Diễn đàn Báo chí Việt Nam, sôi nổi phiên thảo luận với chủ đề: “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”
Tin tức - Sự kiện - Ngày đăng : 18:26, 16/03/2024
Ngày 16/3, trong khuôn khổ Diễn đàn Báo chí Việt Nam đã diễn ra phiên thảo luận với chủ đề: “Đa dạng nguồn thu các cơ quan báo chí”.
Người làm kinh tế báo chí phải có kiến thức về thương mại điện tử
Phát biểu đề dẫn và định hướng thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm nhận định, cơ hội lẫn thách thức về nguồn thu báo chí hiện có nhiều khác biệt so với trước đây. Theo thống kê của Bộ TT&TT, nguồn thu của các cơ quan báo chí trải theo phổ rất rộng từ 200-300 triệu cho đến mức 4-5 nghìn tỷ đồng.
“Các cơ quan báo chí khác nhau sẽ có những kỳ vọng khác nhau về nguồn thu. Nhưng chỉ còn đâu đó 2 cơ quan báo chí có nguồn thu ở mức nghìn tỷ. Có thể thấy chưa bao giờ nguồn thu bị tác động mạnh như bây giờ. Xu hướng quảng cáo hiện đi sang không gian số, phương thức bán hàng thương mại điện tử phá vỡ cấu trúc thương mại truyền thống, hiện có rất nhiều cách khác để bán hàng không nhất thiết phải đi qua cơ quan báo chí. Các doanh nghiệp đã và đang tìm những phương thức hiệu quả hơn để quảng cáo. Các thương hiệu quan tâm rất nhiều về chi phí thực để chuyển đổi ra một khách hàng, tạo được đơn hàng ở mức thấp nhất. Chúng ta chưa thể nào thích ứng kịp, cũng không thể có cơ chế mạng xã hội, làm thế nào chúng ta theo thế đó”, ông Nguyễn Thanh Lâm phân tích.
Cùng với đó, hiện nay không gian mạng đã dần làm mất đi hành vi trả tiền để mua báo, để đọc được nội dung. Thứ trưởng Bộ TT&TT gợi mở mô hình độc giả trả tiền để không phải xem quảng cáo. Đây sẽ là thị trường ngách cho phân khúc khách hàng có nhu cầu cao trong việc trải nghiệm xem nội dung.
Với lượng độc giả, thuê bao nhất định, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng các cơ quan báo chí có thể tận dụng nguồn tài nguyên này để bản thân trở thành những kênh tham gia liên kết, phân phối những dịch vụ khác không xung đột với hoạt động báo chí.
“Chúng ta có thể kết hợp với doanh nghiệp để đưa sản phẩm đến với người xem báo. Vậy sẽ đòi hỏi người làm kinh tế báo chí hiện tại không chỉ làm nội dung mà còn phải có kiến thức về thương mại điện tử, về quảng cáo, về xu thế nguồn thu, dòng tiền đi trên không gian mạng…”, lãnh đạo Bộ TT&TT nêu.
Phải nâng mình để đón được nguồn thu đặt hàng của Nhà nước
Song song đó, ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, bên cạnh việc quản lý xã hội, tham gia định hướng cơ quan báo chí truyền thông chủ lực, đưa thông tin chính thống đến xã hội để tạo ra sự đồng thuận, Nhà nước cũng có thể trở thành một khách hàng lớn của báo chí.
“Đây là một khách hàng rất khó tính nhưng nhiều nguồn lực trong việc đặt hàng một số nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, đặc biệt là truyền thông chính sách. Cách đây đúng một năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 về tăng cường công tác truyền thông chính sách, cho thấy có sự chuyển biến rất rõ về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong truyền thông chính sách”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo đó, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, cần có đội ngũ, nhân lực và nguồn lực để làm truyền thông chính sách, trong đó một phần nguồn lực dùng để đặt hàng báo chí là một hướng rất khả quan.
