Tết Cổ truyền - Nét đẹp văn hóa lắng đọng hồn núi sông của người Việt
Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 19:30, 10/02/2024
Linh thiêng và gần gũi
Ngày xưa, theo chu kỳ canh tác nông nghiệp, một năm thời gian được phân chia thành 24 tiết khí khác nhau, ứng với mỗi tiết khí có một thời khắc “giao thừa”, trong đó tiết khí quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là tiết Nguyên đán sau này gọi là tết Nguyên đán.
Vào dịp Tết cổ truyền, người Việt dù làm ăn xa đến đâu cũng cố gắng quay về quê hương để quây quần bên gia đình đón năm mới. Đây là thời điểm người Việt tạm gác lại những bộn bề công việc để tâm hồn được thoải mái, thư giãn và vui chơi, đi chúc Tết lẫn nhau. Chính vì thế, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Tết như cánh cửa thời gian khép lại một năm cũ qua đi để đón chào một năm mới với những rộn ràng, bâng khuâng, mong nhớ.
Tết cũng là dịp mỗi người thiết lập thêm những mối quan hệ mới, thắt chặt tình thân, tình bè bạn; được du xuân khám phá cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, trữ tình; nạp thêm cho mình những nguồn năng lượng mới để cống hiến và yêu hơn quê hương, Tổ quốc mình.
Không chỉ vậy, Tết còn là biểu tượng mang ý nghĩa linh thiêng trong tâm thức cộng đồng. Mỗi độ Tết đến Xuân về, ở khắp mọi nơi, nhất là đối với những người dân xa xứ lại luôn trào dâng những cảm xúc bâng khuâng, nhớ nhà, nhớ quê hương, nơi có ông bà, cha mẹ người thân cũng đang chờ đợi giây phút được gặp lại những người con xa quê trở về.
Nhắc đến Tết là nhắc đến những kí ức đẹp đẽ của tuổi thơ, nhớ những chặng đường gian khó, những kỷ niệm buồn vui, những tháng ngày tươi đẹp của mỗi người, mỗi gia đình, thậm chí là những bước đường lịch sử của dân tộc. Vì thế Tết là sợi dây gắn bó, kết nối giữa quá khứ với hiện tại; là hành trình của thời gian, giúp con người trở về với cội nguồn.
Bên cạnh đó, Tết cổ truyền còn là dịp để người Việt bày tỏ lòng thành kính đối với trời đất, các vị thần linh và lòng hiếu đạo đối với tổ tiên, những người đã khuất. Do đó, vào dịp lễ này, người Việt có nhiều nghi lễ và phong tục, tập quán cúng bái khá đặc sắc. Tùy theo từng tôn giáo, tín ngưỡng mà các nghi lễ và phong tục này có sự khác nhau riêng.
Hơn nữa, Tết cổ truyền cũng là dịp để mọi người trút bỏ những muộn phiền, âu lo của năm cũ và tin tưởng, hi vọng vào năm mới sẽ may mắn, thành công hơn. Với tất cả các ý nghĩa trên, người Việt chuẩn bị Tết cổ truyền rất công phu, trang hoàng nhà cửa đẹp đẽ, nấu nhiều món ăn ngon và thực hiện các phong tục truyền thống để cầu may.
Ba khoảng thời gian trong dịp Tết
Tùy theo mỗi vùng miền hoặc theo quan niệm về tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán khác nhau, Tết cổ truyền ở từng địa phương cũng có những nét khác nhau. Tuy nhiên, xét về tổng thể, phong tục của ngày Tết được chia làm ba khoảng thời gian, gồm: Giai đoạn chuẩn bị Tết; Giai đoạn tết Nguyên đán và kết thúc Tết.
