Luật đất đai 2024: Chìa khóa khơi thông nguồn lực đất đai
Văn bản, chính sách mới - Ngày đăng : 09:00, 14/02/2024
Căn bản giải quyết được các vấn đề liên quan tới quản lý sử dụng đất
Đất đai là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng của quốc gia, do đó, việc phân bổ, sử dụng hợp lý, tiết kiệm hiệu quả, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước luôn là vấn đề xuyên suốt trong hoàn thiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Đồng thời cũng là yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Trong mỗi một giai đoạn lịch sử, trước yêu cầu bảo vệ và phát triển đất nước, chủ trương, chính sách về đất đai của Đảng và Nhà nước đã liên tục được đổi mới, từ đó, đưa nguồn tài nguyên đất đai dần trở thành nguồn lực, nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhìn lại sau 78 năm hình thành và phát triển, ngành quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực thi nhiều chính sách quan trọng về đất đai góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Qua mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử, hệ thống chính sách pháp luật về quản lý đất đai Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện. Nội dung cơ bản của công tác quản lý đất đai đã dần được định hình rõ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai (từ Luật Đất đai: 1987, 1993, 2003, 2013 đến các văn bản dưới luật).
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước, ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, trong đó đã đưa mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Một số điểm mới nổi bật của Luật Đất đai 2024
Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; Giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.
Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sau 4 lần thảo luận. Luật đã được hoàn thiện, tiếp thu ý kiến góp ý của trên 12 triệu lượt ý kiến của người dân, cử tri cả nước, với 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều đã thể chế đúng chủ trương của Đảng, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai. Một số điểm mới nổi bật đó là:
Thứ nhất, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy định của Luật đã được hoàn thiện theo hướng đổi mới quy trình, nội dung, phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất thông qua việc tổ chức lấy ý kiến; Bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong các khu vực quy hoạch, theo đó quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Phân cấp cho các địa phương trong xác định các chỉ tiêu quy hoạch để các địa phương chủ động phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, về thu hồi, bồi thường hỗ trợ tái định cư. Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, các dự án mà Nhà nước thu hồi trong trường hợp này phải là các dự án: (1) Xây dựng công trình công cộng; (2) Xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; (3) Các trường hợp khác, bao gồm nhiều nhóm tiêu chí như: Nhà ở, khu sản xuất, phát triển quỹ đất, khoáng sản, công trình ngầm và các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu nhằm tăng thu ngân sách….
Thứ ba, về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Luật đã quy định cụ thể các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá đấu thầu và các trường hợp phải thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, quy định các trường hợp cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Thứ tư, về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là một trong những nội dung được nghiên cứu, bổ sung đưa vào quy định trong Luật lần này. Luật đã quy định các chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng; Giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; Trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Nguồn lực để thực hiện chính sách; Đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; Quy định hạn chế một số quyền của người sử dụng đất đối với các trường hợp được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Thống nhất quản lý theo hướng nâng cao trách nhiệm của địa phương và kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ của Trung ương; Giảm đầu mối, giảm trung gian, gắn với cải cách hành chính, giảm phiền hà, tiêu cực, phân cấp trong chuyển mục đích sử dụng đất, trong quyết định giá đất cụ thể, thu hồi đất… Giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất tại khu kinh tế, khu công nghệ cao, cảng hàng không sân bay… Tập trung cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, minh bạch thủ tục hành chính để người dân thuận tiện trong quá trình thực hiện thủ tục…
Thứ sáu, là điều tra cơ bản đất đai, đánh giá tiềm năng đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tập trung thống nhất.
Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương, giải quyết được các vướng mắc, bất cập đã chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai. Sau khi Luật Đất đai được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ tập trung để hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm sau khi Luật có hiệu lực thi hành thì hệ thống đã bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Với một hệ thống pháp luật đất đai được hoàn thiện sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay.