Nhớ món mỳ Quảng quê nhà
Môi trường xã hội - Ngày đăng : 14:20, 27/02/2024
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, vốn là nơi có điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt khi quanh năm hết chống hạn lại lo mùa bão lũ. Chắc cũng vì phải thích nghi với môi trường thiên nhiên khắc nghiệt nên người dân luôn có thói quen cần kiệm, thích chế biến những món ăn đậm đà hương sắc.
Món mỳ Quảng cũng không là ngoại lệ, dẫu nó chỉ được người dân quê tôi xem như một món ăn sáng bình dị của mỗi gia đình. Những năm gần đây, khi đời sống dần hiện đại hơn thì mỳ Quảng cũng xuất hiện rộng khắp mọi miền, từ Nam chí Bắc ở đâu cũng có thể thưởng thức. Người xứ Quảng quê tôi dẫu đi làm ăn ở đâu cũng đều mang theo hương vị món ăn dân dã của quê mình. Bản thân tôi rời xa quê đã khá nhiều năm nhưng mỗi khi đi giữa phố thị tấp nập ngang qua một hàng quán bán mỳ Quảng, bản thân lại háo hức muốn ghé ngay vào. Cũng bởi, tôi thích cái cảm giác được bưng một bát mì nóng hổi trên tay không chỉ để thưởng thức hương vị quen thuộc mà còn là nỗi bồi hồi nhớ lại những kí ức thuở ấu thơ cho vơi đi nỗi lòng thương nhớ quê nhà.
Theo mẹ tôi kể lại thì món mì Quảng có những nét rất đặc trưng cho gu ẩm thực của người dân quê tôi, điển hình như dẫu được chế biến từ những nguyên liệu giản đơn nhưng vẫn ngon miệng, khơi gợi được nhiều háo hức cho thực khách trong quá trình thưởng thức nhưng vẫn đằm thắm và gần gũi. Người Quảng Nam trong phong cách chế biến rất thích sự đa dạng về mặt hương vị đồng thời cũng có cách để các hương vị ấy bổ sung cho nhau, tạo ra một vị tổng hợp rất phong phú. Mì Quảng, chắc cũng vì lẽ đó mà nồng đượm hương vị đậm đà, khơi gợi được biết bao tình cảm và nỗi nhớ quê nhà, như lời câu ca:
“Ai ơi hãy nhớ quê hương
Ăn tô mỳ Quảng mà thương nhau cùng”
Cách làm mì Quảng ở quê tôi vốn dĩ đơn thuần nhưng đòi hỏi nhiều sự tỉ mỉ. Các bà, các mẹ ở quê tôi thường sẽ ngâm gạo ngon trong nước suốt vài giờ, rồi tỉ mỉ dùng cối đá xay với nước tạo thành một hỗn hợp bột mịn, tiện tay vẩy thêm chút bột nghệ cho có màu vàng. Để sợi mì khi chín có độ dai, mẹ tôi thường trộn thêm ít bột năng hay phèn sa vào lá mì.
Thông thường, mẹ tôi sẽ dùng cái khuôn tròn căng một miếng vải thẳng đặc lên trên nồi nước sôi, hoặc dùng các miếng vải vuông bốn góc cột 4 cục đá tạo thành cái mặt vải phẳng trên nồi. Mẹ tôi thường tận dụng nắp đậy có thể là một cái nón lá để giữ hơi nước hoặc cái gáo dừa cắt thấp có cán tre rồi tỉ mỉ đổ bột lên khuôn vải giống như các bà các cô ở phương Bắc tráng bánh cuốn.
Bao giờ cũng thế, sau khi tráng xong, mẹ tôi sẽ lật ngược cái gáo để tráng mỏng đều lớp bột trên mặt khuôn, đậy nắp một vài phút cho bánh chín. Cuối cùng, mẹ tráng thêm một lớp bột mỏng để lá mì dày hơn rồi tỉ mỉ dùng cái dao bằng tre vót mỏng để lấy bánh phơi trên các vỉ tre. Khoảng độ nửa giờ đồng hồ, mẹ tôi chờ cho nguội sẽ nhẹ nhàng thoa dầu lên bánh xếp vào thúng lá chuối đậy kín để những sợi mì không bị khô.
