Nồng ấm Tết phương Nam

Cuộc sống xanh - Ngày đăng : 13:32, 12/02/2024

Khi ngàn mai khoe sắc vàng rực rỡ trong nắng ấm tràn trề như rắc vàng mật trải đều trên khắp đất phương Nam cũng là lúc bước chân Xuân đang gõ cửa muôn nhà. Và như thế, Tết đang về trên mảnh đất nơi cực Nam thân yêu của Tổ quốc.

Khi mai bừng sắc cũng là lúc người dân phương Nam gác lại những lo toan bộn bề của năm cũ để chuẩn bị đón Tết. Sắc xuân miệt vườn Nam Bộ có nét duyên riêng và cũng có thật nhiều điều thú vị - đây được coi là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại ở mỗi một nếp nhà nơi miền đất phương Nam.

5-tr30.png
Một số món ăn trong mâm cỗ Tết phương Nam không thể thiếu bánh tét, canh khổ qua…

Với người Nam Bộ, Tết trước hết là cho tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu.

Sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, bên cạnh cành mai còn có mâm ngũ quả. Người dân Nam Bộ bao đời nay có quan niệm rất đơn giản khi bày biện mâm ngũ quả vì họ cho rằng: “Quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt một năm, cho nên chọn 5 loại trái cây, biểu trưng công sức của con cháu dâng lên tổ tiên và đất, trời với lời cầu chúc: “Ngũ cốc phong thu” mang lại may mắn, tài lộc. Mâm ngũ quả ngày Tết Nam Bộ thường là 5 loại cây trái: “Mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài” với ý nghĩa: “Cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài”.

Triết lý người xưa đã để lại cho con cháu qua mâm ngũ quả vùng Nam Bộ không đơn thuần là lời cầu chúc suông về tài lộc, mà còn nhắn nhủ khuyên răn biết ”vừa đủ”, biết tiêu xài đúng lúc, đúng chỗ. Đó là triết lý sâu sắc, một di sản văn hóa mang đậm bản sắc của người Nam Bộ.

Ngoài ra, mâm ngũ quả của người miền Nam còn có thêm một cặp dưa hấu xanh vỏ đỏ lòng tượng trưng cho sự may mắn và trái thơm (quả dứa) để tượng trưng cho con cái đủ đầy.

Mâm cơm cúng ngày Tết là tấm lòng tri ân với tổ tiên và thể hiện đầy đủ nét khéo léo của người phụ nữ phương Nam với những món đặc trưng (bánh tét, thịt kho nước dừa, canh khổ qua) theo đúng phong vị truyền thống. Các món ăn cổ truyền của người phương Nam không chỉ đơn thuần là vấn đề ẩm thực mà còn thể hiện nét văn hóa đặc sắc với tất cả tấm lòng thành kính hướng về tổ tiên.

Bánh tét tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác và không thể thiếu trong ngày Tết của người dân phương Nam. Theo tục lệ xưa thì bánh tét là bánh dùng thường ngày và dùng cho những chuyến đi xa, vì thế bánh được gói thành đòn dài. Khi Tết đến, bánh được gói vào ngày mồng 2 Tết. Tuy nhiên đến ngày nay, tục lệ ấy không còn nữa mà mọi người gói bánh từ 10 ngày trước Tết.

Bánh tét miền Nam được làm từ chuối, đậu xanh, giò heo bắc thảo, thịt, trứng, nấm… và được gói thành đòn dài rồi đem luộc đến khi chín. Khi bánh chín, bánh được cắt ra thành từng lát, mỗi lát có màu tím thẫm của chuối, màu trắng của mỡ, đỏ cam của trứng vịt muối, màu vàng của đậu. Trong ngày đầu năm, bánh tét là món ăn có mặt trong bữa cơm mừng năm mới, bên cạnh là đĩa tôm khô, củ kiệu ăn kèm.

Thịt kho trứng nước dừa: Nếu như miền Bắc có món thịt đông đặc trưng, thì người miền Nam lại có món thịt kho trứng nước dừa làm đại diện cho ngày Tết. Thịt kho là thịt ba rọi thái miếng to cỡ 3 ngón tay ướp với các gia vị là nước mắm, đường, hành tỏi, ớt…Thịt được nấu sôi với nước dừa xiêm thì cho trứng đã luộc chín vào kho chung, ninh đến khi thịt mềm, nước trong nồi có màu cánh gián là được. Món thịt kho với ý nghĩa cầu mong không khí hòa thuận, sum vầy trong gia đình – dấu hiệu của một năm mới thuận lợi, an lành.