Ông Nguyễn Thanh Lâm đồng thời chỉ ra báo chí không phải là cơ quan duy nhất nhận được sự quan tâm đó vì phương thức truyền thông chính sách hiện nay vô cùng đa dạng là các cổng thông tin, loa đài phường xã, mạng xã hội… “chưa biết được phương thức nào sẽ ưu việt hơn phương thức nào”. Từ đó, báo chí phải nâng mình lên để đón được nguồn thu đặt hàng của Nhà nước.
Cùng với đó, ông Lâm cho biết hiện thể chế Nhà nước đã đầy đủ để xử lý vi phạm quảng cáo trong không gian mạng. Qua đó điều tiết các luồng quảng cáo trên không gian mạng về các kênh chính thống, trong đó có báo chí.
Tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội
Mở đầu phiên thảo luận, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông chỉ ra, những năm hậu đại dịch, 78% cơ quan báo chí có doanh thu hầu như không đổi hoặc tăng nhẹ từ 10-30%; 16,9% cơ quan báo chí vẫn ghi nhận doanh thu giảm; 71,1% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo in giữ ổn định hoặc giảm; 74,6% cơ quan báo chí có doanh thu từ quảng cáo trên báo điện tử giữ ổn định hoặc tăng.
“Tương tự với xu hướng nguồn thu của báo chí thế giới, doanh thu từ phát hành báo in và quảng cáo trên báo in của các cơ quan báo chí nước ta vẫn là 2 nguồn thu chính nhưng đều đang có xu hướng giảm”, ông Đồng nêu.
Ngân sách Nhà nước, cơ quan chủ quản cho báo chí không nằm ngoài xu hướng đó do yêu cầu tự chủ đối với cơ quan báo chí là đơn vị Nhà nước. Trong khi đó, doanh thu từ đặt hàng truyền thông chính sách chiếm trên 15% tổng doanh thu, dần thay thế nguồn thu từ ngân sách Nhà nước, cơ quan chủ quản.
Đối với việc triển khai thu phí độc giả, theo ông Đồng, các cơ quan báo chí vẫn gặp phải không ít khó khăn vì việc ứng dụng dữ liệu để hiểu và phục vụ nhu cầu độc giả chưa phổ biến.
Đưa ra khuyến nghị để phát triển kinh tế báo chí, về ngắn hạn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng cần miễn, giảm thuế giá trị gia tăng với toàn bộ sản phẩm báo chí; đơn giản hoá thủ tục hành chính với các gói truyền thông chính sách; tạo thuận lợi trong thực hiện nghĩa vụ kiểm soát tương tác người dùng khi báo chí hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội…
Về dài hạn, cần đẩy mạnh xã hội hoá để tăng đầu tư cho năng lực công nghệ, kinh doanh cho các cơ quan báo chí; hỗ trợ các cơ quan báo chí tăng cường hiện diện và hợp tác kinh doanh với nền tảng mạng xã hội qua vai trò “cầu nối” của Bộ TT&TT, các Hiệp hội; tập trung ngân sách cho một số có quan báo chí cốt lõi để xây dựng nhóm đơn vị truyền thông chủ lực…
"Phải tạo ra sản phẩm tốt rồi mới nghĩ đến chuyện bán ở đâu, cho ai"
Được xem là điểm sáng trong việc đa dạng nguồn thu báo chí trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, Đài PTTH Vĩnh Long có doanh thu đến 1.500 tỷ đồng/năm.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long cho biết hiện hoạt động quảng cáo chiếm khoảng 85% - 90% trong tổng nguồn thu của Đài. Cùng với đó là nguồn thu từ quảng cáo trên phát thanh bằng việc thực hiện nhiều chương trình trực tiếp và livestream…
"Trên sóng truyền hình, từ năm 2014, Đài PTTH Vĩnh Long bắt đầu thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình. Trung bình mỗi năm, Đài liên kết sản xuất 40- 50 chương trình truyền hình thực tế, gameshow đến phim ngắn, phim thiếu nhi và chương trình khoa giáo… đã huy động được các nguồn lực xã hội để đầu tư vào sản xuất chương trình, góp phần thu hút tài trợ và quảng cáo", ông Tuấn cho biết.
