Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt nguy cơ suy thoái tài nguyên đất
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 07:02, 20/10/2018
Đó là vấn đề được đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia bàn bạc, thảo luận và tìm hướng giải quyết tại Hội nghị Khoa học “Sử dụng bền vững tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2018” diễn ra tại Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức vào sáng 19/10 vừa qua.
>>>An Giang: Di dời khẩn cấp người dân khu vực sạt lở
>>>Bồ Đào Nha cấm sử dụng sản phẩm nhựa trong cơ quan nhà nước
Đất sản xuất nông nghiệp ở các địa phương ven biển của ĐBSCL đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do hạn hán và xâm nhập mặn. (Ảnh: Quân đội nhân dân)
Thông tin tại hội nghị cho biết, ĐBSCL hiện có hơn 1,9 triệu ha đất lúa (trong đó lúa trồng trên đất phèn hơn 802.400ha, đất phù sa 689.900ha, đất mặn 326.600ha, đất xám 88.700ha, đất cát 13.800ha và đất khác 5.600ha.
Theo TS Nguyễn Trọng Uyên, Phân viện trưởng Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, qua thực tế điều tra, khảo sát cho thấy môi trường tự nhiên của đất đã có nhiều biến động về chế độ thủy văn, dòng chảy nguồn nước, tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn… đã làm cho tính chất đất đai ở nhiều nơi thay đổi so với trước đây.
Đất trồng cây lâu năm ở ĐBSCL cũng có những biểu hiện suy thoái như: Chất hữu cơ trong đất thấp và cạn dần dưỡng chất, bị mặn hóa do sử dụng phân bón hóa học thiếu cân đối, nấm bệnh trong đất phát triển mạnh. Cùng với đó, cường độ thâm canh cao trong sản xuất nông nghiệp cùng sự đô thị hóa nhanh của các địa phương vùng ĐBSCL đã có những tác động tiêu cực tới sử dụng đất bền vững; việc lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bị cấm cũng góp phần làm ô nhiễm nguồn nước.
TS Vũ Năng Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam đề xuất, để có chiến lược sử dụng tài nguyên đất bền vững, nhất là trong điều kiện chịu tác động của biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần sớm xây dựng cơ sở khoa học về cơ cấu sử dụng đất bền vững, thích hợp cho đất canh tác nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất lâm nghiệp, đất ở đô thị, nông thôn, đất khu công nghiệp…
“Tài nguyên đất của vùng là có hạn, sử dụng tài nguyên đất bền vững cũng đồng nghĩa với phát triển bền vững ĐBSCL, biến vùng này thành vùng kinh tế phát triển trù phú của đất nước. Những nguy cơ hiện hữu trên cần được nghiên cứu, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn hiện nay cũng như trong tương lai”, TS Vũ Năng Dũng khuyến nghị.
ĐBSCL được đánh giá là khu vực sản xuất nông sản lớn nhất cả nước: lúa gạo, thủy sản… Nơi đây cũng được quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian phát triển đã tác động tiêu cực đến chất lượng đất sản xuất. Xảy ra hiện tượng sụt lún do khai thác nước ngầm quá mức, biến đổi khí hậu, hạn hán…làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất.
Hiện nay người dân mắc nhiều sai lầm trong trồng cây và chăm sóc dẫn đến cây trồng dễ bị vàng lá, cháy lá. Đồng thời, cây lúa không đảm bảo tính bền vững, canh tác dễ đổ ngã, thất thu.
Từ những thực tế trên, các nhà khoa học cần tìm ra nhiều biện pháp hữu hiệu để đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo dinh dưỡng của đất. Đồng thời cách thức gieo trồng, bón phân hợp lý, sử dụng đất đúng cách phải được phổ biến, lan rộng để người dân hiểu và thực hiện. Từ đó mới chung tay giữ gìn sự bền vững của tài nguyên đất.
Phi Hồng (t/h)