[Góc nhìn tuần qua] Đảm bảo an ninh, an toàn trong dịp Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024
Góc nhìn tuần qua - Ngày đăng : 11:00, 17/02/2024
Với gần 8.000 lễ hội lớn nhỏ, Việt Nam được ví như đất nước của lễ hội. Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa lễ nghi sang trọng, linh thiêng, phần hội thì tươi vui, rộn ràng. Lễ hội trở thành nơi công chúng trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Nhiều năm trước, tồn tại những biến tướng, lệch lạch, tiêu cực trong tổ chức một số lễ hội, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống. Chính vì thế, vào mỗi dịp đầu năm, việc tổ chức và quản lý lễ hội du xuân tại các điểm văn hóa lịch sử luôn là vấn đề lớn của ngành văn hóa.
Lễ hội là thời điểm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được sống dậy một cách mạnh mẽ. Thế nhưng, đi kèm với đó có thể này sinh tình trạng biến tướng, thương mại hóa, lạm dụng lễ hội để trục lợi. Vấn nạn buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan, làm mai một những giá trị truyền thống, mất đi vẻ đẹp vốn có của lễ hội. Năm nay, nhiều địa phương đã có đổi mới trong công tác tổ chức, để vừa giữ được vẻ đẹp của mùa lễ hội vừa đảm bảo mùa lễ hội văn minh ý nghĩa.
Theo thông lệ, đầu năm là dịp các địa phương trong nước diễn ra những lễ hội truyền thống. Thời điểm này, lượng người đổ về các di tích, danh thắng thường đông, tạo nên áp lực cho công tác tổ chức. Việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, văn minh lễ hội vì thế là một vấn đề đáng quan tâm. Trong khi, vô số lễ hội xuân đầu năm vốn là nơi du xuân, lễ bái lại trở thành nỗi sợ của nhiều khách hành hương bởi các vấn đề về ùn tắc, an toàn giao thông, an ninh trật tự. Thậm chí các vấn đề về tổ chức đón tiếp du khách, bố trí điểm gửi xe... cũng là bài toán nan giải. Thế nhưng, cũng có những điểm du xuân lại được điểm cộng cho các vấn đề này.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng hoạt động lễ hội, hành hương dịp đầu xuân vẫn còn những bất cập. Để bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các cơ quan quản lý cần xử lý nghiêm những vi phạm. Về lâu dài, việc xây dựng nếp sống văn minh tại các di tích, cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, chính quyền địa phương và cá nhân phụ trách trông nom nơi thờ tự cần chú trọng hơn nữa việc nhắc nhở, khuyến cáo người dân.
Từ bao đời nay, lễ hội luôn giữ vai trò như sợi dây gắn kết cộng đồng, tạo dựng không gian văn hóa lễ nghi sang trọng, linh thiêng. Lễ hội trở thành nơi công chúng trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Vì thế, để lễ hội giữ được những điều tốt đẹp thì cần đòi hỏi vai trò của Nhà nước trong tổ chức, kiểm tra cũng như sự hiểu biết của chính người tham gia lễ hội. Bởi chỉ có hiểu về những phong tục của mỗi vùng miền, người dân mới có thể chuẩn bị đúng tâm và thế khi đến với lễ hội