Việt Nam tiến gần hơn tới thị trường tín chỉ carbon
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 14/02/2024
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 50% hộ dân Việt Nam tại khu vực nông thôn đang sử dụng bếp truyền thống là dạng bếp kiềng ba chân, gây khói bụi ô nhiễm và lãng phí nhiên liệu. Phụ nữ và trẻ em thường đảm nhận việc nấu nướng, nhóm lửa nên phải chịu nhiều tác hại đến sức khỏe do hít phải lượng lớn khói bếp.
Lo ngại những tác hại mà các loại bếp truyền thống gây ra cho sức khỏe con người và môi trường, nhiều chuyên gia đã tìm ra giải pháp hữu hiệu trong việc chuyển đổi sang dùng bếp đun cải tiến, giúp tăng hiệu suất sử dụng năng lượng, giảm tiêu thụ củi hoặc sinh khối, nhờ đó giảm phát thải khí nhà kính.
Thị trường mua bán tín chí Carbon bắt đầu khởi động
Trao đổi tại Phiên chuyên đề 3: “Cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề: “Xây dựng Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức. Tại đây, Đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị phát triển và cung cấp tín chỉ carbon hàng đầu Việt Nam thông qua triển khai dự án trao tặng bếp đun tiết kiệm năng lượng, giúp công ty quy đổi được 4,5 triệu tín chỉ carbon hàng năm.
Theo đó, đơn vị ký thỏa thuận và phân phối miễn phí bếp đun tiết kiệm năng lượng và thiết bị lọc nước cho các hộ nghèo tại các thôn bản trên khắp Việt Nam nhờ mạng lưới 22 triệu hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đến nay, dự án bếp đầu tiên được triển khai thành công tại Việt Nam đạt những con số ấn tượng, khoảng 850.000 bếp đun tiết kiệm năng lượng được trao tận tay bà con. Công ty cũng thực hiện thành công dự án cung cấp nước uống an toàn và nước sạch học đường, với số lượng 364.000 thiết bị lọc nước.
Cùng với lợi ích về khí hậu giúp giảm 40 - 60% mức tiêu thụ nhiên liệu, bếp đun cải tiến còn có những lợi ích trực tiếp cho môi trường và xã hội tại các khu vực thực hiện dự án. Bởi theo ước tính, khoảng 50% lượng gỗ khai thác sử dụng làm nhiên liệu đốt và 30% trong số đó là từ các nguồn không bền vững.
Chính dự án bếp đun cải tiến góp phần giúp giảm nạn phá rừng và suy thoái đa dạng sinh học rừng tại địa phương. Cùng với đó, bếp đun cải tiến mang lại lợi ích về sức khỏe do loại bếp này gần như không tạo ra khói và giảm các bệnh hô hấp liên quan do khói bếp.
Những lợi ích cộng đồng to lớn kể trên là lý do tín chỉ carbon từ những dự án bếp đun cải tiến được ưa chuộng trên thị trường carbon quốc tế.
Bên cạnh thực hiện hai chương trình giảm phát thải cộng đồng là chương trình hoạt động bếp đun cải tiến tiết kiệm năng lượng và chương trình hoạt động nước sạch Việt Nam, doanh nghiệp cũng tư vấn và phát triển dự án theo cơ chế phát triển sạch (CDM) để tạo ra chứng chỉ giảm phát thải CO2 theo Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Doanh nghiệp đã cung cấp hàng triệu đơn vị chứng chỉ giảm phát thải carbon cho thị trường quốc tế, với kinh nghiệm triển khai và phát triển thành công hàng trăm dự án giảm phát thải carbon.
Nguyên tắc cơ bản của thị trường carbon là bên mua sẽ trả phí để nhận thêm các tín chỉ, hạn ngạch phát thải nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải hoặc để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường ngặt nghèo quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Theo đó, bên mua là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là doanh nghiệp sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc…
Ngược lại, bên bán là mọi tổ chức có tổng mức phát thải ròng CO2 âm, đó có thể là đơn vị thực hiện các dự án trồng rừng, doanh nghiệp phát triển dự án năng lượng tái tạo, công ty sản xuất xe điện.
Tuy nhiên, một dự án không thể phát hành chứng chỉ carbon và nhận thanh toán trừ khi được đo lường và được xác minh bởi một bên thứ ba trong việc giảm bớt khí thải.
Việt Nam – Thị trường tiềm năng
Hiện trên thế giới, thị trường carbon hoạt động khá sôi động, nhiều tập đoàn lớn đặt mục tiêu không phát thải carbon và theo sát các mục tiêu khí hậu toàn cầu.
Công ty Apple đã cam kết trung hòa carbon vào năm 2030. Để có thể trung hòa carbon, công ty có hai lựa chọn: Hoặc giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0; Hoặc giảm lượng khí thải carbon ở mức tối đa và cân bằng lượng khí thải thông qua bù đắp bằng việc mua tín chỉ carbon. Doanh nghiệp có thể lựa chọn chỉ áp dụng phạm vi 1 và 2, kiểm soát các nguồn phát thải trong và ngoài công ty.
Hay Google đặt kế hoạch đạt Net Zero vào năm 2030 trên toàn bộ chuỗi cung ứng, nghĩa là nhằm đạt được cân bằng tổng thể giữa lượng khí thải nhà kính phát thải ra và lượng khí thải nhà kính được loại bỏ khỏi bầu khí quyển. Nói cách khác, Google sẽ không phát thải thêm bất kỳ lượng CO2 nào vào khí quyển.
Thậm chí, Microsoft còn cam kết phát thải carbon âm đến năm 2030, hướng tới mục tiêu xa hơn bằng cách tích cực loại bỏ CO2 khỏi khí quyển. Với mỗi phần mềm, Microsoft còn tính toán điểm, thái độ của người dùng có phát thải nhiều carbon hay không.
Trình bày rõ hơn về con đường các doanh nghiệp đang theo đuổi, Đại diện doanh nghiệp cho biết việc phát thải carbon hiện nay có 3 phạm vi.
Cụ thể, phát thải phạm vi 1, tất cả lượng phát thải nhà kính phát sinh trực tiếp từ các nhà máy, hoạt động của một tổ chức, lượng khí thải này nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của tổ chức.
Phát thải phạm vi 2, phát thải gián tiếp phát sinh từ việc tổ chức mua điện, năng lượng để sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là lượng phát thải được tạo ra trong quá trình sản xuất năng lượng của các đơn vị cung cấp năng lượng, nhưng được tổ chức mua lại để sử dụng cho hoạt động kinh doanh.
Phát thải phạm vi 3, tất cả các phát thải gián tiếp khác phát sinh từ các hoạt động có liên quan từ chuỗi giá trị, xuất phát từ các nguồn mà doanh nghiệp không sở hữu hoặc kiểm soát.
Theo thống kê, hiện có 175 chứng chỉ carbon khác nhau dựa trên 300 phương pháp luận được phê duyệt bởi 27 tiêu chuẩn carbon, nổi tiếng nhất là UNFCCC (Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu), Tiêu chuẩn Chứng nhận Carbon (Verified Carbon Standard - VCS) do tổ chức VERRA phê duyệt, Gold Standard - Tiêu chuẩn Vàng được phát triển bởi một nhóm các tổ chức phi lợi nhuận.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam là một cường quốc, thậm chí vượt xa Thái Lan về số lượng dự án carbon và từng đứng thứ 4 thế giới. Vì vậy, nếu có đủ tiềm lực, trình độ và có đủ nhận thức, chúng ta sẽ trở thành top 5 thế giới về chứng chỉ carbon.