Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần ngăn chặn tình trạng chậm đóng bảo hiểm
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 21:11, 04/02/2024
Chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội, đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm và được thực hiện ngay từ khi mới thành lập nước. Đặc biệt từ khi có Luật BHXH, việc tổ chức thực hiện và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội hiệu quả hơn, số người tham gia và thụ hưởng chính sách xã hội ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, đến nay việc tham gia đóng phí BHXH còn có những bất cập. Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các cơ quan liên quan đã có nhiều cố gắng, thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội và đã có những chuyển biến tích cực. Dù vậy vẫn cần thêm các giải pháp để ngăn ngừa tình trạng chậm, trốn đóng BHXH hiệu quả hơn.
Nhiều nỗ lực
Được thực hiện từ năm 2016 đến nay, Luật BHXH năm 2014 đã và đang tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH. Đặc biệt, các nội dung quy định mới của Luật ngày càng phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực. Có thể kể đến các nội dung như: Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến những người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng và người lao động (NLĐ) là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; thực hiện linh hoạt chính sách BHXH tự nguyện như đa dạng mức đóng và phương thức đóng góp, giảm mức đóng góp tối thiểu…
Có thể khẳng định, những quy định của Luật BHXH nói trên đã tạo nền tảng để ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt công tác phát triển số lượng người tham gia BHXH. Năm 2022, ngành BHXH Việt Nam chủ trì và phối hợp thực hiện thanh, kiểm tra tại 36.065 đơn vị (bằng 215% so với năm 2021). Số tiền chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 3.298 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng là 3.068 tỷ đồng (93%), tăng 25,5% so với năm 2021. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện hơn 74.000 trường hợp sai phạm về đối tượng đóng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng (bằng 156,8% so với năm 2021). Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp gần 90 tỷ đồng (bằng 160% so với năm 2021).
Riêng TTCN, năm 2022, toàn ngành đã thực hiện tại 22.587 đơn vị, tăng 210% so với năm 2021. Trong đó, thanh tra chuyên ngành đột xuất tại 11.344 đơn vị (chiếm 50,2%). Qua đó, đã yêu cầu truy thu tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của 88.017 lao động chưa tham gia, đóng thiếu thời gian, đóng thiếu mức đóng theo quy định với số tiền là 227,4 tỷ đồng (tăng 78% so với năm 2021).
Theo số liệu thống kê, năm 2022, số đơn vị SDLĐ tham gia BHXH bắt buộc là 620.743 đơn vị, tăng 7.801 đơn vị so với năm 2021 (tương đương với mức tăng 1,27%). Trong đó, tập trung chủ yếu tại 4 nhóm; bao gồm: Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 37,94% (tăng 2,20% so với năm 2021), DN FDI, tổ chức nước ngoài chiếm 30,30% (giảm 0,56% so với năm 2021); khối cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang chiếm 22,70% (giảm 1,38% so với năm 2021); Doanh nghiệp Nhà nước chiếm 5,45% (giảm 0,42% so với năm 2021).
Tương ứng với cơ cấu tỷ trọng nói trên, tỷ trọng số thu BHXH bắt buộc là: Doanh nghiệp ngoài quốc doanh chiếm 33,83% (tăng 2,36% so với năm 2021); DN FDI, tổ chức nước ngoài, chiếm 33,84% (tăng 0,06% so với năm 2021); khối cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, lực lượng vũ trang chiếm 21,96% (giảm 3,09% so với năm 2021); Doanh nghiệp Nhà nước chiếm 6,62% (giảm 0,51% so với năm 2021).
Theo BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ người tham gia BHXH đạt khoảng 39,25 % so với lực lượng lao động trong độ tuổi với 18,259 triệu người (đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ). Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động với 14,693 triệu người đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế đạt 93,307 triệu người, tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2022 (vượt 0,15% so với Nghi quyết 01 của Chính phủ). Số tiền thu Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đạt 472.381 tỷ đồng, tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Đặc biệt số tiền chậm đóng chiếm 2,69% số phải thu, đây là số tiền chậm đóng/số phải thu thấp nhất từ năm 2016 trở lại đây. Một trong những nguyên nhân để đạt được kết quả trên là do Luật BHXH năm 2014 giao chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH. Điểm mới có hiệu quả của Luật BHXH 2014 cũng đã và đang được cơ quan BHXH phát huy trong thực tiễn.
Gia tăng tình trạng chậm, trốn đóng BHXH
Báo cáo của BHXH Việt Nam đã nêu rõ, ngoài những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế như: Công tác phối hợp trong truyền thông chưa thật chặt chẽ, hiệu quả ở nhiều địa phương; Hiệu quả của hoạt động tuyên truyền, vận động, phát triển người tham gia BHXH, BHYT chưa cao; Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, dẫn đến tình trạng chây ì, trốn tránh trách nhiệm đóng BHYT, BHXH, chậm đóng số tiền lớn vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương. Đặc biệt vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH thời gian dài dẫn đến việc thu hồi gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới giải quyết chế độ BHXH của NLĐ. Tỷ lệ chậm đóng (tính theo tổng số phải thu) có giảm đi từng năm nhưng số tiền chậm đóng, trốn đóng thực tế rất đáng lo ngại.
