Đồ dùng học tập từ vật liệu tái chế

Giáo dục - Ngày đăng : 08:30, 17/01/2024

Từ những nguyên vật liệu đơn giản, dễ tìm, qua bàn tay khéo léo của các cô giáo mầm non (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã trở thành những bộ đồ dùng học tập đầy màu sắc, có tính thẩm mỹ cao, góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.

Cô giáo Hà Thị Bích Hà, Trường Mầm non Sao Mai cho biết, chúng tôi tận dụng nguyên vật liệu tái chế để làm đồ dùng cho hoạt động trải nghiệm, giúp trẻ say mê học tập, vui chơi. Đồng thời, việc tận dụng này giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường, góp phần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho bé ngay ở lứa tuổi mầm non.

Tại góc bé vui khám phá, trẻ được tự tay trang trí giỏ hoa, hoặc chiếc váy bằng nắp chai đủ màu sắc. Hay tại góc bé vui trải nghiệm, trẻ cùng cô làm thí nghiệm khoa học về nước với các loại đậu, hạt, màu nước. Dù tận dụng tối đa các nguyên vật liệu đã qua sử dụng, nhưng yếu tố đầu tiên là phải đảm bảo an toàn và phù hợp với độ tuổi của trẻ.

vat-lieu-tai-che.jpeg
Ảnh minh họa

Cô giáo Trần Thị Ngọc Bích, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai cho biết, hằng năm, nhà trường đều được cấp đồ dùng học tập. Nhưng để đáp ứng cho các tiết dạy thì không đủ. Do đó, ngoài sản phẩm được cấp, các cô giáo tự tạo đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, tận dụng nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên như lá cây, cây tre, gỗ, rơm, vỏ sò, ốc, hến, quả khô, cát, đất sét... Việc làm đó không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn tạo ra những bộ đồ dùng học tập mang tính giáo dục, giúp trẻ yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Từ đầu năm học 2023 - 2024, trường Mầm non Bình Minh (TP.Quảng Ngãi) tổ chức Hội thi “Lớp học xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện”, vì vậy mỗi lớp học là một thế giới riêng thu nhỏ để từng cô giáo thỏa sức sáng tạo. Những bức tranh, biểu cảm của bé hay góc dân gian đều được các cô “thổi hồn” từ những nguyên vật liệu cũ, an toàn và thân thiện với môi trường như: Bìa các tông, lõi giấy vệ sinh, len, sỏi, đá... Với môi trường bên ngoài lớp học, nhà trường tận dụng khoảng trống bên chân cầu thang để tạo khu vực hoạt động cho trẻ như: Khu dự án của bé, xưởng nghệ thuật, bé sáng tạo, góc chợ quê ngoài sân trường... giúp mỗi giờ học của trẻ là những trải nghiệm lý thú, bổ ích.

Cô giáo Phạm Thị Kim Anh, trường Mầm non Bình Minh chia sẻ, mỗi hoạt động trải nghiệm, các bé được học rất nhiều kỹ năng. Chẳng hạn như tại góc chợ quê, trẻ được trải nghiệm đi chợ, được học kỹ năng giao tiếp, biết tên các loại bánh, mứt truyền thống. Ngoài ra, để tạo sự hứng thú cho trẻ, các cô cùng tham gia bằng cách gợi ý tự chọn màu sắc, hướng dẫn làm đồ dùng, đồ chơi gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của trẻ, hoặc cùng cô làm nên bức tranh từ lá cây, hoa khô.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh Tân Thị Cẩm Hương cho biết, thực hiện chủ đề “Xây dựng trường mầm non hạnh phúc, lấy trẻ làm trung tâm” gắn với việc nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025”, bên cạnh việc đổi mới phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ, việc sử dụng các nguyên vật liệu dễ tìm, giá thành rẻ để làm đồ dùng học tập, đồ chơi thể hiện sự sáng tạo của giáo viên, giúp các con cảm nhận được sự vật một cách trực quan, sinh động.

“Hơn nữa, từ những nguyên vật liệu tái chế, giúp các cô giáo có sự kết nối nhiều hơn với phụ huynh học sinh. Nhiều bố mẹ mang nguyên vật liệu đến tặng nhà trường từ vỏ chai nhựa, thùng các tông đến những tấm vải, ruột bông gối. Các bậc phụ huynh rất ủng hộ và trân trọng những nỗ lực, tâm huyết của giáo viên khi tự tay làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, khiến các con thấy yêu thích và hứng thú hơn mỗi khi đến trường”, cô Hương cho biết thêm.

Hoàng Linh