Điểm nhấn môi trường ở những làng quê kiểu mẫu

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 19:30, 19/01/2024

Nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi diện mạo hầu khắp các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngày càng xuất hiện hiện nhiều vùng quê đáng sống, với sự hiện hữu của sự khang trang, sạch sẽ và an toàn.

Bước ngoặt thay đổi một vùng quê

Những ngày cận Tết, về với vùng quê đáng sống Quảng Bình, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, phấn khởi khi cảm nhận được những đổi thay rõ nét trong diện mạo nông thôn nơi đây – kết quả của quá trình xây dựng nông thôn mới đầy gian nan nhưng cũng lắm tự hào của địa phương. Sự khởi sắc hiện hữu trên những con đường bích họa, những tuyến đường rực rỡ sắc màu của các loài hoa đang thi nhau khoe sắc. Chất lượng cuộc sống của người dân cũng được nâng lên khi những nhà cao tầng mọc lên san sát, cơ sở hạ tầng khang trang, thôn làng ngõ xóm quang đãng, sạch đẹp. Những thành quả "mắt thấy, tai nghe" đó là minh chứng cho thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt người dân đã phát huy vai trò chủ thể khi thực hiện tiêu chí về môi trường - một trong những tiêu chí "động", cần có sự duy trì liên tục bằng những mô hình hay, cách làm hiệu quả, thiết thực và phù hợp với thực tế.

anh-1.jpg
Xây dựng  NTM kiểu mẫu với việc lấy điểm nổi trội là cảnh quan môi trường đã đưa diện mạo của xã Quảng Bình thay đổi theo hướng tích cực, trở thành một vùng quê đáng sống.

Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Bảo, Chủ tịch UBND xã Quảng Bình, mặc dù địa phương có nhiều lợi thế để lấy tiêu chí văn hóa làm lĩnh vực nổi trội nhất trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng địa phương vẫn quyết tâm nâng cao tiêu chí môi trường để lấy đó làm điểm nhấn. “Biết là khó, bởi đây là tiêu chí động, nhưng chúng tôi lại có một suy nghĩ khác rằng, khi thực hiện tiêu chí này, sẽ tạo sự đoàn kết trong toàn dân, thay đổi nhận thức và trách nhiệm của người dân với môi trường; quan trọng hơn cả, thực hiện tiêu chí này thì người dân sẽ được thừa hưởng trực tiếp, từ người già đến trẻ nhỏ sẽ được sống trong một môi trường trong lành, sạch đẹp và an toàn” – ông Bảo hồ hởi.

anh-2.jpg
Trên khắp các trục đường giao thông của xã Quảng Bình đều được nhựa hóa, bê tông hóa; phủ bóng cây xanh, đèn điệu chiếu sáng

Từ động lực trên, xã Quảng Bình đã tổ chức sâu rộng được phong trào “Toàn dân tham gia vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan sáng - xanh - sạch, đẹp, an toàn” với phương châm hành động thiết thực “Mỗi tháng ít nhất có thêm ít nhất 1 hoạt động, mỗi tuần dành ít nhất 1 ngày, mỗi ngày dành ít nhất 1 giờ cho bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan”. Phong trào đã thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giúp tạo lập, nhân rộng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Có thể điểm tên những mô hình nổi bật: “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Bể thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Trồng hoa, cây xanh”, “Hàng cây Cự chiến binh”, “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ”, “Dòng sông không rác thải”, “Điểm vui chơi cho thiếu nhi”. Đến nay, trên địa bàn toàn xã Quảng Bình, hầu hết các tuyến đường giao thông đã được mở rộng và thảm nhựa, thảm bê tông mịn màng; 2 bên lề đường đều được trồng hoa, cây cảnh, cây bóng mát đạt 82,7% các tuyến đường; có 11.16 km/13.5 km đường được trồng hàng rào xanh bằng cây chuỗi ngọc, cây chè mạn cây bóng mát, trồng hoa đạt 82.7%; UBND xã đã phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể tổ chức trồng và chăm sóc 320 cây sao đen, 570 cây hoa Ban Tây Bắc, 500 cây bằng lăng tím và hàng ngàn cây xanh, cây bóng mát các loại trên các tuyến đường và các địa điểm công cộng như các nhà văn hóa thôn, sân thể thao; ngoài ra, địa phương đã bố trí 70 thùng đựng rác dọc tất cả các tuyến đường trục trên địa bàn, trên 70% số hộ đã được trang bị thùng rác và thực hiện tự phân loại rác thải tại hộ gia đình, giảm thiểu rác thải xã ra môi trường; hành lang an toàn giao thông trên các trục đường luôn được đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ; hệ thống điện chiếu sáng, loa phát thanh, camera an ninh được bao phủ tạo nên một không gian, cảnh quan môi trường nông thôn “Xanh - Sạch - đẹp - An toàn”. Môi trường, cảnh quan nông thôn của xã vừa giữ được nét bình dị của làng quê thôn đã vừa mang dáng dấp của một đô thị văn minh, thân thiện và thực sự trở thành một miền quê đáng sống, là niềm vui, niềm tự hào của mỗi người dân nơi đây.

anh-3.jpg
Trước mỗi hộ gia đình ở xã Quảng Bình, đều được đặt 1 thùng rác, để rác thải được thu gom một cách cẩn thận, gọn gàng; đồng thời nâng cao trách nhiệm BVMT trong toàn dân.

