Phó Thủ tướng Chính phủ gặp mặt đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023

Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 16:11, 08/03/2024

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng rằng phụ nữ cả nước sẽ tiếp tục tỏa sáng phẩm chất cao đẹp "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời đại mới mà Bác Hồ kính yêu đã dành tặng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta được ấm no và hạnh phúc.

Nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chiều 7/3, thay mặt lãnh đạo Chính phủ, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã gặp mặt đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.

Tham dự buổi gặp mặt có: GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia; bà Phạm Thị Thanh Trà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cùng các đại biểu là lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và đại diện các nữ trí thức tiêu biểu.

Đại diện của vẻ đẹp, trí tuệ và sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam Anh hùng

8-pttg.jpg
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Các đồng chí nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức là đại diện của vẻ đẹp, trí tuệ và sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam Anh hùng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ: Hôm nay, trong bầu không khí thân tình, ấm áp và đầy ý nghĩa của nhưng ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, đã trở thành thông lệ, chúng ta tổ chức gặp mặt để ghi nhận, trân trọng, tôn vinh những nỗ lực cố gắng, phấn đấu và tiến bộ, cùng sự đóng góp to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023.

Các đồng chí nữ lãnh đạo, quản lý, trí thức và các nữ giáo sư, phó giáo sư tiêu biểu có mặt hôm nay đều là những người phụ nữ tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, giỏi việc nước, đảm việc nhà và vô cùng tâm huyết, tận tụy với sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc, của đất nước; là đại diện của vẻ đẹp, trí tuệ và sức mạnh của người phụ nữ Việt Nam Anh hùng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trân trọng gửi lời chào thân ái, tri ân sâu sắc, lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới toàn thể phụ nữ Việt Nam!

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, phụ nữ nước ta là hiện thân cho tinh thần yêu nước, bất khuất chống giặc ngoại xâm của con người Việt Nam, tiêu biểu là Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Lê Chân và nhiều bậc tiền bối khác.

Trong các cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại của dân tộc, những tấm gương luôn tỏa sáng về phẩm chất anh hùng cách mạng của nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Định, chị Út Tịch… cùng sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các nữ chiến sĩ cách mạng đã trở thành "huyền thoại sức mạnh Việt Nam", là biểu tượng cao đẹp của Chủ nghĩa Anh hùng cách mạng của nhân dân và dân tộc ta.

Theo đồng chí Lê Minh Khái: Ngày hôm nay, dù ở bất kỳ hoàn cảnh và vị trí công tác nào, phụ nữ Việt Nam luôn phát huy cao độ giá trị truyền thống và phẩm chất tốt đẹp đó, đoàn kết, năng động, sáng tạo, có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến đội ngũ nữ trí thức nói riêng và công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ nói chung.

Điều đó được thể hiện xuyên suốt qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 16 của Trung ương, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chỉ thị số 37, Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư,… Hiến pháp năm 2013, Luật Bình đẳng giới… và mới đây là Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Theo đồng chí Lê Minh Khái, mặc dù năm qua, trong bối cảnh với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự cố gắng của chính các chị em, công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực.

Cụ thể, về xây dựng, hoàn thiện thể chế: đã ban hành nhiều cơ chế tạo điều kiện để phụ nữ khởi nghiệp; tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế, thu nhập, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò của phụ nữ...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới được thực hiện thường xuyên, đi vào nề nếp và có nhiều đổi mới, sáng kiến; tăng cường chuyển đổi số để đưa thông tin đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,…

Nguồn kinh phí hỗ trợ công tác bình đẳng giới tiếp tục được quan tâm đầu tư, bố trí trong kinh phí thường xuyên của các cơ quan. Đặc biệt, cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đều có cấu phần hoạt động, ngân sách phục vụ cho công tác bình đẳng giới.

Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế được quan tâm, đẩy mạnh, chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của Việt Nam về bình đẳng giới tại các diễn đàn quốc tế; tham gia tích cực vào Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2023, là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Việt Nam luôn hướng tới triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều sáng kiến quan trọng trong tăng cường hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.

Cụ thể, về phụ nữ tham chính: Tỷ lệ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước được nâng cao về số lượng và chất lượng.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (tháng 6/2023), Việt Nam đã tăng 11 bậc về bình đẳng giới so với năm 2022. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam xếp từ thứ hạng 106 năm 2022 lên thứ hạng 89 năm 2023 (tăng 27 bậc), trong đó tỷ lệ nữ trong nghị viện xếp hạng 53.

Về đội ngũ nữ trí thức: có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Số lượng cán bộ nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng; có nhiều thành công trong nước và quốc tế, đạt nhiều kết quả tốt về mặt khoa học cũng như triển khai ứng dụng thực tế, được xã hội ghi nhận.

Trong đó, có nhiều tập thể và cá nhân được trao giải thưởng cao quý Kovalevskaia… "Hôm nay, trong không khí gặp mặt nữ trí thức, chúng ta cũng cùng vui mừng tổ chức trao 02 giải Kovalevskaia cho 2 nhà khoa học nữ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương GS.TS. Hoàng Thị Thái Hoà và PGS.TS. Đào Việt Hà", đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ.

Nhân dịp này, đồng chí Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Nội vụ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện công tác cán bộ nữ, phát huy vai trò của đội ngũ nữ trí thức, thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, đồng chí Lê minh Khái cũng thẳng thắn thừa nhận những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong các mặt công tác phụ nữ.

Cụ thể là, nhận thức và thực hiện về bình đẳng giới còn hạn chế. Nhiều phụ nữ nghèo, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận kiến thức mới, đào tạo nghề, thiếu vốn, mặt bằng sản xuất, nhất là ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Lao động nữ dễ bị tổn thương, mất việc làm, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không ít lao động nữ xuất khẩu, giúp việc gia đình, lấy chồng nước ngoài còn đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức.

Việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ, bảo đảm nhà trẻ, trường học cho con em công nhân ở các khu công nghiệp còn hạn chế.

Bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ và trẻ em gái ngày càng diễn biến phức tạp, tăng về số lượng tiếp tục là những thách thức, khó khăn trong công tác bình đẳng giới trong thời gian tới. Định kiến giới và những rào cản về văn hóa vẫn đang ảnh hưởng đến sự phát triển của phụ nữ...

Việc bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, tham gia thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một nhiệm vụ mang tính chất dài hạn, liên tục, cần sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cơ quan đoàn thể và cả xã hội.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới

8-giai-thg.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh cùng đại diện nữ trí thức tiêu biểu và trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2023

Để tiếp tục quan tâm khuyến khích các tầng lớp phụ nữ, trong đó đặc biệt đội ngũ nữ trí thức chủ động học tập, nghiên cứu, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, đáp ứng yêu cầu phát triển KTXH của đất nước, đồng chí Lê Minh Khái yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, hội phụ nữ, thực hiện tốt các trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; triển khai thực chất các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 24/11/2023 về tiếp tục xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, về công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Hai là, tập trung thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Bình đẳng giới; hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và các văn bản có liên quan.

Ba là, quan tâm hơn nữa công tác quy hoạch nguồn cán bộ nữ làm lãnh đạo, quản lý các cấp. Bộ Nội vụ triển khai hiệu quả Chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030"; Đề án "Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025".

Bốn là, khuyến khích, vận động chị em phụ nữ chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi rào cản về giới, tự tin, tích cực vượt lên chính mình, ra sức học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Năm là, đề nghị Ủy ban giải thưởng Kovalevskaia tiếp tục lựa chọn và tôn vinh các tập thể, cá nhân nữ tiêu biểu có thành tích nghiên cứu khoa học suất xắc, có giá trị thiết thực, tạo động lực, truyền cảm hứng, có tính lan tỏa cao trong đời sống xã hội.

