Quảng Ninh trồng 5 triệu cây xanh trong năm 2024

Môi trường - Tài nguyên - Ngày đăng : 19:30, 16/02/2024

Ngày 15/2, các địa phương, sở, ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đồng loạt ra quân trồng cây hưởng ứng “Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động và trồng 5.000 ha lim, dổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, Tết trồng cây đã trở thành một truyền thống tốt đẹp được gìn giữ và phát triển; phong trào trồng cây, gây rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh Quảng Ninh luôn được quan tâm, hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể.

trong-cay.jpg
Chiến sĩ biên phòng cùng người dân tham gia "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

Qua đó, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Từ năm 2020 đến 2023, diện tích trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh đạt trên 52.000ha. Trong đó, diện tích lim, dổi, lát đã trồng trong 3 năm là trên 3.500ha, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 55% và nâng cao chất lượng rừng.

Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ Xuân Giáp Thìn năm 2024 với chủ đề “Hưởng ứng chương trình trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng phát động và trồng 5.000ha lim, dổi, lát trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”, đồng thời lựa chọn địa điểm phù hợp để trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, trong quý I năm 2024, toàn tỉnh sẽ trồng tối thiểu 1 triệu cây (rừng trồng tập trung và trồng cây phân tán tại khu vực đô thị và nông thôn). Trong đó, tập trung trồng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế cao, trọng tâm trồng rừng bằng cây lim, lát, dổi; trồng cây hoàn nguyên, phục hồi môi trường, phát triển thành rừng cây gỗ lớn đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển bền vững. Trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu trồng 5 triệu cây xanh, trong đó, phần lớn là cây gỗ lớn như lim, dổi, lát.

Việc định hướng phát triển lâm nghiệp bằng rừng cây gỗ lớn, cây bản địa có giá trị kinh tế, môi trường cao ở nơi có điều kiện để làm giàu rừng, nâng cao chất lượng của rừng và chủ trương trồng cây hoàn nguyên môi trường bằng các loài cây bản địa để phát triển thành rừng cây gỗ lớn, phục hồi môi trường, giảm tình trạng trôi, lở, xói mòn đất, đảm bảo mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã giữ vững vị trí là địa phương nằm trong nhóm có diện tích rừng lớn và đạt tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước, chất lượng rừng được cải thiện, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, diện tích rừng ngập mặn đứng đầu khu vực phía Bắc.

Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh phấn đấu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đã đề ra là trồng rừng tập trung dự kiến 13.250ha (trồng 1.000ha lim, dổi, lát) và trồng 950.000 cây phân tán tại khu vực đô thị, nông thôn; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đạt 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.

Với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trường từ “nâu” sang “xanh”, Quảng Ninh xác định bảo vệ môi trường, đầu tư cho rừng chính là đầu tư cho môi trường bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc đẩy mạnh trồng rừng, đặc biệt là trồng cây gỗ lớn, cây bản địa lim, dổi, lát không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân, cải thiện cuộc sống, thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển, mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, tạo nguồn sinh thuỷ trên địa bàn tỉnh.

Minh Kiên