Thanh Hóa: Bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững
Đa dạng sinh học - Ngày đăng : 05:59, 24/01/2024
Ban hành nhiều chương trình hành động về công tác bảo tồn ĐDSH
Thanh Hóa là một trong những tỉnh có tài nguyên rừng lớn với tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 646.890 ha. Theo tổng hợp kết quả điều tra từ các chương trình, dự án điều tra, nghiên cứu, tỉnh Thanh Hóa hiện có 2.526 loài thuộc 602 chi, 223 họ, 12 lớp, 6 ngành thực vật bậc cao trên cạn; 255 loài côn trùng, 290 loài thuộc 173 giống chim, 111 loài thuộc 66 giống thú, 62 loài thuộc 25 giống lưỡng cư và 98 loài bò sát. Thanh Hóa là một trong những tỉnh được đánh giá có tính ĐDSH cao với nhiều loài động thực vật đặc hữu, quý hiếm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới, gồm: 146 loài thực vật bậc cao trên cạn, 16 loài thực vật rừng ngập mặn, 4 loài côn trùng, 30 loài chim, 34 loài thú, 49 loài lưỡng cư và 21 loài bò sát. Nhìn chung, tỉnh Thanh Hóa có mức độ đa dạng cao về thành phần các loài động thực vật rừng với nhiều loài đặc hữu và quý hiếm.
Để bảo tồn ĐDSH, Thanh Hóa đã ban hành nhiều chương trình hành động: Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 206/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa;…
Các Vườn, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) trong tỉnh Thanh Hóa được phân công nhiệm vụ tổ chức bảo tồn tại chỗ, gây nuôi bảo tồn và tái thả vào tự nhiên một số loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xây dựng các tuyến điều tra, giám sát và tổ chức thực hiện chương trình giám sát hàng năm, để theo dõi diễn biến quần thể cũng như số lượng cá thể của các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; xử lý nghiêm các hành động mua bán động vật hoang dã; tuyên truyền cho người dân về các quy định của pháp luật trong Luật ĐDSH, ngăn ngừa tội phạm ĐDSH.
Khu BTTN Xuân Liên – đơn vị được đánh giáo cao về công tác bảo tồn ĐDSH, có diện tích hơn 27.000 ha, nằm giáp ranh với tỉnh Nghệ An và biên giới Việt – Lào. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Ban quản lý (BQL) Khu BTTN Xuân Liên đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn ngừa các hành vi vi phạm Luật ĐDSH như lên danh mục các loài thực vật, động vật, cây dược liệu quý hiếm cần bảo tồn, nghiên cứu phát triển các nguồn gen quý; tuyên truyền cho người dân vùng đệm về các quy định của pháp luật trong bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH; lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn cũng thường xuyên tuần tra, giám sát rừng qua hệ thống GPS để nắm rõ an ninh rừng. Đặc biệt, nhiều năm trở lại đây, Khu BTTN Xuân Liên phối hợp với các địa phương trên địa bàn phối hợp bảo vệ rừng với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác như dự án trồng cây Quế Ngọc theo chuỗi giá trị, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho người dân tộc thiểu số, các mô hình trồng cây chè vằng đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống cho bà con.
Được biết, theo kế hoạch số 20/2023 của UBND tỉnh Thanh Hóa về bảo tồn ĐDSH, trong 5 năm tới, Khu BTTN Xuân Liên sẽ xây dựng Vườn sưu tập thực vật các loài bản địa, quý hiếm của Việt Nam và khu cứu hộ động vật rừng bán hoang dã đáp ứng nhu cầu cứu hộ, tái thả động vật rừng hoang dã.
Gắn du lịch sinh thái với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn ĐDSH
Khu BTTN Pù Luông được thành lập vào năm 1999, diện tích 17.662ha, trong đó có khoảng 13.300ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.300ha phân khu phục hồi sinh thái; nơi đây có hệ động, thực vật phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại, trong đó có hàng trăm loài động, thực vật được ghi tên trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ Thế giới.