Khi toàn dân tham gia bảo vệ môi trường

Đi tìm những động lực để có một xã Quảng Bình đáng sống của hiện tại, chúng tôi đã nhận được câu trả lời chung của đa phần người dân nơi đây: Địa phương đã phát huy sức mạnh của phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường để xây dựng, cải tạo, thiết lập một cảnh quan môi trường Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn có tính đồng bộ, thu hút sự tham gia bền vững của người dân. Theo đó, 100% người dân và cán bộ công chức, viên chức trong xã hằng ngày dành thời gian phù hợp (ít nhất 1 giờ) để dọn dẹp, chỉnh trang nhà cửa, vườn tược, tường rào, ngõ cổng, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt; mỗi tuần dành 1 ngày (Thứ 7/CN) để tham gia vệ sinh môi trường cộng đồng, khu dân cư (mỗi hộ có ít nhất 1 người tham gia) để tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu công cộng; cắt tỉa, chăm sóc bồn hoa, cây xanh; quét vôi ve làm mới các hộ dân, khu dân cư.

Cũng như xã Quảng Bình, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - địa phương đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Hoằng Hóa, ngoài điểm nổi trội về giáo dục, thì tiêu chí môi trường cũng được đánh giá rất cao. Các tuyến đường từ đường liên tỉnh (tỉnh lộ 510) đến các tuyến liên xã, liên thôn đều được đầu tư, xây dựng và dọn vệ sinh sạch sẽ; không có tình trạng xả rác thải, nước thải bừa bãi. Dọc các tuyến đường đều được trang trí cờ Tổ quốc và trồng các loại hoa tạo thành những con đường cờ hoa rực rỡ sắc màu. Để làm nổi bật các tuyến đường, chính quyền địa phương đã phối hợp với người dân chỉnh trang, làm mới cảnh quan, với việc vẽ được hơn 1.000 m2 tranh bích họa và 7.500 m2 tường rào được sơn mới;… Đáng ghi nhận nhất trong phong trào bảo vệ môi trường của xã Hoằng Lộc chính là việc đã gìn giữ, cải tạo được hệ thống ao làng thành những ao sinh thái, khuôn viên mini, vừa tránh được ô nhiễm môi trường, vừa tạo nên được sự hài hòa trong phát triển khi pha trộn được tính hiện đại và nét thơ mộng của làng quê Việt.

anh-5.jpg
anh-4.jpg
Việc giữ lại được hệ thống ao làng, đã góp phần vào sự hài hòa trong phát triển của xã Hoằng Lộc, giúp giữ lại những nét truyền thống của làng quê Việt

Để trở thành một miền quê kiểu mẫu, sạch đẹp và đáng sống, chính quyền xã Hoằng Lộc đã đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức thực hiện Bảo vệ môi trường, từng bước hình thành “ý thức xanh” thường trực trong mọi tầng lớp nhân dân địa phương. Hình thức tuyên truyền, vận động được tiến hành rất phong phú, đa dạng như: tăng thời lượng đưa tin về công tác bảo vệ môi trường trên hệ thống loa truyền thanh địa phương; phát huy vai trò của các đoàn thể, các thôn, các nhà trường trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, học sinh và nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, tránh tình trạng đổ rác bừa bãi không đúng nơi quy định; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường khu dân cư, tạo nên nếp sống văn minh, khuyến khích các hộ phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường.

anh-6.jpg
Nhà cửa khang trang, đường xá thông thoáng, môi trường trong lành, tất cả những yếu tố kể trên đã đưa Hoằng Lộc trở thành một vùng quê đáng sống

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lộc, chia sẻ: “Kinh nghiệm của xã Hoằng Lộc trong việc thực hiện tiêu chí môi trường, đó là phải làm sao huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia, tạo thành nguồn sức mạnh lớn lao; phải để người dân là chủ thể chính, tích cực tham gia, tích cực đóng góp ý kiến, và đặc biệt, phải là đối tượng được thừa hưởng đầu tiên. Trên hết, ngoài thay đổi nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, điều quan trọng phải đưa công tác này trở thành phong trào trong toàn dân, biến nó thành thói quen, sự hứng khởi”

Được biết, tính đến ngày 31/12/2023, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có 360 xã và 717 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 90 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 16 xã và 411 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 16,85 tiêu chí/xã. Để định hướng, hỗ trợ các địa phương hoàn thành, giữ vững và nâng cao tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh hóa ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 05/6/2023 về thực hiện các mô hình thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn khu dân cư kiểu mẫu năm 2023 góp phần thực hiện mục tiêu của thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đã và đang dần đi vào nề nếp; đã quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư, xây dựng đồng bộ mương rãnh thoát nước...; nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì và ngày càng nhân rộng.

Nguyễn Trường