Chợ quê - Nét văn hóa truyền thống dịp Tết đến, Xuân về

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 09:01, 07/02/2024

Mặc dù cuộc sống đương đại với bước nhảy vọt của ứng dụng công nghệ, đưa con người vào tâm điểm của sự phát triển công nghệ nhưng phiên chợ quê ngày Tết vẫn luôn khiến đám trẻ con háo hức được theo bà, theo mẹ đi ngắm chợ ngày Tết; Là nỗi khắc khoải nhớ mong của những người con xa quê, mong một lần quay lại tuổi thơ.

Khi hàng hóa tràn ngập trên các trang mạng và xu hướng mua hàng online đã giảm tải sự vất vả cho các bà nội trợ nhưng vẫn có rất nhiều người thích đi chợ quê ngày Tết như cái thuở còn thơ theo mẹ năm nào. Cũng là nơi mua bán hàng hoá, nhưng chợ quê ngày Tết luôn có những nét đặc trưng riêng khác biệt với chợ nơi đô thành, phố thị. Những phiên chợ quê như thước phim quay chậm về quá khứ, lưu giữ phần nào hồn quê còn ẩn sâu trong tâm hồn mỗi người. Đó cũng là không gian sinh động phản ánh đời sống của từng gia đình, của cộng đồng dân cư và của người dân cả một vùng quê rộng lớn.

img_3125.jpg
Chợ quê - Nét văn hóa truyền thống dịp Tết đến, Xuân về

Sở dĩ nhiều người thích đi chợ quê vì cảm giác đi chợ quê ngày Tết rất vui, giống như đi trẩy hội. Chợ quê là nơi gắn bó cũng là ký ức của nhiều người con xa quê. Ở chợ quê, có sự nhọc nhằn của mẹ, sự vất vả của cha khi cố gắng buôn bán để sắm được đôi dép, quần áo mới cho con cái. Đi chợ quê ngày Tết, chúng ta sẽ cảm nhận được hương vị quen thuộc của xóm làng, được hòa trong không khí náo nhiệt mang âm hưởng của sắc Xuân. Người đi chợ không hẳn là đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Mọi người hồ hởi, phấn khởi mua sắm để chuẩn bị đón chào năm mới.

Thông thường chợ quê chỉ họp theo phiên vào buổi sáng nhưng không khí Tết ở chợ quê bắt đầu nhộn nhịp từ ngày 20 tháng Chạp - thời điểm các bà, các mẹ chuẩn bị dọn dẹp bàn thờ, bày biện và mua sắm vật dụng, thực phẩm cúng ông Công, ông Táo. Sự vô lo, vô nghĩ, sự hân hoan, phấn khởi hiện rõ trên nét mặt của những đứa trẻ bởi với chúng niềm vui lớn nhất vào những ngày giáp Tết là được theo chân bố, mẹ đi chợ mua sắm quần áo, hoa quả, bánh kẹo.

Nhiều mặt hàng nông sản chỉ ngày Tết mới xuất hiện ở phiên chợ quê như lá dong, lá chuối, ống giang chẻ lạt, quả phật thủ, buồng cau, nải chuối xanh,… phần lớn đều do người dân làm ra rồi mang đi bán vừa tươi, vừa ngon mà giá lại “mềm” hơn rất nhiều so với thành thị.

Nhưng góp phần làm nên không khí Tết ở các chợ quê không phải là những mặt hàng nông sản kia mà chính là những gian hàng hoa, những dãy bông bưởi, hay rổ trầu không của các cụ già. Một cái rổ hay thùng xốp để phía trước, trên bày dăm mớ trầu không, vài dúm bông bưởi, phía sau là các cụ già ngồi sát bên nhau, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa trò chuyện rôm rả như thể việc mua bán chỉ là phụ còn công việc chính là được giao lưu, trò chuyện với những người tưởng như thân quen rất lâu rồi, giờ có dịp gặp lại. Bao nhiêu chuyện vui buồn của năm cũ, chuyện làng trên xóm dưới được các cụ chia sẻ cho nhau như sợi dây vô hình giúp cho tình làng, nghĩa xóm được xích lại gần hơn. Hồn chợ quê ngày Tết có lẽ cũng vì thế mà lưu truyền bền bỉ theo thời gian.

Trong tiếng nhạc Xuân vang lên giữa chợ quê: "Xuân! Xuân ơi, Xuân đã về!" làm nôn nao người hồi hương, hối thúc người vãn cảnh mua nhanh, bán sớm còn về với gia đình thì phiên chợ ngày Tết còn là nơi giao lưu văn hóa, trao đổi và sẻ chia, mang đến nhiều tình cảm quê hương đã ăn sâu, bám rễ trong tâm hồn mỗi người Việt.

Huyền Anh