Điều thú vị trong cách món ăn này là sự đa dạng của nước dùng. Bà con quê tôi vốn thích các món ăn giản đơn nhưng phù hợp với thời tiết, kiểu mùa nào thức ấy. Với nước dùng của mì Quảng, chúng ta có thể tận dụng bất kỳ sản vật nào như: tôm, thịt heo, gà, cá lóc, ếch… mà vẫn không lo gây ảnh hưởng đến hương vị đặc trưng của món ăn. Dẫu đa dạng là thế nhưng có một thứ gia vị không thể thiếu khi chế biến món mì Quảng là dầu phụng và củ nén. Thêm vào đó, nước dùng của mì Quảng cũng được nêm nếm đậm đà hơn nước lèo của phở miền Bắc. Ngay cả thịt, tôm làm nhân cũng đã được nấu cho thấm gia vị rồi mới cho vào nấu cùng nước lèo. Ngẫm cho cùng, đó không chỉ là đặc trưng trong ẩm thực của người dân xứ Quảng mà còn là biểu hiện cho sự đa dạng trong cách kết hợp các nguyên liệu và sáng tạo trong phương thức chế biến, gây thương nhớ cho biết bao thực khách.
Bản thân tôi vẫn luôn hoài nhớ về những chiều mùa đông mưa gió sụt sùi, mẹ tôi còn bận gieo mạ ngoài cánh đồng chiều, cố cấy cho xong mảnh đồng cuối. Các anh em tôi ở nhà cứ chốc chốc lại ra đầu ngõ, đưa mắt nhìn ra xa, ngóng trông mẹ về. Mãi cho đến lúc mặt trời dần buông, mẹ mới khẽ khàng quay về, bước liêu xiêu dưới ánh nắng nhàn nhạt.Trên tay mẹ là chiếc rỗ nhỏ đầy ăm ắp những cá rô, lươn, chạch, ốc bươu, cua đồng... Bọn trẻ con chúng tôi nhanh tay phụ giúp, đứng xúm xít trong bếp phụ giúp mẹ những công việc vặt như lặt rau, nhen lửa. Anh trai tôi khỏe nhất trong bọn lúc nào cũng hăng hái phụ giúp mẹ xay bột bằng cái cối đá to đùng ở chái bếp. Trong niềm háo hức trẻ thơ, bọn trẻ con chúng tôi quên cả bụng đói ngấu và cơn buồn ngủ. cứ thế mải miết phụ giúp mẹ nấu món mì Quảng trong gian bếp nhỏ đơn sơ của gia đình. Mãi cho đến khi món mì được chuẩn bị xong thì trời cũng bắt đầu nhá nhem tối.
Dẫu vất vả là thế nhưng hương vị của món mì Quảng mẹ nấu vẫn khiến tôi nhung nhớ vô kể. Mãi cho đến lúc trưởng thành, tôi vẫn chẳng thể nào quên cái cảm giác đang bụng đói cồn cào, được mẹ bưng ra cho tô mỳ thơm nức mũi, nghe gió nồm từ ngoài sông thổi vào lồng lộng. Bọn trẻ con chúng tôi cứ thế lùa sì sụp tô mỳ Quảng nóng hổi, thơm lựng, vừa trò chuyện vừa tranh thủ nhâm nhi từng lát thịt heo , con tôm vàng rộm, cảm nhận hương vị tươi mát của mấy cọng rau quế, rau húng thơm lừng... Thi thoảng, người lớn muốn ăn cay, cũng chỉ cần thò tay ra ngoài, hái một trái ớt xanh trồng ngoài vườn, là đủ đầy hương vị cho một tô mỳ ngon.
Cho đến tận bây giờ, mỗi khi ngồi nhấm nháp món mỳ Quảng ở nơi thành phố nhộn nhịp này, tôi thường miên man nhớ về quê xa, nơi chất chứa hoài niệm về tuổi thơ đầy gian khó nhưng cũng thật đầm ấm, thiết tha. Ở quê nhà tôi, tô mỳ không chỉ là món ăn giúp người ta cảm thấy thích thú vì được đổi vị mà còn xuất hiện trong các bữa đãi thợ, lễ hội, ngày giỗ chạp với tất cả lòng tri ân, cầu cho cuộc sống yên bình, mùa màng tươi tốt. Hơn cả một món ăn, mì Quảng chất chứa biết bao thương yêu với gia đình nơi quê nhà.