Hơn nửa triệu ha rừng tại Nghệ An được hưởng dịch vụ môi trường rừng
Kinh tế - Ngày đăng : 08:30, 22/02/2024
Những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã có tác động tích cực về mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đến hết năm 2023, tổng diện tích rừng được chính sách chi trả là 560.000 ha (chiếm hơn 57% diện tích có rừng toàn tỉnh). Chính sách lan tỏa rộng khắp đã góp phần quan trọng trong nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, duy trì độ che phủ, nâng cao chất lượng và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái.
Năm 2023 nguồn thu của Quỹ đạt hơn 123 tỷ đồng (đạt 102% KH đề ra). Không chỉ chi trả tiền bảo vệ rừng cung ứng dịch vụ môi trường hàng năm theo đơn giá của các lưu vực thuỷ điện, chính sách cũng trực tiếp hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân phục vụ công tác bảo vệ rừng nói chung.
Trong năm 2023, quỹ đã tiến hành chi thanh toán đạt 116% so với kế hoạch được phê duyệt, đạt 100% số tiền thực phải chi cho các chủ rừng (hơn 115,6 tỷ đồng).Thống kê toàn tỉnh Nghệ An, số đối tượng được chi trả dịch vụ môi trường rừng có 20.938 chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng và 1.310 hợp đồng nhận khoán bảo vệ.
Ngoài kinh phí được chi trả theo kế hoạch, quỹ tỉnh đã tham mưu hỗ trợ bổ sung đơn giá chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các lưu vực thuỷ điện...
Ngoài việc tác động tích cực đến an sinh xã hội - môi trường sinh thái, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần rất lớn vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao ý thức giữ rừng, hỗ trợ nguồn kinh phí hàng năm cho các đơn vị chủ rừng trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, đã tạo sinh kế cho chủ rừng là người dân vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đẩy mạnh công tác xã hội hóa nghề rừng.
Tuy nhiên, cung ứng dịch vụ môi trường rừng đang còn dư địa khá lớn trong đó có giao dịch thị trường carbon. Nắm bắt kịp thời xu thế của xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An đã chủ động chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng tiếp cận với thị trường giao dịch carbon trong đó có “Thị trường giao dịch carbon nội địa - ETS” .
Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp &PTNT và Ngân hàng tái thiết và phát triển Quốc tế (IBRD) ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã phối hợp với các đoàn chuyên gia, tư vấn khả năng thực hiện thỏa thuận tại Nghệ An và được IBRD đánh giá khá tốt. Song song với đó, Quỹ cũng cử cán bộ tham gia các khóa tập huấn về “Thị trường giao dịch carbon nội địa – ETS” do Ban quản lý dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” VFBC Trung ương tổ chức.
Thông qua các khóa tập huấn, cán bộ Quỹ đã cập nhật các kiến thức bản về cách thức vận hành, giao dịch hạn ngạch phát thải, tín chỉ carbon trên sàn giao dịch của thị trường carbon nội địa quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP ban hành ngày 07 tháng 01 năm 2022 về quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone; Các kiến thức về giảm phát thải khí nhà kính; Công tác kiểm kê khí nhà kính; Giá carbon và hạn ngạch trong thị trường carbon nội địa; Phần mềm mô phỏng sàn giao dịch carbon (CarbonSim); Các loại thị trường trên sàn giao dịch; đăng ký tài khoản và lựa chọn với từng tài khoản để tiền hành giao dịch, phương thức giao dịch; Bù trừ carbon; Tiêu chuẩn carbon; các biện pháp an toàn và kinh nghiệm các nước vận hành thị trường carbon...
Việc chủ động tiếp cận với thị trường carbon, trong đó có thị trường giao dịch carbon nội địa - ETS, có thể khẳng định, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An đã sẵn sàng tiếp cận nhằm nâng cao giá trị thặng dư của rừng từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng thông qua thị trường carbon; thực hiện tốt Nghị định Chính phủ về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ sau khi được ban hành./.