Tinh hoa ẩm thực Việt trên mâm cỗ Tết ở miền Bắc

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 12:00, 08/02/2024

Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng trong năm của người Việt. Đối với người miền Bắc, tinh hoa ẩm thực ngày Tết thể hiện cho mong muốn ấm no, hạnh phúc trong năm mới. Chính vì thế, mỗi gia đình đều chăm chút để có mâm cơm cổ truyền tươm tất.

Mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc thường rất chú trọng về mặt hình thức và sự cầu kỳ bởi quan niệm mâm cỗ tỉ mẩn, trang trí đẹp mắt mới thể hiện được tấm lòng của người làm dâng lên tổ tiên. Qua đó thể hiện sự mong muốn một năm may mắn, mùa màng tươi tốt bội thu. Mâm cỗ miền Bắc cần đầy đủ màu sắc tượng trưng cho mỗi mùa trong năm, kèm theo là hương vị thơm ngon hấp dẫn của mỗi món ăn.

Theo truyền thống nấu cỗ Tết của người miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết lúc nào cũng cần 4 bát, 4 đĩa, tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa, bốn hướng... Những nhà dư dả hơn thì sẽ làm 6 bát, 6 đĩa thậm chí 8 bát, 8 đĩa.

tinh-hoa-am-thuc.png
Mâm cơm ngày Tết của miền Bắc thể hiện cho mong muốn ấm no, hạnh phúc trong năm mới

Bánh chưng

Bánh chưng xanh là linh hồn của ngày Tết cổ truyền, thể hiện tinh hoa đất trời qua bàn tay khéo léo của người Việt. Trên bàn thờ tổ tiên người miền Bắc dịp Tết không thể thiếu cặp bánh chưng xanh. Ngày nay, khi xã hội phát triển gia đình nào không gói được bánh chưng ngày Tết thì bánh chưng mua về cũng phải là loại ngon nhất. Gạo nếp phải chọn loại dẻo thơm nhất để lâu không bị lại gạo. Nhân bánh thường có thịt, đậu xanh, hành khô, hạt tiêu. Bánh phải gói chặt tay, sau khi luộc suốt 14 tiếng vớt ra rửa qua nước lã rồi dùng một tấm ván cùng những vật nặng ép chặt bánh. Như vậy khi cắt bánh ăn không nát lại dẻo, cắn vào miệng bánh thơm lại bùi.

Giò lụa

Đối với người Việt Nam, trong mâm cỗ ngày Tết từ xưa đến nay, giò lụa luôn giữ vị trí quan trọng và trở thành món ăn không thể thiếu. Giò là thịt giã trong cối đá cho thật nhuyễn, gói lá chuối thành hình ống, buộc lạt giang rồi mang luộc, nhưng hấp thì giò ngon hơn. Giò thái theo khoanh, trắng mịn, bày lên đĩa phải cắt giò cho gọn, trông đẹp mắt và dễ gắp. Khoanh giò trắng mịn, có vài lỗ nhỏ bằng hạt gạo do nước thoát ra thành bọt khi hấp, đó là giò lụa, làm bằng thịt heo (người Bắc gọi là thịt lợn). Nếu dùng thịt bò thì gọi tên là giò bò.

Thịt đông

Thịt đông là món riêng có của mùa Đông Xuân Bắc Bộ. Trong làn không khí lạnh, thịt đông trở nên ngon hơn. Món này được làm từ thịt ba chỉ heo, đôi khi được sử dụng cả gà, cộng thêm một mảng bì lợn. Tất cả đều được ninh nhừ. Sau khi nấu xong, lấy khỏi bếp và đặt nồi thịt ra ngoài sân, đậy kỹ cho nó "ăn gió uống sương", thu lấy cái rét mướt từ trời cao và đất thấp vào mình để sớm hôm sau, trên mặt của nồi thịt đông là lớp váng mỡ có màu trắng như tuyết pha sắc vàng mịn như mặt hồ không gợn sóng. Một miếng thịt đông kèm một củ dưa hành, thì thật đúng nghĩa Tết Bắc.

