Các cơ quan báo chí cần có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân bạn đọc

Môi trường xã hội - Ngày đăng : 12:30, 16/03/2024

PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nhận định, tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách.
dien-dan.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội".

Chiều ngày 15/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam - hoạt động được tổ chức song song với Hội Báo toàn quốc 2024 đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: "Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội”.

Phát biểu đề dẫn phiên thảo luận, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thông tin: Vài năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mạng xã hội và gần đây là trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động đến hành vi người dùng internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại.

Theo báo cáo xu hướng báo chí, truyền thông năm 2024 của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (Anh), có 3 xu hướng chính đang tác động đến báo chí truyền thông: Thứ nhất, nhiều loại thiết bị mới ra đời. Thứ hai, các nền tảng số, mạng xã hội chuyên biệt về sáng tạo âm thanh và video phát triển bùng nổ. Thứ ba, làn sóng trí tuệ nhân tạo. Một số tòa soạn gọi sự thay đổi này là “giai đoạn thứ hai” trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược nội dung khác biệt, vượt trội để giữ chân công chúng.

Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, tại Việt Nam, một số cơ quan báo chí đang thúc đẩy chiến lược nội dung đa phương tiện, kết hợp báo chí dữ liệu với khoa học công nghệ và các ý tưởng sáng tạo; một số cơ quan báo chí tập trung vào chiến lược nội dung chuyên sâu vào các thị trường ngách.

bao-chi.jpg
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu đề dẫn phiên thảo luận.

Ông Kah Whye Lee, Giám đốc khu vực châu Á, Hiệp hội Báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA) cũng cho biết, hiện nay, số lượng tòa soạn có quá trình chuyển đổi số sâu đang có xu hướng tăng. Về đầu tư liên quan đến kỹ thuật, hiện các tòa soạn tập trung chính vào việc ứng dụng AI; đồng thời phát triển phân tích dữ liệu và thông tin chuyên sâu...

PGS.TS Trần Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc ứng dụng khoa học dữ liệu để phát triển nội dung báo chí vượt trội là xu hướng tất yếu hiện nay. Theo ông Diệu, nếu như trước đây, dữ liệu chỉ tham gia một phần vào các tuyến bài thì hiện nay, công nghệ đã khiến dữ liệu hiện diện như một thể loại báo chí mới mẻ.

Đồng quan điểm, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm MDI nhận định, báo chí đang trải qua quá trình biến đổi sâu sắc do sự tiến bộ của công nghệ số, báo chí dữ liệu là một xu hướng tất yếu.

“Báo chí dữ liệu là một lĩnh vực mới mẻ, kết hợp kiến thức từ nhiều lĩnh vực khác nhau, như khoa học xã hội, khoa học dữ liệu, khoa học máy tính, phân tích dữ liệu, thiết kế thông tin và kể chuyện. Về mặt đóng góp của báo chí dữ liệu đối với xã hội, nhiều người cho rằng nó làm cho một câu chuyện đáng tin cậy hơn và giúp độc giả hiểu được những gì họ đang đọc”, bà Thùy nhấn mạnh.

bao-chi-1.jpg
Các diễn giả chia sẻ tại phần thảo luận, hỏi đáp về báo chí dữ liệu.

Dẫn chứng nhiều thí dụ để khẳng định tính hiệu quả vượt trội của báo chí dữ liệu, Thạc sĩ Trần Lệ Thùy cho rằng, các toà soạn báo chí Việt Nam nên quan tâm đến phát triển báo chí dữ liệu, trở thành nghiệp vụ không thể thiếu của nhà báo. Nghiệp vụ dữ liệu đi cùng với kỹ năng sản xuất tác phẩm báo chí có thể bảo đảm tính công bằng, chính xác, cân bằng trong tác phẩm báo chí, xây dựng lòng tin đối với độc giả. Đây là một chiến lược quan trọng trong xây dựng nội dung vượt trội.

Song theo các chuyên gia, việc phát triển báo chí dữ liệu tại Việt Nam còn nhiều thách thức như: thiếu nguồn lực tài chính, áp lực về thời gian, thiếu kiến thức về phân tích dữ liệu hoặc trực quan hoá...

Dựa trên các nghiên cứu cụ thể, PGS.TS Trần Quang Diệu cho biết, hiện tại các cơ quan báo chí mới chỉ dừng ở mức tương đối độc lập, chưa có sự liên kết và chia sẻ. Ông Diệu cho rằng, cần xây dựng một hệ sinh thái báo chí mà ở đó các cơ quan báo chí có thể cùng chia sẻ dữ liệu, tạo thành một kho dữ liệu chung. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự hướng dẫn, định hướng cụ thể. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo báo chí truyền thông cũng cần thay đổi chương trình đào tạo để đáp ứng với nhu cầu thực tế hiện nay.

Trước đó, phát biểu tại phiên toàn thể khai mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh, công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là đối với lĩnh vực báo chí, truyền thông và tạo ra sự thay đổi căn bản của lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vài năm trở lại đây, công nghệ số lấy đi một số việc cũ nhưng cũng tạo ra những việc mới. Vậy là báo chí phải làm những việc mới. Đổi mới báo chí nằm ở chỗ báo chí phải làm hơn những gì mình đang làm. Báo chí cần một không gian rộng hơn là “ai, cái gì, khi nào và ở đâu”, tức là rộng hơn việc đưa tin.

“Báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.

Minh Khuê