Nhìn cơ cấu số đơn vị và tỷ trọng đóng nói trên, có thể thấy, áp lực với công tác thu, giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT ngày càng lớn. Thực thời gian qua, mặc dù đã có nhiều sự nỗ lực từ phía cơ quan BHXH nhưng vấn đề chậm đóng BHXH, BHYT vẫn tồn tại, xuất phát từ các nguyên nhân khách quan.
Theo đó, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và mới đây là những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu khiến bối cảnh kinh doanh của hầu hết các DN (bao gồm cả DN trong nước, DN có vốn đầu tư nước ngoài) bị ảnh hưởng nặng nề. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị tác động tiêu cực, dẫn đến tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguồn nguyên liệu... dẫn đến phải cắt giảm lao động và chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT có nguy cơ diễn ra lớn hơn.
Mặc dù Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hợp tác xã, Luật Các tổ chức tín dụng cũng đã có quy định về ưu tiên giải quyết các khoản tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp nhưng không phải là khoản ưu tiên thanh toán đầu tiên (sau chi phí phá sản, nợ lương, trợ cấp thôi việc,…) khi thanh lý tài sản. Mặt khác, phần lớn các DN phá sản, chấm dứt hoạt động thời gian qua khi thanh lý tài sản không thu hồi được hoặc thu hồi được rất ít so với các khoản tiền chậm đóng BHXH, BH thất nghiệp. Hậu quả là NLĐ không được ghi nhận đối với khoảng thời gian đóng (dù thực tế hàng tháng vẫn bị đơn vị SDLĐ trừ tiền đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vào lương), làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Cần thêm các giải pháp, chế tài mạnh hơn
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII cũng đã nêu rõ định hướng: hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH theo hướng cơ quan quản lý nhà nước về BHXH và cơ quan quản lý quỹ BHXH có thẩm quyền xử phạt các DN trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH.
Để cụ thể hóa định hướng này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được bổ sung các giải pháp mạnh. Tăng cường tính tuân thủ pháp luật về BHXH, ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi chính sách BHXH, hạn chế việc trốn đóng, chậm đóng, BHXH; Quy định các biện pháp nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận, trục lợi, trốn đóng, chậm đóng, đặc biệt là tình trạng chậm đóng thời gian dài dẫn đến không có khả năng thu, nộp.
Theo đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung nội dung quy định về quản lý thu, đóng BHXH; bao gồm: Bổ sung quy định về quản lý thu BHXH; quy trình quản lý, theo dõi, đôn đốc và các biện pháp yêu cầu người SDLĐ đóng BHXH đúng, đủ, kịp thời; quy định trách nhiệm theo dõi quá trình đóng BHXH của người lao động; quy định về việc ứng dụng CNTT, số hóa công tác thu, đóng BHXH.
Đồng thời, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã sửa và bổ sung nhiều biện pháp, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH. Có thể kể đến như: Quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (tương đương mức áp dụng trong lĩnh vực thuế); Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người SDLĐ trốn đóng BHXH từ 06 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên...
Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người SDLĐ phải bồi thường cho NLĐ nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.
Bên cạnh đó, Luật BHXH (sửa đổi) cũng cần thêm những chế tài để thúc đẩy các cơ quan liên quan có trách nhiệm tuyên truyền cho NLĐ hiểu rõ về tính ưu việt của chính sách BHXH và quyền lợi khi tham gia BHXH thì việc tham gia BHXH sẽ trở thành nhu cầu chính đáng và thiết thực của NLĐ. Theo đó, NLĐ sẽ tham gia BHXH tự nguyện một cách tích cực và trở thành lực lượng giám sát người SDLĐ chấp hành pháp luật trong việc đóng phí tham gia BHXH. Chỉ có như vậy, khi việc tham gia BHXH của NLĐ được đảm bảo đầy đủ, hạn chế thấp nhất tình trạng trốn đóng, chậm đóng sẽ góp phần để quỹ BHXH bền vững, cân đối trong dài hạn, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Luật BHXH (sửa đổi) là một nhu cầu khách quan. Hy vọng Luật BHXH (sửa đổi) lần này sẽ mang lại nhiều sự chuyển biến tích cực hơn nữa, đánh dấu một sự phát triển của chính sách BHXH nói riêng và chính sách an sinh xã hội nói chung, đặc biệt trong việc ngăn ngừa việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, theo đó sẽ đảm bảo tốt hơn nữa quyền lợi chính đáng của NLĐ.