Phải làm gì khi Cát tặc ‘xâu xé’ vùng biển Cần Giờ

Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 09:36, 17/05/2019

Moitruong.net.vn – Vùng sông rạch, cửa biển ở Cần Giờ là mỏ cát, cũng vì thế trở thành nơi “xâu xé” của cát tặc nhiều năm qua. Cần làm gì để chấm dứt tình trạng này?

Hút cát quy mô, bất chấp thủ đoạn của cát tặc từ cửa sông đến đáy biển Cần Giờ đã khiến nhiều khúc sông trở nên tan hoang vì sạt lở, ngư dân lao đao vì tai nạn bất ngờ, nguồn lợi hải sản không còn…

Nông dân mất đất, ngư dân mất cá

Từ đường Rừng Sác quẹo vào đường Bà Xán hướng về UBND xã Tam Thôn Hiệp, vừa qua cầu Tắc Tây Đen bờ sông Lòng Tàu giờ trở nên nham nhở; bần, mắm, dừa nước nhô ra xa lòng sông, những doi đất bị sạt lở đến sát bờ…

Bà Trần Thị Xinh, sống lâu năm ở đây, cho biết: “Trước đây phía ngoài bờ kè là đất bồi; bần, mắm mọc um tùm mở rộng ra phía sông khoảng 60m, nay thì không còn gì. Ban đêm nhiều ghe tàu tụ tập hút cát ầm ầm không ngủ được”.

Chỉ tay về hai bụi dừa nước bị “hụp” xuống sông chỉ còn lú đọt trên mặt nước, bà Xinh nói sạt lở vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cha xứ nhà thờ thánh Giuse Tam Thôn Hiệp Hoàng Văn Hinh thì nói nhìn cảnh từng mảng đất của nhà thờ bị sạt xuống sông Lòng Tàu rất đau lòng nhưng không làm gì được.

Diện tích nhà thờ trước đây hơn 11.000m2 nhưng hiện tại chỉ còn 9.000m2, nhiều hàng quán dọc bờ sông cũng không còn nữa.

Ai có tiền xây kè kiên cố thì giữ lại được đất, còn không phải chịu “hà bá” ăn dần. Theo cha Hinh, nạn hút cát trộm đã làm đất mất chân, thay đổi dòng chảy tạo ra tình trạng sạt lở.

Trên sông cát tặc gây sạt lở khiến dân mất đất, còn trên biển thì vừa làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản vừa gây nguy hiểm đến tính mạng cho ngư dân.

Bà Lê Thị Ánh (quê Tiền Giang), đóng đáy tại khu vực biển Cồn Ngựa, huyện Cần Giờ, cho hay trước đây khu vực biển Cồn Ngựa cá tôm hà rầm, giờ tôm cá đi hết vì chịu không nổi với tàu hút cát sục biển ngày đêm.

Việc hút cát còn khiến nhiều người bị sập giàn đáy nhiều lần chán nản bỏ nghề. “Những người đóng đáy cứ nhờ tui làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng nhưng tui không biết gửi tới đâu” – bà Ánh kể.

Gặp chúng tôi trên vùng biển Cồn Ngựa, chị Tô Ngọc Tuyền (quê Tiền Giang) bức xúc khi giàn đáy của chị bị sà lan hút cát đâm sập cách đây vài ngày. Chị phải tốn gần 200 triệu đồng sửa chữa lại.

“Cũng may mới thu hoạch xong đang phơi lưới, không có người ở lại trên đáy chứ không thì chết. Ghe hút trộm cát ban đêm thường tắt đèn để chạy nên rất dễ gây tai nạn” – chị Huyền bức xúc.

Ông Nguyễn Bá Trường – chủ tịch UBND xã Long Hòa – cho biết chuyện cát tặc ở địa phương rất nhức nhối, xã phải lập 4 tổ tàu thuyền tự quản, khi gặp cát tặc sẽ thông báo về xã hoặc đồn biên phòng gần nhất để vây bắt.

