Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho đội ngũ thu gom rác phi chính thức
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 16:34, 07/03/2024
Chương trình hướng đến mục tiêu phân loại rác tại nguồn và thu gom rác thải nhựa nhằm thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Đồng thời nâng cao điều kiện làm việc, an toàn lao động, sức khỏe, cuộc sống cho lao động thu gom chất thải tái chế phi chính thức nhằm kết nối và mong muốn lực lượng thu gom rác tự do từng bước trở thành một lực lượng chuyên nghiệp góp phần trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP), ước tính hơn 30% lượng rác thải tại Việt Nam được thu gom thông qua kênh phi chính thức. Vì vậy, lực lượng lao động thu gom phế liệu tự do đóng vai trò quan trọng trong hệ thống phân loại và thu gom rác thải nhựa. Tuy nhiên, công việc của họ thường là lao động tự phát, với mức thu nhập không đảm bảo, không được trang bị dụng cụ bảo hộ lao động hay đào tạo, tập huấn kỹ năng.
Tại chương trình, các đại biểu đã nêu ra những vấn đề còn tồn tại trong công tác thu gom, duy trì vệ sinh môi trường. Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay, công việc của công nhân cũng khá là vất vả do lượng chất thải phát sinh ngày một lớn; Sự thiếu phối hợp giữa lực lượng chính thức (công nhân môi trường) và lực lượng phi chính thức (người nhặt rác, đồng nát…) khiến công tác thu gom, phân loại chất thải gặp nhiều khó khăn.
Từ đó, các đại biểu cho rằng, các cơ quan có chức năng cần hài hoà lợi ích giữa 2 lực lượng này để nâng cao hiệu quả thu gom, duy trì vệ sinh môi trường. Cụ thể, cần tận dụng, phát huy “sức mạnh” của đội ngũ thu gom chất thải phí chính thức. Đồng thời, có những cơ chế hỗ trợ đội ngũ thu gom chất thải phi chính thức, cho họ được hưởng những quyền lợi trong việc thu gom, xử lý chất thải.
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho rằng, hiện nay, chất thải tái chế hầu hết chảy về làng nghề và được tái chế không đúng cách nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo vệ môi trường. “Những người thu gom tự do hiện nay đang khiến dòng chất thải tái chế chảy về làng nghề và bị đánh đồng với lực lượng gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, họ - những người thu gom, phân loại chất thải phi chính thức cũng cần nâng cao nhận thức và góp phần bảo vệ môi trường bằng cách đưa chất thải tái chế về nơi thu mua, xử lý đúng cách”.
Là một trong số những lao động thu gom chất thải tái chế phi chính thức tham gia trong chương trình, chị Vương Minh Tuyết chia sẻ: Chúng tôi là những người thu gom phế liệu, tuy nhiên khi thu gom về thì không có nơi tập kết đảm bảo vệ sinh môi trường. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn phía Lãnh đạo Công ty Urenco sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành với chúng tôi để có thể tạo ra một quy trình thu gom đảm bảo vệ sinh môi trường và hiệu quả.
“Chúng tôi cũng "làm bạn" với rác mỗi ngày nhưng trước đây ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh. Chúng tôi mong muốn phía Công ty Urenco sẽ có nhiều hơn nữa những buổi tập huấn đào tạo về việc thu gom, phân loại rác để chúng tôi có thể nâng cao kiến thức trong công tác bảo vệ môi trường. Chúng tôi rất cảm ơn và mong có nhiều chị em thu gom chất thải tái chế phi chính thức cũng sẽ được tham gia chương trình này", chị Tuyết cho biết thêm.
Lãnh đạo Công ty Urenco khẳng định, Urenco sẵng sàng phối hợp với các cơ quan chính quyền, các tổ chức trong việc thực hiện công tác thúc đẩy lực lượng thu gom tự do đi vào quy củ hơn với những cơ chế cộng tác và tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao năng lực. Đồng thời, sẵn sàng đồng hành và chia sẻ với các nguồn lực xã hội đang tồn tại với định hướng thu gom, phân loại và tái chế chất thải đúng cách, đúng nơi quy định… góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng “Xanh - Sạch - Đẹp”.