Độc đáo hương vị bánh tét ở Cồn Sơn
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 13:30, 07/02/2024
Từ lâu, bánh tét là món ăn quen thuộc của mọi người, nhất là người dân miền Tây. Trong đó, bánh tét lá cẩm gia truyền ở Cồn Sơn nổi tiếng ngon, vị lạ không nhầm lẫn với vùng quê khác.
Để có một mẻ bánh tét lá cẩm ngon, quá trình chế biến rất công phu. Trước tiên phải lựa gạo nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm qua 6 tiếng sau đó để ráo, trộn với nước lá cẩm để lên màu tím đẹp mắt. Lá cẩm phải còn tươi. Sau khi ngâm gạo nếp tương đối mềm thì đem đi xào chung với nước cốt dừa, nêm muối, đường trong thời gian khoảng một tiếng để màu lá cẩm và vị của nước cốt dừa ngấm vào từng hạt nếp.
Nhân bánh tét lá cẩm khá đa dạng, có thể bên trong là trứng muối, đậu xanh, thịt, có thể thêm tôm khô hoặc chỉ đơn giản là nhân chuối. Bánh được gói trong lá chuối tươi, không quá non cũng không quá già, được lau sạch và thoa một lớp dầu trên bề mặt để tránh gạo nếp dính vào lá khi nấu.
Bánh tét lá cẩm – loại bánh tét khi cắt ra có màu tím bắt mắt, khác với phiên bản màu xanh truyền thống. Nhiều người cho rằng, màu tím của lá cẩm không chỉ đơn thuần là màu tím thủy chung, mà còn thể hiện sự mến khách. Người Cồn Sơn làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước, ngâm loại nếp ngon để cho ra màu tím tự nhiên, rồi trộn lẫn với nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.
Bánh nấu từ 4 đến 5 tiếng là chín. Khi cắt bánh, vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng vịt muối, thịt mỡ tỏa hương thơm phức. Phải thử một lần bạn mới biết bánh tét lá cẩm thực sự đặc biệt và khác hẳn với các loại bánh tét nếp trắng, thịt, đậu xanh của các vùng khác. Không chỉ được hướng dẫn và tự tay gói bánh tét, bạn còn được mang những chiếc bánh nóng hổi, chín mềm về để làm quà năm mới dành tặng người thân và bạn bè.
Không màu mè, không chiêu thức, vùng đất này lưu luyến biết bao du khách phương xa bởi sự hiếu khách, thơm thảo của người dân và những món ngon đặc sản nức tiếng đậm chất miền Tây sông nước.
Ngoài ra, còn có bánh tét chùm ngây, để làm bánh tét chùm ngây phải mất nhiều công đoạn, thời gian. Bột chùm ngây dùng gói bánh do một cơ sở cung cấp cho bà con Cồn Sơn, đã được tách nhẫn nên không còn vị đăng đắng đặc trưng. Gạo nếp sau khi ngâm sẽ được trộn với bột chùm ngây tỷ lệ phù hợp để có màu xanh đẹp mắt. Nếu như gói bánh tét thông thường, nếp chỉ cần trộn với nước cốt dừa hoặc xào nếp chín một phần nhưng bánh tét chùm ngây thì đòi hỏi người làm phải hấp chín phần nếp.
Nếp trộn bột chùm ngây sau khi hấp chín thì sẽ được nêm nếm lần nữa, bổ sung thêm nước cốt dừa là đã có thể gói bánh. Bánh sau khi gói được hấp tiếp khoảng 3 giờ là có thể thưởng thức được. Theo người dân địa phương, do bột chùm ngây chứa dinh dưỡng cao nên tốt nhất là làm nhân ngọt, nghĩa là nhân chuối hoặc nhân đậu xanh. Bánh tét chùm ngây vì vậy rất phù hợp cho người ăn chay và những ai cần bồi bổ cơ thể.
Khi nấu chín, bánh tét chùm ngây có màu xanh bắt mắt và mùi thơm đặc trưng. Bánh ăn không thấy đăng đắng như khi ăn canh chùm ngây mà lại ngọt, thơm.
Sau một năm bận rộn, với người dân Cồn Sơn thấy bánh tét là thấy Tết và tận hưởng những phút giây thư giãn tuyệt vời, hít thở bầu không khí trong lành, mát mẻ, không ồn ào khói bụi. Bánh tét Cồn Sơn không chỉ mang đến hương vị đặc biệt thơm ngon mà còn mang đến niềm hứng khởi và không khí Tết tràn về.