“Băm nát” rừng phòng hộ Long Thành: Khối lượng cây bị đốn hạ vượt quy định 187%
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 10:00, 30/01/2019
– Theo nội dung thuyết trình dự án thì hiện trạng rừng phòng hộ Long Thành được tính toán và đo đếm rất kỹ lưỡng từng chi tiết một. Tuy nhiên, dự án duyệt một đằng, thực hiện một nẻo, sai “chồng” sai.
>>> Bí kíp chơi Tết: Chọn cây bonsai mang tài lộc năm mới
Tổng diện tích tỉa thưa là 335,43 ha, địa điểm thực hiện tại 3 xã, trong đó: tiểu khu 216 thuộc xã Long Thọ, tiểu khu 222 (xã Phước An) và tiểu khu 217 (xã Long Phước). Mục đích tỉa thưa, nuôi dưỡng rừng nhằm mở rộng không gian dinh dưỡng, vệ sinh rừng, bảo đảm cho rừng sinh trưởng và phát triển tốt hơn, đáp ứng nhu cầu phòng hộ cho khu vực phía nam tỉnh Đồng Nai.
Tổng chi phí thực hiện dự án là 747,3 triệu đồng, chi phí này được lấy từ nguồn tận thu sản phẩm tỉa thưa rừng của BQL, thời gian thực hiện dự án trong năm 2017.
Dự án duyệt một đằng, thực hiện một nẻo
Theo nội dung thuyết trình dự án thì hiện trạng rừng được tính toán và đo đếm rất kỹ lưỡng từng chi tiết một, như: diện tích tỉa thưa từng khoảnh của các tiểu khu, mật độ trước và sau khi tỉa thưa, cường độ tỉa thưa, độ tàn che, đường kính thân cây…
Tiếp đến phần điều tra tài nguyên rừng cũng được đánh giá qua nhiều phương pháp, xác định tuyến cố định, xác định ô tiêu chuẩn được lập theo hệ thống cách mép ngoài sông lớn 50 m, ô tiêu chuẩn có kích thước 20 x 25 m, tỷ lệ rút mẫu là 2%. Cuối cùng là xác định đối tượng cây chặt, cây chừa. Việc xác định cây chặt, cây chừa BQL thực hiện biện pháp bài cây.
Đây là bước rất quan trọng trong quá trình tỉa thưa, vì vậy cần xác định tiêu chuẩn cụ thể của cây chặt, cây chừa trước khi tiến hành công tác bài cây. Tiêu chuẩn cây chặt là cây có nhiều thân, cây không thẳng, cong queo…
Căn cứ vào bản thuyết trình dự án của BQL RPH Long Thành, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã trình UBND tỉnh và ngày 22.5.2017, UBND tỉnh Đồng Nai đã đồng ý phê duyệt dự án. Tuy nhiên, ngày 18.1.2018, UBND tỉnh Đồng Nai công bố Quyết định số 211/QĐ-UBND về việc điều chỉnh nội dung của Quyết định 1682/QĐ-UBND đã ký trước đó. Theo đó, Quyết định 211 điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 30.6.2018.
‘Băm nát’ rừng phòng hộ Long Thành. Ảnh báo Thanh niên
Sau khi được UBND tỉnh Đồng Nai chấp thuận phê duyệt thực hiện dự án, BQL RPH Long Thành cho tổ chức đấu thầu theo luật Đấu thầu để chọn nhà thầu có đủ năng lực, uy tín và kinh nghiệm trong thi công cắt tỉa. Theo đó, DNTN Hoàng Nam Bắc đã trúng thầu và thực hiện gói thầu số 1, theo Hợp đồng số 01/HD-2018 ký ngày 23.1.2018. Trước khi thi công dự án, DNTN Hoàng Nam Bắc cho tập trung người lao động tại hiện trường để tổ kiểm tra và giám sát của BQL hướng dẫn nội quy, quy định của chủ dự án (được ghi nhận tại biên bản ngày 26.1.2018).
Diện tích rừng thi công đến ngày 16.4.2018 đã thi công xong tiểu khu 216 thuộc phân trường xã Long Thọ (H.Nhơn Trạch), sau đó DNTN Hoàng Nam Bắc cho thi công tiếp ở khoảnh 1, tiểu khu 222 thuộc phân trường xã Phước An (H.Nhơn Trạch) thì phía BQL cho tạm dừng thi công dự án để đoàn kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai kiểm tra đột xuất.
Thực hiện dự án sai “chồng” sai
Căn cứ vào hồ sơ phê duyệt dự án của UBND tỉnh Đồng Nai với BQL, khối lượng tỉa thưa cho hai tiểu khu 216, 222 thuộc RPH Long Thành là 1.046,27 m3, tuy nhiên thực tế đơn vị thi công đã cho chặt hạ lên đến 3.005,70 m3, vượt quy định 1.958,43 m3, tương đương 187,15%.
Theo Thanh niên thông tin, ông Nguyễn Hữu Lộc – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, cho biết khi BQL cho triển khai dự án nuôi dưỡng, tỉa thưa rừng ngập mặn 2017, chi cục kiểm lâm giao cho hạt kiểm lâm sở tại phối hợp cũng như giám sát việc thực hiện dự án nói trên.
Sau khi chọn được nhà thầu thi công cắt tỉa rừng, BQL đã tổ chức bàn giao rừng cho DNTN Hoàng Nam Bắc thi công nhưng không giám sát chặt chẽ dẫn đến mức độ sai phạm nghiêm trọng xảy ra. Ảnh báo Thanh niên
Cuối tháng 4.2018, hạt kiểm lâm phát hiện trong quá trình triển khai dự án, BQL có nhiều điểm sai sót không phù hợp theo nội dung đã được UBND tỉnh đã phê duyệt. Hạt kiểm lâm đã cho cán bộ đi kiểm tra đợt một, thời gian kiểm tra là 3 ngày, sau 3 ngày tổ kiểm tra vẫn không thống kê cũng như đo đếm để biết chính xác mức độ sai phạm vì diện tích rừng thực hiện của dự án quá lớn, số lượng cây tỉa thưa cũng khá nhiều, do đó chi cục kiểm lâm đã cho thành lập đoàn kiểm tra ngay trong đầu tháng 5.2018 để làm rõ các vấn đề sai phạm thực tế của dự án.
Đến cuối tháng 7.2018, sau khi đoàn kiểm tra thực tế, chi cục kiểm lâm phát hiện nhiều vấn đề sai phạm đối với chủ đầu tư và đơn vị trúng thầu thi công cắt tỉa của dự án, cụ thể:
Về phía chủ đầu tư là BQL RPH Long Thành, việc áp dụng các phương pháp điều tra thực địa để lập dự án không đúng theo quy định của Bộ NN-PTNT và Viện Điều tra quy hoạch rừng VN, cụ thể: Xác định không đúng quy định dung lượng mẫu điều tra trên diện tích 335,43 ha được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt, dẫn đến mật độ thiết kế sai lệch so với mật độ thực tế ở một số lô rừng. Xác định đường kính thân cây, vị trí đo và chiều cao vút ngọn (Hvn) bằng phương pháp mục trắc, không sử dụng thước, dụng cụ, máy đo đường kính, chiều cao của ngành dẫn đến sai lệch, không phân loại cây (tốt, trung bình, xấu). Có số lượng điều tra về đường kính, chiều cao, mật độ không lập theo mẫu quy định. Việc tiến hành bàn giao rừng cho đơn vị thi công không phù hợp với nội dung thiết kế và số lượng diện tích trong mỗi lần bàn giao rừng. Thực hiện chưa đúng quy định về công tác kiểm tra, giám sát, nghiệm thu trong thực hiện dự án, số lần kiểm tra giám sát trong khi thi công không đầy đủ theo quy định, các biên bản kiểm tra đã lập không có nội dung kiểm tra về thực hiện quy trình kỹ thuật tỉa thưa nuôi dưỡng rừng. Thực hiện việc chặt cây không có dấu bài, tự ý cắt khúc sản phẩm, không lập tài liệu hồ sơ ghi nhận khối lượng sản phẩm thực tế.
“Từ những sai phạm trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã báo cáo Sở NN-PTNT đề xuất xử lý sai phạm đối với đơn vị thi công và BQL RPH Long Thành”, ông Nguyễn Hữu Lộc nói.
Theo báo Thanh niên