Gà luộc

Gà luộc là món ăn quen thuộc của nhiều gia đình Việt. Với người miền Bắc, gà luộc không thể thiếu trong mâm cỗ dâng lên tổ tiên những ngày Tết đến Xuân về. Tuy nhiên để món gà luộc ngon, ngọt thịt, màu sắc đẹp mắt, bạn cần có nhiều bí quyết. Ngoài ra, thay vì cách luộc truyền thống, bạn có thể thêm các nguyên liệu khác để món ăn thêm hương vị mới như gà luộc lá chanh, lá ngải, lá trà, lá dứa…

Miến măng gà

Gà là loại gia cầm rất thân thuộc và gắn liền với cuộc sống của con người không chỉ vào ngày Tết mà cả những ngày thường. Họ quan niệm rằng “khách đến nhà không gà thì vịt” bằng cách dùng những con gà làm các món ăn đãi khách trong ngày Tết cổ truyền như: Miến măng gà, thịt gà. Vị chua của măng kết hợp với vị ngọt, béo của thịt gà và miến sẽ khiến bạn ấm bụng trong những ngày thời tiết se lạnh của miền Bắc, đồng thời thể hiện sự hiếu khách, coi nó như là một niềm vui, hạnh phúc trong những ngày Tết.

Canh măng

Một món ăn cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người miền Bắc là canh măng. Món ăn này không chỉ thể hiện sự khéo tay, tỉ mỉ của gia chủ mà còn có vai trò “điều hòa” vị cho bữa cơm ngày Tết vốn rất ngán và nhiều đạm.

Có rất nhiều loại măng để dùng cho món này như măng xé, măng lá,... Thế nhưng hai loại măng ngon nhất là măng lưỡi lợn và măng nứa hương. Canh măng thông thường được nấu với móng giò hoặc ngan hay gà già. Thế nhưng đặc trưng của ngày tết Nguyên đán là canh măng nấu cùng chân giò.

tinh-hoa-am-thuc-1.jpg
Tết là dịp để mọi người quây quần bên mâm cơm cùng nhau chúc mừng năm mới

Xôi gấc đỏ

Trong quan niệm của người Việt Nam, màu đỏ là màu của sự may mắn, hạnh phúc. Hơn nữa, màu đỏ của gấc là màu của sự tự nhiên mà trời đất ban tặng. Nhờ đó mà mang tới sự dung hòa, thuận lợi cho một khởi đầu trong năm mới. Vào mỗi phiên chợ, dù là vùng quê nghèo hay vùng đô thị sầm uất; người ta vẫn cố tìm mua những quả gấc đỏ tươi để chuẩn bị cho mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Là món ăn được bày lên mâm cơm ngày Tết, xôi gấc được chuẩn bị rất công phu và tỉ mỉ. Từ việc lựa gấc sao cho phần thịt đỏ đến việc đồ xôi phải nóng dẻo, ngọt thơm. Xôi gấc nếu được đồ (nấu) bằng chõ sành sẽ ngon nhất vì cho xôi dẻo, rền, căng bóng, vị béo ngậy quện trong mùi thơm của gạo nếp bùi. Tùy theo từng vùng miền mà sẽ rắc thêm dừa nạo hay trộn thêm ít nước cốt dừa, thêm ít đỗ xanh cho thêm bắt mắt.

Chè kho

Với nhiều thế hệ người Việt Nam, chè kho đã trở thành món ăn thân thiết, luôn hiện diện trong mâm cỗ cúng gia tiên mỗi đêm giao thừa. Chè kho cũng là món ăn mời khách trong ngày mùng Một Tết của người Việt Nam xưa. Khi khách đến chơi nhà chúc Tết, chủ nhà thường cắt từng miếng chè kho mời khách thưởng thức với trà sen.

Dưa hành

Dưa hành là món ăn dân dã nhưng lại rất đặc biệt trong những món ăn ngày Tết của người miền Bắc. Món ăn này có vị chua, cay nhẹ được dùng để ăn kèm với bánh chưng hoặc thịt đông rất ngon. Dưa hành được xem là món ăn chống ngán vô cùng hữu hiệu trong những mâm cỗ Tết.

Rất nhiều năm rồi, cho đến bây giờ vẫn không thể thiếu vắng hình ảnh các món quen thuộc này trên mâm cỗ. Và những thế hệ về sau, chẳng ai biết thật sự những tinh hoa ẩm thực đó ra đời từ bao giờ, rồi những văn hoá ăn uống đó được tạo ra từ ai... Trải qua bao thế kỷ, chẳng biết mâm cỗ truyền thống ngày Tết của người miền Bắc như bây giờ có còn giữ nguyên xi, nguyên đúc những món như hồi đầu không.

Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, nét văn hoá quý giá này sẽ được lưu truyền mãi, khi là trên những trang thơ văn, trong những bộ phim, đôi khi là qua lời kể của bà, của mẹ, của những người thuộc thế hệ đi trước..., để con cháu về sau luôn ghi nhớ và luôn tự hào rằng mình được sinh ra ở một vùng đất ngàn năm văn hiến, với những nét văn hoá độc đáo đến vậy.

Xuân Hạ