Sáu là, đối với các cấp Hội phụ nữ, cần tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống và những kết quả đã đạt được thời gian qua, tăng cường tính chủ động, sáng tạo, để thực hiện hiệu quả 3 nhiệm vụ trọng tâm và 4 nhóm giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội phụ nữ nhiệm kỳ 2022-2027.

Đồng chí Lê Minh Khái bày tỏ: "Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, phụ nữ Việt Nam đã và mãi trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao vị thế, vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Đồng chí Lê Minh Khái tin tưởng rằng phụ nữ cả nước sẽ tiếp tục tỏa sáng phẩm chất cao đẹp "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" trong thời đại mới mà Bác Hồ kính yêu đã dành tặng, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ta được ấm no và hạnh phúc.

Nhà khoa học vì môi trường 

8-giai-thuong.jpg
Đồng chí Lê Minh Khái và đồng chí Nguyễn Thị Doan trao 02 giải Kovalevskaia cho 2 nhà khoa học nữ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc là PGS.TS Đào Việt Hà và GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa (áo dài xanh)

GS.TS Hoàng Thị Thái Hòa đến từ Đại học Huế vừa vinh dự nhận được Giải thưởng Kovalevskaia năm 2023 vì có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Giải thưởng được trao cho nữa nhà khoa học vào ngày 26/2/2024. GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa hiện đang là Trưởng khoa Nông học của Trường đại học Nông Lâm, Đại học Huế. Với hơn 28 năm đóng góp cho ngành khoa học, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã ghi dấu ấn cá nhân sâu sắc với những nghiên cứu giá trị và ứng dụng thực tiễn, đem lại hiệu quả cao trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Giải thưởng Kovalevskaia là một phần thưởng quốc tế danh giá, vinh danh những nhà khoa học nữ xuất sắc với những đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng khoa học, đặc biệt là trong các ngành khoa học tự nhiên - một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế tri thức.

GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa không chỉ là một nhà nghiên cứu nổi bật mà còn là một nhà giáo có tâm, luôn tận tình hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên và nghiên cứu sinh. Bà cũng chủ trì nhiều dự án và đề tài có tính ứng dụng cao, giúp nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.

Hướng nghiên cứu chính của GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa tập trung vào quản lý tổng hợp đất và dinh dưỡng cây trồng bền vững, với sự chú trọng đặc biệt vào việc ứng dụng biện pháp phi hóa học để giảm sử dụng phân bón hóa học, đồng thời giải quyết vấn đề an toàn nông sản và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong sản xuất cây trồng.

Ngoài ra, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa còn có nhiều công trình nghiên cứu và ứng dụng đặc biệt thành công, như nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi sau ủ biogas và phế phụ phẩm nông nghiệp. Công trình này đã góp phần giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, đồng thời cung cấp nguồn phân hữu cơ chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp xanh, tạo ra lợi ích kinh tế xã hội to lớn.

GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa đã được trao 9 giải thưởng cấp quốc gia và cấp tỉnh dành cho các công trình nghiên cứu, cùng nhiều danh hiệu và khen thưởng từ cơ quan Chính phủ và các tổ chức chính trị - xã hội khác.

Trong một phát biểu, GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa chia sẻ rằng để thành công trong nghiên cứu khoa học, cần có sự đam mê, nhiệt huyết và kiên trì. Bà cũng nhấn mạnh về sự quan trọng của sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cơ quan chính trị - xã hội, cũng như sự cộng tác của các nhà khoa học và đồng nghiệp.

Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một biểu tượng cho sự ghi nhận và vinh danh những nữ nhà khoa học nổi bật, và GS.TS. Hoàng Thị Thái Hòa là một minh chứng rõ ràng cho sự xuất sắc và những đóng góp đáng kể của phụ nữ trong lĩnh vực quan trọng nhưng cũng nhiều thách thức này.

Vĩnh Hà