Đồng Nai: Dân khốn khổ vì bị voi rừng nghịch phá nhà cửa, cây trồng
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 02:30, 27/03/2019
Dân khốn khổ vì bị voi rừng nghịch phá.
Thời gian gần đây, người dân sinh sống tại các ấp 4, 5, 6, 7 (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết sự việc voi rừng xuất hiện phá hoa màu, cây ăn quả,… khiến họ mất ăn mất ngủ.
Voi rừng còn thường xuyên xuất hiện vào ban đêm, xuống khu sản xuất và khu dân cư, phá hoại hoa màu, xua đuổi và giết hại trâu bò. Nhiều đoạn ống dẫn nước, lán nương đã bị voi phá; tính mạng của người dân bị đe dọa nên dân bản rất hoang mang. Bà con không dám đi làm gần khu vực voi đang sinh sống.
Vụ việc kéo dài nhiều năm qua và dù cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn voi rừng “tiếp cận” nương rẫy dân nhưng vẫn chưa khả quan.
Theo người dân, nhiều năm trở lại đây, do rừng tự nhiên bị thu hẹp nên voi rừng thiếu thức ăn, liên tục tìm về khu rẫy của người dân để tìm kiếm thức ăn. Mỗi lần voi xuất hiện tại khu rẫy của nhà dân là lúc người dân mất ăn mất ngủ vì lo lắng.
“Chúng về kiếm thức ăn nhưng ăn thì ít nghịch phá thì nhiều. Nhiều lúc voi đi ngang rẫy, dẫm nát hết cây cối, quật trái cây rụng đầy gốc. Chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp triệt để giúp bà con chúng tôi vì thế này mãi khổ lắm, làm bao nhiêu bị voi phá hết. Họ lắp hàng rào điện cứ nghĩ giảm được việc voi về phá nhưng nó khôn lắm, nó tìm chỗ nào không có hàng rào điện nó đi vào, chẳng ngăn chặn được”, ông Núi cho biết.
Vừa thu dọn “chiến tích” của voi, bà Mên chia sẻ, gia đình bà trồng cây ăn quả đã hàng chục năm. Nhưng nhiều năm gần đây gia đình bà xuyên phải cử người canh rẫy để đuổi voi mỗi khi voi xuất hiện. Tuy nhiên do voi thường đi theo đàn lại rất hung dữ nên nhiều khi người nhà bà Mên buộc phải bỏ của chạy lấy người. Vì vậy voi lại càng phá phách.
“Mỗi đợt voi về gia đình tôi bị phá mất cả mấy tạ trái cây nhưng chẳng biết bắt đền ai. Trái cây bị nó dẫm nát hoặc vỡ hết không bán được nữa chỉ thu gom để đổ đi. Tưởng tượng mỗi đàn voi có từ 5 – 6 con rất lớn nó đi đến đâu thì nơi đó bị tàn phá đến mức rất thảm. Ngày xưa voi còn quật chết cả người nên chúng tôi giờ chỉ dám đốt lửa hoặc khua kẻng để đuổi nó đi, không ai dám đến gần”, bà Mên cho biết.
Chuối non bị voi quật ngã.
Trong khi đó, anh Kiều Mạnh Vinh, người dân địa phương cho biết, voi thường xuất hiện từ chiều tối hôm trước đến sáng ngày hôm sau rồi kéo nhau “đi trốn”. Vì vậy, vào đợt voi về, khoảng 17h chiều là người đi rẫy phải thu dọn đồ đạc để về. Đồng thời, những thanh niên trai tráng lại bắt đầu vào rẫy để đuổi voi.
“Khi phát hiện voi thì chúng tôi sẽ hô hào những người ở lán xung quanh lại hỗ trợ cùng đuổi voi hoặc nhờ đội phản ứng nhanh tại địa phương giúp sức. Nếu muốn đuổi voi thì phải đốt lửa, soi đèn hoặc dùng khí đá để voi sợ rồi bỏ đi. Tuy nhiên, khi đói voi lại về rẫy kiếm thức ăn”, anh Vinh nói.
Nhà dân cũng bị voi rừng “ghé thăm”
Về việc này, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, Phạm Thị Hương xác nhận, voi rừng thường xuyên xuất hiện tại một số khu vực ấp 4, ấp 5, ấp 6, ấp 7 và phá hoại rất nhiều tài sản. Tần suất xuất hiện của voi ngày càng nhiều và voi về chủ yếu phá vườn xoài, chuối, dừa, điều và những căn chòi, hàng rào của người dân.
Ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai cho biết, huyện đang thống kê những thiệt hại để làm báo cáo đề xuất gửi UBND tỉnh Đồng Nai nhằm đưa ra các phương án ngăn chặn, đồng thời đề nghị mức hỗ trợ để người dân có khắc phục được hậu quả đã xảy ra.
Về giải pháp lâu dài, ông Tài cũng cho biết, huyện đang kiến nghị UBND tỉnh và tổng cục Lâm nghiệp xây dựng thêm 20km hàng rào điện để đàn voi không vào phá rẫy. Đồng thời, triển khai xây dựng dự án hệ thống rừng kiểu mẫu để tạo ra cuộc sống hài hòa giữa người và voi. Mục đích dự án là vừa bảo vệ đàn voi rừng vừa tận dụng được nguồn lao động tại địa phương, thu hút du lịch khám phá động vật hoang dã.
Ngoài ra, để hạn chế việc đàn voi về khu dân cư, phá rẫy của dân, hiện khu Bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai cũng đang xây dựng đề án cung cấp nguồn nước khoáng và thức ăn đầy đủ trong mùa khô cho động vật rừng để không xảy ra tình trạng voi đi ra khỏi rừng tìm thức ăn, nước uống.
Linh Trang (t/h)