Trong giai đoạn đầu, người Việt sẽ dọn dẹp nhà cửa, vứt bỏ đồ dùng cũ, sơn sửa lại nhà sau đó mua cây cảnh, hoa tươi về trang trí trong nhà. Tiếp theo là lễ cúng tiễn ông Táo về Trời. Theo quan điểm người Việt, ông Táo là vị thần cai quản nhà cửa và bếp núc cho gia chủ, mỗi năm sẽ về trời 1 lần, báo cáo Ngọc Hoàng về tình trạng trong năm của gia chủ. Vì thế, trước khi ông Táo về trời, nhiều người Việt sẽ sửa soạn mâm lễ cúng với những món ăn đặc trưng của Tết đã được làm trước đó như gói bánh chưng, bánh tét, mứt Tết, bánh Tết…
Tiệc tất niên cũng được tổ chức trong giai đoạn này. Đây là bữa tiệc mà gia chủ làm nhiều món ăn ngon và mời họ hàng, bạn bè, làng xóm đến cùng ăn uống vui vẻ. Mọi người sẽ hàn huyên nói chuyện về những việc đã xảy ra trong năm cũ và có thể nói về những dự định, kế hoạch sẽ làm trong năm mới.
Thời gian tết Nguyên đán bắt đầu từ thời khắc giao thừa kéo dài tới ít nhất là mùng 6 Tết âm lịch. Vào thời khắc giao thừa (tức 24h ngày 30 đến 1h ngày mùng 1 âm lịch), người Việt sẽ hân hoan chào đón năm mới. Nhiều người sẽ làm lễ cúng giao thừa, nhiều người lại đi xem bắn pháo hoa, đi nhà thờ, đi chùa hoặc đến các nơi công cộng đông đúc để cùng chào mừng năm mới.
Bắt đầu bước sang những ngày đầu tiên của năm mới, người Việt sẽ có rất nhiều tập tục kiêng kị để hạn chế xui xẻo và mong cầu may mắn đến. Chẳng hạn, mọi người sẽ cố gắng để không nói những lời tệ hại, những chuyện không tốt. Thay vào đó, người Việt sẽ nói với nhau một cách nhẹ nhàng, với nhiều câu chuyện tươi vui hơn, để mong năm mới cũng sẽ được tươi vui như vậy.
Ngoài ra còn rất nhiều tập tục kiêng kị khác như không quét nhà và đổ rác, không làm vỡ đồ đạc và bát đĩa, không vay mượn hay trả nợ, không cho người khác nước và lửa, không lượm tiền rơi ngoài đường, không ăn một số món như thịt chó, thịt mèo, thịt vịt, tôm vì sợ xui xẻo… trong những ngày đầu năm.
Theo tục lệ cũ, vào ngày mùng Một Tết, người Việt sẽ đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, họ hàng bên nội. Ngày mùng Hai là những người thân bên ngoại. Ngày mùng Ba là chúc Tết các thầy cô giáo đã dạy học mình. Từ ngày mùng Bốn, người Việt bắt đầu đi chúc Tết bạn bè, đồng nghiệp hoặc đi chơi xuân, du ngoạn một cách thoải mái hơn.
Trong giai đoạn này của Tết cổ truyền, người Việt sẽ làm nhiều việc để mong năm mới được may mắn, hạnh phúc và phát tài. Chẳng hạn như đi hái lộc, xuất hành vào ngày tốt, khai trương, khai nghề, lì xì/mừng tuổi cho nhau… Ngày xưa, người Việt thường chỉ ăn Tết tại quê hương, ít khi đi đâu xa. Ngày nay, nhiều người chọn đi du lịch để tận dụng hết thời gian nghỉ lễ cho việc nghỉ ngơi cùng với người thân.
Sau khi ăn Tết xong, người Việt sẽ làm lễ cúng đốt Tết (kết thúc Tết). Đây là giai đoạn ngắn nhất của Tết cổ truyền. Người Việt sẽ dọn dẹp lại nhà cửa, bỏ bớt cây cảnh và các đồ trang trí, sắp xếp lại nhà cửa rồi quay lại với công việc và cuộc sống thường ngày. Nhiều tập tục kiêng kị không cần phải giữ nữa. Các lễ hội cũng kết thúc, những người đi làm ăn xa sẽ lại rời quê hương đến nơi mình làm việc.
Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của ngày Tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm cho mọi người Việt Nam càng thêm yêu quê hương, đất nước, càng gắn bó mật thiết với gia đình, cộng đồng. “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn của mỗi người Việt, trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của quê hương, đất nước.