Pù Luông có khoảng hơn 4.000 hộ dân là người dân tộc Thái, Mường sinh sống ở vùng lõi và vùng đệm. Đời sống người dân khó khăn nên chủ yếu phụ thuộc vào rừng. Ngoài ra, hoạt động xây dựng thủy điện trên sông Mã đã ảnh hưởng tới hệ sinh thái và bảo tồn ĐDSH tại đây. Nhiều loài động vật, thực vật suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Để giải quyết những vấn đề nan giải kể trên, BQL Khu BTTN Pù Luông ngoài thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cơ bản để bảo vệ rừng như tuyên truyền, tuần tra, xử lý,… thì đã đưa ra một giải pháp căn cơ, đó là tận dụng hệ sinh thái của Pù Luông, để phát triển du lịch. Đây được xem là một hướng đi khả dĩ, giúp cân bằng, hài hòa giữa lợi ích rừng và lợi ích của người dân.
Theo đó, BQL Khu bảo tồn đã phối hợp cùng với Tổ chức Động thực vật quốc tế (FFI) xây dựng và phát triển du lịch sinh thái tại đây với tổng số tiền tài trợ là 254.152 Euro. Pù Luông đã xây dựng 20 ngôi nhà sàn tại xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa), xã Thành Sơn và Lũng Cao (huyện Bá Thước) theo truyền thống của dân tộc Thái và Mường để làm dịch vụ lưu trú cho khách du lịch. Dự án cũng hỗ trợ nâng cấp cải tạo nhà vệ sinh, xây dựng các dịch vụ ăn uống chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức cho cộng đồng dân cư trong vùng lõi, vùng đệm tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn và đi thăm các mô hình du lịch sinh thái trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, du khách tìm tới Pù Luông ngày càng đông, đời sống người dân đã nâng lên. Các hành vi xâm hại tới đa dạng sinh học giảm hẳn.
Chia sẻ về công tác quản lý, bảo về rừng, bảo tồn ĐDSH, cũng như phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch của Khu BTTN Pù Luông, Ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Luông hồ hởi: “Nhằm phát huy được những giá trị của hệ sinh thái trong phát triển du lịch, thời gian qua, BQL Khu BTTN Pù Luông đã nỗ lực hỗ trợ người dân vùng đệm xây dựng nhiều mô hình du lịch truyền thống, mở các lớp tập huấn cách thức làm du lịch cho bà con; đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị rừng, giá trị văn hóa, để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch về với Pù Luông. Nơi đây đã, đang trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước. Thông qua phát triển du lịch đã cải thiện đời sống người dân trong khu vực, nhờ đó đã giảm thiểu được áp lực lên rừng, góp phần giữ vững hệ sinh thái, bảo tồn ĐDSH”.
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án Du lịch Sinh thái, Nghỉ dưỡng, Giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Pù Luông đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đề án thực hiện trên diện tích gần 17.000ha thuộc phạm vi quản lý của Khu BTTN Pù Luông và kết nối tới các xã vùng đệm của hai huyện Bá Thước, Quan Hóa.
Tỉnh Thanh Hóa đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Khu BTTN Pù Luông sẽ đón khoảng 15.800 lượt khách du lịch, doanh thu đạt khoảng 12,6 tỷ đồng; đến năm 2030, đạt 27.000 lượt khách, doanh thu khoảng 33 tỷ đồng; vào năm 2045, đạt 50.000 lượt khách du lịch, tổng thu khoảng 85 tỷ đồng.
Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết, Đề án được thực hiện sẽ là động lực thúc đẩy, góp phần tạo và tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH trong Khu BTTN Pù Luông; thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương, tạo công việc, chuyển dịch lao động cho cộng đồng dân cư vùng đệm khu bảo tồn, tăng nguồn thu cho địa phương từ các hoạt động dịch vụ.