5-tr31.png
Mai vàng khoe sắc trong nắng ấm phương Nam

Canh khổ qua nhồi thịt: Tuy là một món ăn bình dị, nhưng canh khổ qua nhồi thịt chứa đựng nhiều yếu tố tâm linh theo suy nghĩ của người miền Nam. Theo truyền thống, người dân phương Nam ăn món này đầu năm để cầu mong mọi chuyện không may mắn trong năm cũ sẽ qua đi, một năm mới bình yên, hạnh phúc sẽ đến. Là món ăn tâm linh, món canh khổ qua còn rất thích hợp trong thời tiết nắng ấm của miền Nam khi nó có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho sức khỏe.

Trong mâm cỗ ngày Tết của người phương Nam còn một món ăn quen thuộc nữa đó là món bánh tráng cuốn. Những miếng bánh tráng trắng phau được làm từ gạo ngon đem ngâm rồi xay thành bột sau đó được tráng thành từng miếng dùng để cuốn cùng thịt, cá nướng, tôm, lạp xưởng và các loại rau cuốn.

Cùng với đó, món củ kiệu tôm khô - món ăn tuy bình dị nhưng là món ăn không thể thiếu và luôn xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết của người phương Nam. Củ kiệu được làm sạch rồi đem phơi, sau đó cho củ kiệu vào lọ, cứ 1 lớp củ kiệu thì cho 1 lớp đường cát trắng rồi đậy kín để kiệu tự chảy ra nước, khoảng 10 ngày là ăn được. Củ kiệu được ăn cùng với tôm khô sẽ tạo thành một món ăn rất ngon.

Một nét độc đáo và cũng là đặc trưng trong sinh hoạt Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ đó là chợ hoa xuân. Thường tới cuối tháng 12, chợ hoa xuân ở các địa phương mới đồng loạt khai trương. Chợ hoa Xuân ngoài ý nghĩa như dấu hiệu đặc trưng của mùa xuân Nam Bộ, còn là thú chơi tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của những người dân xứ miệt vườn.

Giữa vườn xuân muôn hoa khoe sắc, giữa rực rỡ đủ các loài kỳ hoa dị thảo, hồng nhung kiêu sa lộng lẫy, mẫu đơn loan phụng sang trọng, thủy tiên nguyệt cầm thơm ngát,… hoa mai nổi bật lên với dáng vẻ cứng cáp của thân gốc, mạnh mẽ của những cành đâm ngang sổ dọc, dịu dàng mềm mại của những đường uốn cong, mảnh mai quý phái của cành hoa và màu vàng cứ rực lên trong nắng, hòa lẫn vào nắng, khiến người ngắm phải say - cái say ngấm từ từ như uống ly rượu ngọt.

Hoa mai không đẹp lồ lộ như các loài hoa khác, mà kín đáo phô diễn vẻ đẹp tiềm ẩn của mình, chỉ có con mắt nhìn có tâm cảm được mới nhìn thấy vẻ đẹp đó. Từ dáng cây theo những thế tượng trưng: Long – Phụng – Phong – Vân – Sơn – Thủy…, dáng cành Tam Tài: Thiên – Địa – Nhân, Bốn phương: Thượng – Hạ – Tả – Hữu, đến búp trên cây: Búp tròn như hạt cườm là những chùm hoa vàng đang ẩn náu chờ đúng thời khắc bung nở, búp hình móng gà là nơi ẩn thân của những lá non xanh trong như ngọc. Khi hoa nở, lá chồi ra điểm xuyết cho màu vàng mai thêm quyến rũ.

Trong vườn, trước sân nhà hay mâm ngũ quả trên bàn thờ của mỗi gia đình Nam Bộ thường không thể thiếu vắng bóng dáng của hoa mai. Dù nghèo hay giàu, dù ở thành thị hay nông thôn người ta đều kiếm cho bằng được một nhành mai chưng ba ngày Tết. Tết với hoa như duyên tao ngộ, không hoa Tết sẽ trở thành nhạt nhẽo, mà thiếu mai lại càng thêm trống vắng.

Và như thế hoa mai đã trở thành “sứ giả”, thành biểu tượng cho mùa xuân phương Nam, thông điệp của niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi nhà nhân dịp năm mới. Có phải vì vậy mà cứ nhắc đến mai là người ta nghĩ ngay đến Tết của miền nắng ấm phương Nam. Mai đến rồi đi, rồi trở lại theo chu kỳ của mùa xuân, của những ngày Tết. Mai là biểu tượng đẹp đẽ, hài hoà trong lòng văn hóa Việt.

Phương Nhi