Song song đó, Đài PTTH Vĩnh Long đã từng bước mở rộng phân phối nội dung đa nền tảng, đa phương tiện như ứng dụng nghe phát thanh miễn phí trên internet THVLaudio, 48 kênh YouTube, 23 Fanpage Facebook, 4 kênh Tiktok… thu hút thêm độc giả, góp phần mang về nguồn thu mới cho Đài.
Hoạt động tuyên truyền, chủ yếu hỗ trợ làm phim tư liệu cho các sở, ngành trong tỉnh và các video clip giới thiệu doanh nghiệp cũng góp phần tạo nên nguồn thu cho cơ quan này.
Bên cạnh thuận lợi, ông Lê Thanh Tuấn cũng chỉ ra không ít khó khăn, thách thức Đài PTTH Vĩnh Long đối diện trong việc khai thác nguồn thu tại đơn vị như: áp lực giữ chân khán giả, áp lực về nguồn thu, áp lực về cạnh tranh thông tin… Cùng với đó là ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới lẫn trong nước đang suy thoái khiến nguồn thu quảng cáo tiếp tục sụt giảm mạnh.
"Việc sản xuất chương trình vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống, chậm chuyển đổi; nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn yếu; các nền tảng số đang khai thác doanh thu đều đến từ nước ngoài nên sự đầu tư lâu dài cũng không thể chắc chắn; báo chí hiện vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (20%)", Giám đốc Đài PTTH Vĩnh Long chỉ ra hàng loạt khó khăn.
Từ những thuận lợi và thách thức trên, trong thời gian tới, Đài PTTH Vĩnh Long tiếp tục tập trung sản xuất chương trình hướng đến công chúng. Đồng thời đẩy mạnh nguồn thu từ sản xuất nội dung số thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị, cập nhật các hình thức quảng cáo mới, thu phí người dùng, nghiên cứu vận dụng hiệu quả các quy định mới liên quan đến hoạt động báo chí trên môi trường số, vấn đề bản quyền…
Theo ông Tuấn, người làm báo trước tiên phải tạo ra sản phẩm chất lượng, "rồi mới nghĩ đến chuyện bán ở đâu, cho ai".
"Ngoài ra, chúng tôi cũng xin kiến nghị một số nội dung như: không khống chế thời lượng quảng cáo trong các chương trình giải trí; cho phép thu phí người dùng qua hình thức trả phí thuê bao hoặc phí nội dung trên hạ tầng OTT; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí hoặc có chính sách miễn, giảm linh hoạt từng năm tùy theo sự biến động của nền kinh tế... Báo chí phải vừa làm nhiệm vụ chính trị nhưng cũng vừa làm nhiệm vụ kinh tế, muốn làm nhiệm vụ chính trị tốt phải có nguồn thu", lãnh đạo Đài PTTH Vĩnh Long trình bày.
Các cơ quan báo chí cần trở thành đối tác hỗ trợ lẫn nhau
Tại phần thảo luận, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng biên tập Báo Giao thông bày tỏ quan điểm “nguyên tắc trụ lại trong giai đoạn này là làm tốt nhất về nội dung, tất cả khối dịch vụ sở trường, thế mạnh cần được mở rộng”. “Một dạng đa dạng nguồn thu khác đó là hội thảo và toạ đàm, chúng tôi cũng đã đấu thầu quốc tế để tổ chức được các hội thảo quốc tế. Tận dụng dữ liệu để làm thêm báo nói, cầu truyền hình…”, bà Nga chia sẻ.
Là đơn vị tự chủ tài chính suốt nhiều năm qua, ông Trần Xuân Toàn, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ cho biết, cơ quan này luôn tìm cách để đa dạng nguồn thu.
“Mỗi tháng chúng tôi phải có 14 tỷ đồng để trả lương cho nhân viên, chưa kể các khoản đầu tư về công nghệ. Vậy tiền đó ở đâu? Nguồn thu chia ra nhóm 1 là khách hàng mua bán đọc báo hàng ngày, nhóm khách hàng thứ 2 là doanh nghiệp mua quảng cáo trên các nền tảng, nhóm thứ 3 là cơ quan Nhà nước. Cần chia ra để có các bước chăm sóc, quan tâm”, ông Toàn nêu.