Ngoài ra, các thành viên còn tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng ra khơi, mật phục bằng ghe ngư dân để tránh bị theo dõi, cảnh giới. Thế nhưng ruộng vuờn, lưới đáy của dân vẫn trôi sạt theo những vòi hút cát hung hãn của cát tặc.

Cát tặc diễn ra trong nhiều năm nay tại vùng biển Cần Giờ

Phương án kịp thời chống cát tặc

Trước thực trạng cát tặc lộng hành, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp xử lý.

Trong đó, ngoài việc xây dựng nhà giàn trên vùng biển Cần Giờ, ông Nhân yêu cầu sử dụng các thiết bị bay ghi hình vào ban đêm làm cơ sở xử lý cát tặc.

Những chỉ đạo cụ thể này được ông Nhân nêu trong hội nghị thông qua đề án phòng chống tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Cần Giờ mới đây.

Đánh giá việc trang thiết bị hiện đại sẽ giúp công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý cát tặc được hiệu quả hơn, ông Nhân nhấn mạnh: “Nếu trước đây chúng ta quan sát bằng mắt thường, ống nhòm vào ban đêm thì sắp tới cần có camera ghi hình, thậm chí thiết bị bay không người lái ghi hình để làm cơ sở xử lý đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép”.

Trang bị được những thiết bị hiện đại này cùng với việc xây dựng nhà giàn trên vùng biển Cần Giờ được cho không chỉ có “tầm quan sát bao quát”, xử lý tốt hơn vấn nạn cát tặc mà còn kiểm soát tàu bè lưu thông trên vùng biển, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Trong thời gian chờ đợi xây dựng nhà giàn có thể mất nhiều tháng, ông Nhân đề nghị Bộ đội biên phòng TP.HCM tạm thời sử dụng 2 tàu sắt vừa được bàn giao luân phiên lập chốt di động tại vùng biển Cần Giờ, nhằm giám sát nạn khai thác cát trái phép.

Bên cạnh đó, ông Nhân cũng yêu cầu các đơn vị chức năng tập trung giám sát, xử lý từng khâu, từ lúc các ghe còn neo đậu, tập kết đến quá trình lưu thông trên sông, biển và khi khai thác cát trái phép.

Ông Nhân yêu cầu các lực lượng tăng cường kiểm tra các ghe hoán cải, gắn thiết bị khai thác cát.

“Các phương tiện này theo quy định có được phép hay không, điều kiện lưu thông thế nào, tài công có bằng lái hay không. Nếu không có thì xử lý từ đầu, không để chạy ra sông ra biển. Trường hợp đã lưu thông trên sông trên biển mà chưa khai thác cát trái phép cũng phải kiểm tra giấy tờ có hợp lệ hay không để có hướng xử lý” – ông Nhân nhấn mạnh.

Đối với những trường hợp có giấy phép khai thác cát cũng phải kiểm tra chặt chẽ hành trình, phạm vi được hoạt động ở đâu, mức độ thế nào, có sai với giấy phép hay không? Theo ông Nhân, nếu muốn xử lý tốt nạn khai thác cát trái phép thì phải nắm rõ được quy luật hoạt động của các đối tượng liên quan đến cát tặc.

Ông Nhân cũng đề nghị lực lượng biên phòng TP cần phối hợp tốt với lực lượng biên phòng các tỉnh, thành giáp ranh để công tác tuần tra, xử lý khai thác cát trái phép hiệu quả hơn, tránh tình trạng các đối tượng khi bị phát hiện ở địa phương này thì chạy qua địa phương khác trốn.

Đặc biệt ông gợi ý thành lập tổ liên ngành cấp tỉnh, thành nhằm kịp thời thông tin, hỗ trợ lẫn nhau xử lý khai thác cát trái phép, nhất là các điểm tập kết cát trái phép địa bàn giáp ranh với TP.HCM.

Về một số bất cập trong quy định xử phạt hành vi khai thác cát trái phép, ông Nhân yêu cầu UBND TP.HCM cần xây dựng dự thảo những điều cần bổ sung, sửa đổi nghị định 33 năm 2017 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản cho phù hợp với thực tiễn.

Hà Thủy (T/h)

Hà Thủy (T/h)