắng nóng gay gắt khiến nguồn nước rơi vào cảnh cạn kiệt.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường: Sự gia tăng về dân số, các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tác động tiêu cực đến TNN trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên này còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn, đặc biệt khi nhu cầu sử dụng nước tiếp tục tăng mạnh trong tương lai nhằm thoả mãn các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi số lượng nước có thể khai thác, sử dụng ngày càng suy giảm cả về số lượng, chất lượng.
Trước thực trạng đó, từ năm 2021, UBND tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành có liên quan lập Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đối với quy hoạch TNN, mục tiêu đảm bảo tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối TNN đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên đảm bảo cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hài hòa với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng. Quản lý, khai thác TNN theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng với biến đối khí hậu và đảm bảo an ninh nguồn nước. Khai thác, sử dụng TNN gắn với công tác bảo vệ nguồn nước.