Nếu trước dịch Covid-19, nguồn thu từ báo in của cơ quan này chiếm 75%, thì hiện tỉ trọng đã đảo ngược lại với 75% đến từ nền tảng số, mạng xã hội. “Từ đó buộc chúng tôi phải đầu tư mạnh mẽ hơn vào công nghệ. Song khó khăn lớn nhất là thói quen của đội ngũ khi tư duy đề tài, cách làm… cần có cuộc cách mạng để thay đổi thói quen của người làm báo”, Phó Tổng biên tập báo Tuổi trẻ nhấn mạnh.
Chia sẻ câu chuyện ở báo Người Lao động, Tổng Biên tập Tô Đình Tuân cho biết, khi đứng giữa khó khăn vào hơn 5 năm trước, cả toà soạn này cùng hợp lực bước vào “cuộc chiến” vực lại kinh tế cho báo với kim chỉ nam là “nhanh – hay - chính xác - trách nhiệm - nhân văn”. Yêu cầu đặt ra với mỗi phóng viên phải nỗ lực hết mình, mang đến giá trị cho cơ quan công tác.
“Nhanh, hay, chính xác chắc hẳn nhiều tờ báo làm được, nhưng trách nhiệm và nhân văn đã giúp chúng tôi tạo ra uy tín và nhận được tình cảm từ xã hội. Chúng tôi luôn làm một cách nhân văn, tử tế, có giá trị trong bối cảnh các kênh mạng xã hội nhiễu thông tin. Cùng với đó đẩy mạnh hoạt động vì cộng đồng, đặc biệt trong dịch Covid-19 như từ thiện, lập ATM gạo ngay trước cơ quan… bạn đọc ngày càng gần gũi và đặt mua báo, doanh nghiệp cũng chung tay đồng hành”, ông Tuân chia sẻ.
Cùng với đó, khi tổ chức giải thưởng Mai Vàng, trước đây báo Người Lao động phải thuê các đơn vị ngoài tổ chức với nguồn kinh phí lớn. "Nhưng khoảng 4 năm trở lại đây, chúng tôi đã huy động lực lượng tự tổ chức, dù nhiều khó khăn nhưng phóng viên vừa làm vừa học, lại tiết giảm được rất nhiều chi phí", Tổng Biên tập báo Người Lao động nói.
Một điểm sáng khác tại toà soạn này khi Cổng thu phí đọc báo điện tử Người Lao Động với tên gọi "Dành cho bạn đọc VIP" chính thức ra mắt vào cuối năm 2022, hiện đã có hơn 30 nghìn tài khoản đăng ký.
"Số lượng này chưa phải quá nhiều, doanh thu cũng chưa cao, nhưng đã góp phần nâng tầm giá trị cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, cất lên tiếng nói để thay đổi thói quen của người đọc báo, xem trọng giá trị của bài báo hơn. Đây không phải là chặng đường trong 1-2 năm, mà con đường này phải 5-10 năm, nhưng quan trọng là chúng ta dám làm. Thay vì là đối thủ cạnh tranh, các cơ quan báo chí cần trở thành đối tác hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh khó khăn hiện nay, 'muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau", nhà báo Tô Đình Tuân bày tỏ.
Phát biểu kết luận phiên, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, vấn đề quan trọng trong quản trị bộ máy thu chi là cân đối dòng tiền giữa thu và chi. Có những khoản chi hiện nay không cần thiết đối với các cơ quan báo chí, công nghệ sẽ cho chúng ta lựa chọn để tiết kiệm hơn, tối ưu hơn.
"Chúng ta bàn nhiều về đa dạng hoá nguồn thu trong bối cảnh hiện tại, thì không thể nào cứ làm báo theo cách cũ, chúng ta phải thay đổi. Cơ hội tăng nguồn thu không đến với tất cả mọi người, mà chỉ đến với các bộ óc đã chuẩn bị, các cơ quan đã sẵn sàng và tự tìm đường, lối ra cho mình", ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.