Quảng Nam: “Cát tặc” tung hoành trên sông Thu Bồn – (Bài 1): Tại sao cát tặc vẫn ngang nhiên hoạt động?
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 14:46, 23/10/2018
– Thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên là những địa phương được xác định là điểm nóng về tình trạng khai thác cát trái phép, nhất là trên sông Thu Bồn. Từ ngày 1/7/2018, UBND tỉnh Quảng Nam quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản cát, sỏi trên sông Thu Bồn. Tuy nhiên, trong 1 tháng vừa qua, PV Môi trường & Cuộc sống – Moitruong.net.vn đã tiến hành mật phục dọc tuyến sông Thu Bồn, và chứng kiến “cát tặc” hoạt động rất rầm rộ. Điều đó cho thấy công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát trên sông của chính quyền địa phương còn rất nhiều vấn đề.
>> Đà Nẵng: Hàng loạt bãi tập kết cát trái phép, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn
>> Quảng Nam: “Nhức nhối” nạn khai thác trái phép cát, sỏi trên sông Thu Bồn
>> Tạp chí Môi trường và Cuộc sống khai trương Văn phòng đại diện Khu vực Nam Trung bộ tại Đà Nẵng
Theo đánh giá của UBND tỉnh Quảng Nam, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn vẫn chưa chấp dứt. Các đối tượng thường lợi dụng địa hình sông nước, khu vực giáp ranh, đêm tối để hoạt động khai thát cát trái phép. Mặt khác, việc khai thác cát, sỏi trái phép đem lại lợi nhuận cao nên nhiều đối tượng bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, chúng còn sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng, gây khó khăn, trở ngại cho công tác kiểm tra, truy quét, xử lý.
Hoạt động khai thác cát lậu trên sông Thu Bồn vào ban đêm
Trong 1 tháng mật phục, PV Moitruong.net.vn cùng đồng nghiệp đã có nhiều đêm đi dọc sông Thu Bồn (cả đi ghe và đi bộ) để “mục sở thị” hoạt động của cát tặc. Đêm đầu tiên, chúng tôi thuê ghe nhỏ, đóng giả thành ghe cào hến chạy dọc sông thăm dò những vị trí có khai thác cát trái phép. Sau nhiều giờ tròng trành trên sông Thu Bồn đoạn từ cầu Giao Thủy xuống đến cầu Câu Lâu, chúng tôi phát hiện rất nhiều ghe đang neo đậu, trên ghe có hệ thống vòi hút. Không những vậy, chúng tôi còn chúng kiến nhiều ghe chở đầy cát lầm lũi xuôi dòng chạy trong đêm tối. Dưới sông là thế, còn trên bờ thì tình trạng xúc cát trộm ban đêm cũng thường xuyên diễn ra, hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau vào bãi để “ăn cát”.
Sau khi định vị được những đoạn sông và khu vực bãi thường có “cát tặc” hoạt động, chúng tôi tìm cách tiếp cận các khu vực trên bằng đường bộ trong nhiều đêm để ghi nhận trực tiếp tình hình khai thác “cát lậu”. Qua nhiều đêm mật phục, chúng tôi nắm được quy luật hoạt động của những nhóm “cát tặc” này thường diễn ra khoảng thời gian từ 22 giờ đến khoảng 3 giờ sáng hôm sau.
Đối với nhóm “cát tặc” dưới sông thì hoạt động theo 2 kiểu: một là hút chuyền (có 1 ghe gắn vòi để bơm sang ghe khác), hai là “độc lập tác chiến” tự hút và vận chuyển vào bờ. Theo ghi nhận của PV, thời gian hút đầy cát và quay đầu về chưa đến 1 giờ và mỗi đêm, một ghe có thể chạy từ 3-4 chuyến. Được biết, khối lượng vận chuyển mỗi ghe như vậy khi hút đầy cát khoảng 80m3, như vậy mỗi đêm có hàng trăm khối cát bị khai thác trái phép. Theo giá cát bán ra trên thị trường hiện nay khoảng 150.000 đồng/m3 thì mỗi đêm “cát tặc” bỏ túi cả trăm triệu đồng là có cơ sở.
Hoạt động múc cát trộm trên bờ ven sông Thu Bồn cũng diễn ra phức tạp không kém
Đối với nhóm “cát tặc” trên bờ thì hoạt động đơn giản hơn, nhóm “cát tặc” này chỉ cần 1 xe múc ngay tại khu vực múc trộm và các xe nối đuôi nhau thay phiên vào “ăn cát”. Sau hơn 1 giờ quan sát và chụp ảnh, chúng tôi ghi nhận có nhiều xe tải loại từ 7 tấn trở lên liên tục chở cát từ đây đi nơi khác, tần suất mỗi chuyến cách nhau khoảng 15 phút. Như vậy, mỗi đêm có hàng trăm mét khối cát xây dựng bị khai thác trái phép đem bán cho những điểm kinh doanh cát.
Xe vận chuyển cát lậu tới bãi tập kết ngay trong đêm
Với những gì chúng tôi điều tra được, có thể khẳng định hoạt động khai thác cát trên sông Thu Bồn vẫn đang diễn ra rất tấp nập. Tại sao UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng “cát tặc” trên sông Thu Bồn nhưng hiện tượng khai thác cát trái phép vẫn còn. Dư luận đang đặt dấu hỏi, phải chăng đang có thế lực nào chống lưng, “bảo kê” cho “cát tặc” hoành hành trên sông Thu Bồn?. Trách nhiệm của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của thị xã Điện Bàn và huyện Duy Xuyên và Công an tỉnh Quảng Nam đến đâu?
Tòa soạn Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin và điểm mặt các điểm khai thác “cát lậu” và bãi tập kết đã “tiếp tay” cho hoạt động khai thác cát trái phép đến bạn đọc.
Vũ Thành