Hà Giang: Tăng cường các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô hanh 2018 – 2019
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 04:39, 19/12/2018
Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc có diện tích rừng và đất qui hoạch cho phát triển lâm nghiệp chiếm trên 71% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Vì vậy, công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
>>>Quảng Ninh: Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6
>>>Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu
Diễn tập dập lửa cứu rừng ở xã Ma Lé huyện Đồng Văn, Hà Giang
Theo thông báo của Ban Chỉ đạo bảo vệ và Phòng chống cháy rừng của Hà Giang, hiện nay tại hầu hết các khu vực có rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang ở mức cảnh báo cháy ở cấp độ III (là cấp cảnh báo ở mức cao dễ xảy ra cháy rừng). Ban Chỉ đạo Bảo vệ và Phòng chống cháy rừng của Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan cần thực hiện ngay các biện pháp phòng, chống cháy rừng nhằm bảo vệ an toàn cho các cánh rừng trong mùa khô hanh.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Hà Giang, trong thời gian vừa qua, tại hầu hết các địa phương của tỉnh nhiều ngày không có mưa kết hợp với thời tiết hanh khô đã dẫn tới tình trạng báo động về cháy rừng đang ở mức độ cao, có nhiều khả năng tăng nên thành cấp nguy hiểm.
Trước tình trạng trên, Ban Chỉ đạo bảo vệ và Phòng chống cháy rừng của Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan cần rà soát và cảnh báo đến các hộ gia đình và các chủ rừng thuộc các địa phương đang ở cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở mức độ cao; cụ thể, gồm các địa phương: Thành phố Hà Giang có 3/8 xã, phường gồm: Phường Ngọc Đường, xã Phương Thiện và xã Phương Độ. Huyện Vị Xuyên có 13/24 xã gồm các xã: Thuận Hòa, Lao Chải, Trung Thành, Bạch Ngọc, Ngọc Minh, Thượng Sơn, Minh Tân, Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Đạo Đức, Quảng Ngần và Phong Quang. Huyện Bắc Quang có 11/23 xã, gồm các xã: Vô Điếm, Đức Xuân, Đồng Tâm, Đồng Tiến, Tân Lập, Liên Hiệp, Đồng Yên, Kim Ngọc, Vĩnh Hảo, Đông Thành và xã Tân Thành. Huyện Đồng Văn có 9/19 xã, gồm các xã, thị trấn: Lũng Cú, Ma Lé, thị trấn Đồng Văn, Phố Cáo, thị trấn Phó Bảng, Phố Là, Sảng Tủng, Lũng Táo và xã Hố Quáng Phìn. Huyện Mèo Vạc có 12/18 xã, bao gồm các xã: Thượng Phùng, Niêm Sơn, Niêm Tòng, Nậm Ban, Tát Ngà, Khâu Vai, Sơn Vĩ, Cán Chu Phìn, Xín Cái, Tả Lủng, Lũng Pù và thị trấn Mèo Vạc. Huyện Yên Minh có 12/18 xã, bao gồm các xã: Bạch Đích, Du Già, Du Tiến, Hữu Vinh, Lao Và Chải, Mậu Duệ, Mậu Long, Na Khê, Ngam La, Ngọc Long, Đông Minh và thị trấn Yên Minh. Huyện Quản Bạ có 8/13 xã, bao gồm các xã: Đông Hà, xã Quản Bạ, Lùng Tám, Thái An, Cán Tỷ, Bát Đại Sơn, Cao Mã Pờ và Nghĩa Thuận. Huyện Bắc Mê có 12/13 xã, bao gồm các xã, thị trấn: Yên Định, Minh Ngọc, Minh Sơn, Thượng Tân, Lạc Nông, thị trấn Yên Phú, Yên Cường, Yên Phong, Phú Nam, Giáp Trung, Đường Âm và xã Đường Hồng. Huyện Hoàng Su Phì có 13/25 xã, bao gồm các xã: Bản Máy, Thàng Tín, Tụ Nhân, Hồ Thầu, Túng Sán, Pố Lồ, Chiến Phố, Thèn Chu Phìn, Ngàm Đăng Vài, Bản Luốc, Nậm Dịch, Tân Tiến và thị trấn Vinh Quang. Riêng huyện Xín Mần bao gồm 19/19 xã nằm trong vùng có nguy cháy rừng ở mức độ cao và có khả năng tăng lên thành cấp nguy hiểm.
Ban Chỉ đạo bảo vệ và Phòng chống cháy rừng của Hà Giang cũng đã chỉ đạo các cấp phân công lịch trực nhằm chủ động trong công tác phòng chống cháy rừng và thực hiện chế độ trực 24/24 giờ trong các ngày cảnh báo cháy rừng cấp độ III; chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng thường xuyên du tu, bảo dưỡng và đầu tư mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng; chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện đảm bảo sẵn sàng huy động khi xảy ra cháy rừng…
Phạm Văn Phú