Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội Địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng Đông Nam Á
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:36, 29/09/2018
(Moitruong.net.vn) – Trong hai ngày 16 và 17 tháng 10 tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đăng cai tổ chức Đại hội Địa chất, tài nguyên khoáng sản và năng lượng của khu vực Đông Nam Á lần thứ 15 (GEOSEA15).
>>>Hội nghị cấp cao về EMS khu vực châu Á – Thái Bình Dương
>>>Năm 2020: Áp dụng mức kiểm soát khí thải mới cho ô tô sản xuất từ năm 2008
Ảnh minh họa
Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội GEOSEA 15, dự kiến có khoảng 500 người tham dự gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các doanh nghiệp hoạt động địa chất, khoáng sản, các nhà khoa học, chuyên gia thuộc các lĩnh vực địa chất, môi trường và tài nguyên địa chất các nước ASEAN.
Đại hội GEOSEA 15 được tổ chức nhằm tăng cường sự hợp tác và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, thăm dò và khai thác tài nguyên trái đất trong cộng đồng các nước ASEAN và các tổ chức quốc tế liên quan, đồng thời thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực khoáng sản theo Kế hoạch Hành động Hợp tác Khoáng sản ASEAN giai đoạn 2016 – 2020.
Đại hội được thiết kế thành 8 Tiểu ban bao trùm đến tất cả các lĩnh vực chuyên môn về địa chất, môi trường và tài nguyên địa chất: Phiên họp toàn thể; Cổ sinh – Địa tầng – Trầm tích luận – Địa chất biển; Địa hóa – Khoáng vật – Thạch luận; Địa vật lý – Địa chất cấu trúc và Kiến tạo; Tài nguyên khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Địa chất và chế biến dầu khí; Địa chất thủy văn – Tài nguyên nước – Địa chất công trình và Địa chất đô thị; Di sản địa chất, Địa chất đô thị, Địa chất môi trường và Tai biến địa chất.
Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cho biết, Ban tổ chức đã nhận được 305 bài báo khoa học, trong đó có 127 của đại biểu quốc tế và 178 của đại biểu trong nước. Đại hội lần này không chỉ thu hút được các nhà khoa học từ các nước thành viên khối ASEAN mà còn đông đảo các nhà khoa học quốc tế có uy tín đến từ các nước phát triển như Hoa kỳ, Anh, Đức, Nga, Nhật Bản, Đan Mạch, Canada, Trung Quốc tham dự.
Bên cạnh phiên đại hội chính, Ban tổ chức còn triển khai các chuyến khảo sát thực địa trước và sau Đại hội đến các khu vực có đặc điểm địa chất và tài nguyên địa chất điển hình của Việt Nam cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế có cơ hội tìm hiểu rõ hơn về tiềm năng tài nguyên địa chất của nước ta cũng như chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức ngoài thực địa để nâng cao trình độ.
Nguyễn Ngân (t/h)