Ngành nông nghiệp Đồng Nai ứng phó với nắng nóng, khô hạn
Kinh tế - Ngày đăng : 18:30, 04/03/2024
Theo nhận định của cơ quan khí tượng thủy văn, năm 2023 là một trong những năm nóng kỷ lục, với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tại các hồ chứa lớn, đồng thời khả năng cao ảnh hưởng của hiện tượng El Nino vào nửa cuối năm 2023, nguy cơ xảy ra nắng nóng, hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong thời gian tới, nhất là tại các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đến nay, trên toàn quốc, tổng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm; mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, một số hồ chứa lớn thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3.
Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai Nguyễn Phước Huy cho biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mùa mưa đã kết thúc từ giữa tháng 11/2023. Tính đến nay, mùa khô đã trải qua hơn 2 tháng và suốt thời gian này hầu như không có mưa trái mùa như mọi năm, nếu có chỉ là những cơn mưa nhỏ. Theo đó, cao điểm nắng nóng bắt đầu từ giữa tháng 2/2024 và có thể tiếp tục kéo dài đến tháng 5. Như vậy, mùa khô năm nay đến sớm và kéo dài hơn trung bình mọi năm. Nắng nóng có thể đạt mức gay gắt xấp xỉ như năm 2023. Đây là nguyên nhân khiến nguồn nước mặt trên các sông, suối, ao, hồ giảm dần, có thể xuất hiện tình trạng khô hạn, thiếu nước với các sông, suối nhỏ. Đây là tình trạng đã xảy ra trong năm 2023 khi mực nước tại nhiều hồ chứa lớn ở mức rất thấp, một số hồ chứa lớn thiếu hụt từ vài chục đến hàng trăm triệu m3.
Theo báo cáo vào ngày 28/2 về số liệu mực nước các hồ chứa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai quản lý, mực nước của nhiều hồ chứa nước lớn trên địa tỉnh hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023, năm nắng nóng kỷ lục.
Cụ thể, dung tích của hồ Cầu Mới V hiện đạt 4,97 triệu m3, thấp hơn 1 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái; hồ Cầu Mới VI đạt 15 triệu m3, thấp hơn 1,4 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái; hồ Sông Mây đạt hơn 5,5 triệu m3, thấp hơn gần 5 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy lượng nước tại nhiều hồ chứa trên địa bàn tỉnh thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng theo Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Lê Xuân Toàn, tính đến thời điểm này, lượng nước tại các hồ chứa do công ty quản lý hầu hết vẫn đủ nước để phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân năm 2023-2024. Chỉ riêng trên địa bàn huyện Tân Phú, người dân sản xuất thêm vụ đông xuân muộn từ tháng 1/2024 đến 4/2024, khả năng xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước vào giữa vụ đông xuân muộn, nhất là ở công trình đập Năm Sao với diện tích khoảng 210 hécta và đập Đồng Hiệp khoảng 750 hécta. Dự báo thời gian bơm tưới chống hạn tại đập Đồng Hiệp từ 60-80 ngày, đập Năm Sao từ 20-40 ngày. Công ty đã có giải pháp điều tiết nước, bố trí máy bơm đảm bảo nguồn nước tưới cho các cánh đồng trên.
Về tình hình xâm nhập mặn, hiện chủ yếu xảy ra ở công trình Ông Kèo, đập Bà Ký (huyện Nhơn Trạch). Đơn vị thường xuyên quan trắc nước mặt ngoài sông tại các cống Phước Lý, Câu Kê trước khi lấy nước vào trong đồng, chỉ lấy nước vào đồng khi độ mặn ở dưới mức cho phép là 0,2%.
Ông Lê Xuân Toàn cho biết thêm, giải pháp phòng, chống hạn là ngay từ đầu mùa khô, doanh nghiệp đã thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước tối đa, tận dụng các nguồn nước có sẵn tại nội đồng, hạn chế sử dụng nước ở hồ chứa, chỉ sử dụng nước hồ chứa ở những vùng ruộng cao và những khoảng thời gian không mưa hoặc ít mưa. Riêng tại các địa phương xảy ra khô hạn ở huyện Tân Phú và Định Quán, đơn vị phối hợp với UBND cấp xã, các tổ chức, cá nhân dùng nước lập kế hoạch phân phối nước cho từng tuyến kênh, từng khu tưới, phương pháp tưới… Tăng cường vận động người dân có ý thức sử dụng nước tưới tiết kiệm; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi sử dụng nước tưới lãng phí và các hành vi phá hoại làm thất thoát nguồn nước tưới.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong đó, sở tiếp tục theo dõi, hỗ trợ địa phương triển khai kế hoạch gieo trồng vụ đông - xuân gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô…