Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, bản anh hùng ca bất hủ trong lịch sử dân tộc Việt Nam

Giáo dục - Ngày đăng : 07:30, 14/02/2024

Dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa đã đập tan giấc mộng xâm lược của quân Mãn Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững độc lập dân tộc.

Mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, nghĩa quân Tây Sơn dũng mãnh, dưới sự chỉ huy của người Anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã tiến công thần tốc, đánh tan hàng vạn quân Thanh xâm lược, giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

img_6655.png
Tượng đài Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ tại Bảo tàng (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định)

Vào cuối thế kỷ XVIII, trong hoàn cảnh đất nước có nhiều biến loạn, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh lấn át vua Lê; ở Đàng Trong chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, đời sống nhân dân rơi vào cảnh lầm than. Trong bối cảnh đó, năm 1771 cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các anh hùng hào kiệt và sĩ phu yêu nước hưởng ứng. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng phát triển thành phong trào giải phóng dân tộc rộng lớn trên quy mô cả nước, quét sạch mọi bất công thối nát của các vương triều phong kiến, đập tan các thế lực ngoại xâm, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.

Triều đình nhà Thanh từ lâu đã rắp tâm xâm lược nước ta, nhưng chưa tìm được cớ gây hấn. Lợi dụng hành động “rước voi về giày mồ” của Lê Chiêu Thống, 29 vạn quân Thanh đã tràn sang xâm chiếm nước ta. Trước tình hình thù trong, giặc ngoài, nhận thấy nguy cơ xâm lược từ phương Bắc, Nguyễn Huệ đã làm lễ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung, rồi nhanh chóng tiến công ra Bắc. Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân, tức 15/1/1789, đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, rồi Ninh Bình. 

Đêm giao thừa Tết Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tấn công và tiêu diệt giặc Thanh ở đồn tiền phương Gián Khẩu. Đêm mùng 4 rạng mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn tiến về đánh chiếm Khương Thượng. Quân giặc phòng thủ Khương Thượng bị tiêu diệt hoàn toàn. Tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống treo cổ tự vẫn ở núi Loa Sơn. Trận đánh này mở đường cho đại quân Tây Sơn từ Ngọc Hồi tiến công với khí thế như chẻ tre tiến thẳng vào Thăng Long.

Với chiến thuật thần tốc, chớp nhoáng, chỉ trong 5 ngày, quân Tây Sơn đã đánh tan 29 vạn quân Thanh, mà trận Ngọc Hồi và Đống Đa là mồ chôn quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị bỏ chạy lên phía Bắc, tàn quân nghe tin chủ tướng bỏ chạy cũng tan rã chạy theo, tranh nhau qua cầu. Trưa mồng 5 Tết Kỷ Dậu, Hoàng đế Quang Trung ngự trên lưng voi, dẫn đầu đại quân vào Kinh thành trong sự đón chào hoan hỉ của nhân dân Thăng Long.

Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã khẳng định nghệ thuật quân sự tuyệt vời của nghĩa quân Tây Sơn, đặc biệt là tài cầm quân thiên tài của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ. Đó là nghệ thuật chuyển quân thần tốc từ Phú Xuân ra Bắc, là nghệ thuật tác chiến, chiến lược trong từng trận đánh. Bằng thắng lợi vĩ đại này, dân tộc ta dưới sự lãnh đạo thiên tài của Hoàng đế Quang Trung đã đập tan mộng xâm lược của quân Thanh, giải phóng đất nước, giữ vững nền độc lập dân tộc. Phát huy hào khí của nghĩa quân Tây Sơn, thôi thúc mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân vượt qua khó khăn, thách thức để nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn, xứng đáng với những công lao to lớn, khát vọng cháy bỏng và sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.

Tuấn Kiệt