Nhiều khó khăn trong thực hiện giảm rác thải nhựa ở Quảng Nam
Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 17:00, 13/01/2024
Tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào chống rác thải nhựa trên toàn quốc. Tại Quảng Nam, bên cạnh các hoạt động xã hội, du lịch trở thành ngành tiên phong kêu gọi chống rác thải nhựa; một số nhà hàng, khách sạn, cơ sở kinh doanh dịch vụ đã tích cực hưởng ứng cùng xây dựng điểm đến xanh.
Thời gian đầu, những hành động như xách làn nhựa đi chợ thay túi ny lon, thay chai nhựa bằng chai thủy tinh, phân loại rác tại nguồn… diễn ra khá rôm rả, nhưng chỉ sau một thời gian phong trào dần yên lắng.
Tại TP.Hội An, dù có nhiều kinh nghiệm sau gần 15 năm “nói không” với túi ny lon trên đảo Cù Lao Chàm, nhưng trong đất liền thì điều này không dễ. Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận, khó ngăn cấm việc sử dụng vật liệu nhựa trong kinh doanh, dịch vụ do không có cơ sở pháp luật. Giải pháp hiện nay chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động, thay đổi thói quen cộng đồng.
Việc thiếu các quy định, chế tài khiến mục tiêu giảm rác thải nhựa rất khó đạt được. Trong khi nhiều tổ chức, đoàn thể ra sức tuyên truyền, vận động thì không ít doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ vì lợi nhuận vẫn tiếp tục sử dụng vật liệu nhựa một lần thải ra môi trường.
Ngày 20/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 33 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiệu chất thải nhựa ra môi trường. Trong đó cảnh báo ô nhiễm nhựa là thách thức lớn nhất mà các quốc gia đang phải đối mặt. Việc lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, túi ny lon khó phân hủy để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường.
Ông Võ Như Toàn – Phó Giám đốc Sở TN-MT Quảng Nam cho biết, thực hiện Chỉ thị 33, Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) trên địa bàn. Cạnh đó, tăng cường theo dõi quản lý, phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; đẩy mạnh công tác truyền thông thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức phân loại CTRSH tại nguồn đến các địa phương trong tỉnh…
Đặc biệt, nhiều dự án xử lý rác thải đang được triển khai xây dựng như Dự án nhà máy xử lý CTRSH tại xã Cẩm Hà (Hội An), Dự án nhà máy xử lý CTRSH Bắc Quảng Nam tại thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), Dự án khu xử lý chất thải rắn Nam Quảng Nam tại xã Tam Nghĩa (Núi Thành)…
Bà Nguyễn Hoàng Yến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT) nhìn nhận, mặc dù đạt những kết quả tích cực nhưng vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát đầu vào của rác thải nhựa rất hạn chế do thiếu những quy định cụ thể mang tính bắt buộc đối với việc sản xuất, sử dụng CTRSH.
“Đến nay, tuy chưa có số liệu cụ thể về sản phẩm nhựa sử dụng một lần thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh nhưng với tình trạng nhiều hàng quán, cơ sở ăn uống đang sử dụng ly nhựa một lần để tiết giảm chi phí nhân công đã trở thành rào cản lớn cho mục tiêu tiết giảm CTRSH” - bà Yến chia sẻ.
Theo kế hoạch, ngày 31/12/2024 các địa phương sẽ triển khai một số quy định mới trong công tác phân loại CTRSH tại nguồn theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 (bao gồm giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn).
Từ tháng 4/2023, với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Quảng Nam đã chọn phường Cẩm Nam (TP.Hội An) thực hiện thí điểm về mức phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại, dù vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện nhưng kết quả bước đầu khá tích cực.
Bà Nguyễn Hoàng Yến cho rằng, bên cạnh thu phí sử dụng CTRSH và đánh thuế cao đối với cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, chuyển giao các công nghệ về tái chế rác thải nhựa và sản xuất vật liệu thân thiện môi trường.
Khuyến khích sản xuất, phát triển các sản phẩm tự phân hủy trong tự nhiên để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ny lon khó phân hủy. Đặc biệt, các cơ quan đơn vị không sử dụng kinh phí nhà nước mua sắm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần...