Nơi mùa xuân ở lại
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 12:30, 13/02/2024
Ngôi nhà thứ hai
Vào Trung tâm dưỡng lão nhiều năm nay, thấy chúng tôi ngập ngừng trước cửa, cụ ông Nguyễn Văn Thanh (Ba Đình, Hà Nội) niềm nở mời chúng tôi vào chơi. Căn phòng nhỏ, gọn, ngăn nắp với đầy đủ tiện nghi và hai chiếc giường xinh xắn. Bên cạnh là cụ bà đứng trước gương, mắt hấp háy dõi nhìn cô gái đang giúp cụ buộc lại túm tóc đã mỏng theo năm tháng, cử chỉ thật nhẹ nhàng. Khung cảnh ấy cho người ta cảm giác đang ở trong một gia đình chứ không phải là trung tâm dưỡng lão. Cụ Thanh cho biết vợ chồng cụ vào đây đã mấy năm rồi và đây là năm thứ 3, vợ chồng cụ quyết định đón Tết ở Trung tâm.
“Những năm trước, có năm chúng tôi đón Tết với các con, có năm đi đi, về về, lúc thì đến nhà con gái út ở Cầu Giấy, lúc thì sang con gái thứ hai ở Tây Hồ, không thì lại sang nhà con trai ở quận Ba Đình. Nhưng năm nay thì chúng tôi quyết định đón Tết ở Trung tâm vì trong này vui hơn”, cụ Thanh tâm sự.
Theo lời cụ Thanh kể thì gia đình cụ trước đây sinh sống ở quận Ba Đình, vợ là cụ Nguyễn Phương Loan trước đây là hiệu trưởng một trường mầm non, sau khi nghỉ hưu vẫn tham gia công tác xã hội tại phường. Quyết định rời xa con cháu và ngôi nhà thân thuộc để vào Trung tâm dưỡng lão này thật không hề dễ dàng với vợ chồng hai cụ Thanh – Loan. Tuy nhiên, sau những cân nhắc và cả một quyết tâm lớn cùng với việc đi đi, về về thì không gian mới mẻ với nhiều tiện lợi cho tuổi già đã khiến hai cụ quyết định gửi gắm những năm cuối đời của mình tại Trung tâm này.
“Ba người con của tôi đều thành đạt cả, các cháu nội, ngoại cũng lớn cả rồi, cháu nội đích tôn còn làm công an. Ban ngày con cháu đi làm hết, mỗi hai người già ở nhà, tối về chỉ gặp nhau có một lúc vào bữa ăn sau đó ai về phòng người đó. Bọn trẻ ham ti vi, điện thoại trong khi người già như vợ chồng tôi thì nhu cầu phục vụ cần nhiều hơn nhu cầu ăn uống. Trước đây tôi còn giúp vợ được một vài việc nhưng giờ yếu rồi, cả hai cần được chăm sóc và cũng không muốn vướng bận con cái nên quyết định vào đây”, cụ Thanh kể.
Theo lời cụ Thanh thì trước đây mỗi khi các cụ mệt, gọi điện con cháu về cũng phải mất công mất buổi, cùng lắm là đưa đi cấp cứu. Còn ở đây, chỉ cần bấm chuông là các nhân viên đến lo đầy đủ, cập nhật tình hình sức khoẻ hàng ngày.
Ngoài việc được chăm sóc sức khoẻ và các bữa ăn chính, phụ không trùng lặp thì còn làm rất tốt công tác chăm lo đời sống tinh thần cho các “khách hàng” của mình. Các cụ được tổ chức sinh nhật, được đón Giáng sinh, Tết, Lễ và các ngày kỷ niệm ngành, nghề trong năm tại phòng sinh hoạt có sức chứa vài trăm người. Chưa kể mỗi khu lại có một phòng cộng đồng để hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, các cụ có thể tới xem tivi, trò chuyện hay múa hát. Tại khu “chuyện người già” trưng bày rất nhiều đồ vật cũ của thời bao cấp như: Đài cát-xét, máy khâu, quạt con cóc, đèn măng-xông, cặp lồng nhôm, bếp dầu hay cái máy đánh chữ in giấy than,… để các cụ có thể tìm thấy ký ức xưa kia của mình.
Sống một mình một phòng nhưng cụ ông Trần Quốc Trinh, Việt kiều Mỹ không cảm thấy hiu quạnh bởi các bạn già ở phòng đối diện vẫn luôn sang trò chuyện. Lý do chọn ở riêng phòng, theo cụ Quốc Trinh là vì muốn có một chỗ riêng tư để thờ cúng người vợ quá cố.
“Mình cũng sống như bạn già khác, xuôi tay ra đi như những người khác không gây đau khổ. Ở đây, các cháu lúc nào cũng tíu tít ông ơi, bà ơi chắc bà nhà tôi cũng vui lắm”, cụ Quốc Trinh bộc bạch, đôi mắt hướng về phía bàn thờ như thể đang nói với người vợ quá cố.
Khó tả nhất chính là cảm giác trò chuyện với bà cụ có gương mặt nhỏ nhắn với những đường nét thanh tú mà chúng tôi gặp ở phòng ăn. Hỏi cụ vào đây lâu chưa, cụ đáp mới vào được 2 hôm, mỗi năm có 2 tuần nghỉ phép được các con cho lên đây chơi.
Đấy là cụ Nguyễn Thị Nự, 84 tuổi nhà ở quận Tây Hồ. Trước đây cụ là giáo viên cấp 2, vào Trung tâm mấy năm rồi nhưng vì mắc bệnh “lẫn” nên ai hỏi cũng bảo mới vào đây chơi. Cụ chỉ mắc bệnh giảm trí nhớ thôi chứ mọi sinh hoạt cá nhân cụ đều tự làm được, thậm chí cụ còn rất thích lau bát đĩa giúp nhân viên của Trung tâm.
Phát triển hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là nhu cầu tất yếu
Theo Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2019, số người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số thì năm 2050, con số này là hơn 25%. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu đang giảm xuống, trong khi tỷ lệ người sống một mình đang dần tăng lên. Đối mặt với sự cô đơn và bệnh tật của tuổi già, nhiều người cao tuổi mong muốn được vào viện dưỡng lão. Tuy nhiên, hiện cả nước có khoảng 200 viện dưỡng lão công lập và hơn 400 viện dưỡng lão tư nhân, ít hơn so với nhu cầu thực tế của người cao tuổi.
Trong bối cảnh già hóa dân số, việc khuyến khích xã hội hóa dịch vụ dưỡng lão; đa dạng hóa mô hình dưỡng lão phù hợp với từng đối tượng người cao tuổi. Thực tế cho thấy, những người cao tuổi có vấn đề về sức khỏe, không tự chăm sóc được bản thân thì cần được đưa đến các trung tâm dưỡng lão tập trung. Những người cao tuổi vẫn còn sức khỏe thì có thể chọn mô hình dưỡng lão dạng bán trú.
Với mô hình này, người cao tuổi có nhiều hình thức giải trí phù hợp như chơi cờ, bóng bàn, thể dục dưỡng sinh, tham gia câu lạc bộ thơ… Đến chiều tối, họ lại về với con cháu.
Để xây dựng mô hình bán trú, dù là dưới hình thức xã hội hóa thì vẫn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Mô hình này rất hay, ở chỗ người cao tuổi không bị tách rời khỏi gia đình, đời sống tinh thần thoải mái.
Trong khi nguồn ngân sách nhà nước dành cho công tác chăm sóc sức khỏe, đời sống người cao tuổi còn hạn hẹp thì xu hướng xã hội hóa, vận động tư nhân thành lập trung tâm dưỡng lão, tham gia chuỗi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là tất yếu.