Rác thải sinh hoạt: Nguồn tài nguyên còn bỏ ngỏ
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 11:30, 06/06/2019
Trong đó, để thu gom, xử lý số rác thải này sẽ phải tiêu tốn đến hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Những con số trên không chỉ phản ánh một nguồn tài nguyên thứ cấp đang bị bỏ ngỏ lãng phí, vì 70% lượng rác thải có thể tái chế và tạo ra nguồn năng lượng mới. Với những ứng dụng công nghệ hiện đại, phần lớn chất thải rắn (CTR) có khả năng tái sinh, tái chế như ni lông, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su…; các chất thải hữu cơ có thể tiến hành tận thu để sản xuất phân compost có giá trị hàng tỷ đồng.
Mặt khác, việc sử dụng các nguồn nguyên liệu, năng lượng tái chế, tái tạo từ rác thải sẽ giúp chúng ta bảo tồn, giảm tốc độ khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn đang cạn kiệt, đồng thời tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ chi phí chôn lấp rác.
Một bãi thu gom rác thải nhựa để tái chế tại Lào Cai. Ảnh: TTXVN
Thực tế, môi trường nước ta đang chịu “tác động kép” về ô nhiễm khi hằng ngày có khoảng 120.000 tấn rác được đưa về các khu xử lý rác, nhưng phương pháp chủ yếu lại là chôn lấp hoặc đốt. Các nhà khoa học cảnh báo Việt Nam nằm trong top 11 các quốc gia ô nhiễm không khí nhất thế giới. Một trong những nguyên nhân hàng đầu là tình trạng khó kiểm soát tác động tiêu cực của rác thải, gây ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí… ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Nhiều năm qua, các nước phát triển đã xác định giải pháp tối ưu nhất để bảo vệ môi trường là biến rác thải thành một nguồn tài nguyên. Tất nhiên, nguồn tài nguyên này chỉ được khai thác hiệu quả khi rác được phân loại tại nguồn.
Trước khi thành phố Hồ Chí Minh ban hành quy định người dân phải phân loại rác tại nguồn (hữu cơ, tái chế, rác thải còn lại) và chuyển giao đúng nhóm, việc phân loại CTR tại nguồn đã được nhiều địa phương quan tâm triển khai từ sớm. Điển hình như Dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ thực hiện tại Hà Nội từ năm 2006… Thế nhưng hiệu quả lại không được như mong đợi. Thời điểm thực hiện thí điểm kết quả khả quan, nhưng đến khi triển khai ra diện rộng thì mọi chuyện lại “đâu vào đấy”.
Rào cản chính vẫn là sự thiếu ý thức nghiêm trọng và thờ ơ của người dân. Nhiều người cho rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Một số người lại cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, của các cấp chính quyền. Trong khi số khác lại nghĩ rằng môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì cũng “chẳng ăn thua”…
Chính những suy nghĩ này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục cũng như tư duy bảo vệ môi trường. Nếu ngay từ bây giờ, mỗi người không thay đổi thói quen sinh hoạt, thế hệ mai sau phải gánh chịu những thảm họa khôn lường do rác thải gây ra. Do vậy, ngoài việc nâng cao ý thức người dân trong việc phân loại xử lý rác thải tại nguồn là yếu tố quyết định, cần một hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ về pháp lý, hạ tầng kỹ thuật, truyền thông…
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định liên quan đến chức năng quản lý Nhà nước về CTR. Đây là một bước tiến mới về khung pháp lý, trên hành trình điều chỉnh và từng bước hiện thực hóa việc xử lý rác thải, biến mối họa thành tài nguyên và góp phần cải thiện môi trường.
Trong khi chờ đợi các động thái mạnh tầm vĩ mô, ở tầm vi mô, mỗi người đều có thể chung tay và góp sức đắc lực với cuộc chiến bảo vệ môi trường. Đơn giản là thu gom và phân loại rác thải tại nguồn, ưu tiên sử dụng các vật liệu có thể tái sử dụng, tái chế hoặc các chất liệu thân thiện với môi trường.
Thanh Thảo (T/h)