Gần 4.000 hộ dân tại Cà Mau đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 08:30, 19/03/2024

Với hơn 130 kênh rạch vùng ngọt hóa khô cạn, hơn 10km đường giao thông bị sụt lún và hư hỏng nghiêm trọng, và gần 4.000 hộ dân tại Cà Mau đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.

Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù các địa phương đã dự tính trước các kịch bản, chủ động ứng phó, nhưng những thiệt hại cũng xã xảy ra. Tại Cà Mau hệ thống kênh rạch vùng ngọt hóa cạn trơ đáy. Điều này dẫn đến tình trạng sụt lún, khát nước sinh hoạt diễn ra trên diện rộng, tác động tiêu cực đến đời sống nhân dân.

Với hơn 130 kênh rạch vùng ngọt hóa khô cạn, hơn 10km đường giao thông bị sụt lún và hư hỏng nghiêm trọng, và gần 4.000 hộ dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch.

Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết tính đến ngày 8/3, toàn tỉnh Cà Mau có hơn 3.742 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt. Trong đó, tập trung rải rác ở các huyện như: U Minh là 674 hộ, Trần Văn Thời là 537 hộ, Thới Bình là 453 hộ, Phú Tân là 979 hộ, Ngọc Hiển là 470 hộ, Cái Nước với 182 hộ và TP.Cà Mau là 226 hộ.

han-man.jpg
Gần 4.000 hộ dân tại Cà Mau đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay được chia thành 4 nhóm. Trong đó, nhóm 1 là những trường hợp sinh sống nơi dân cư thưa thớt, phân tán với 1.344 hộ; nhóm 2 là những trường hợp sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng với 977 hộ; nhóm 3 là những trường hợp sinh sống ở khu vực có hệ thống nước nối mạng nhưng đã bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt với 1.593 hộ và nhóm 4 là những trường hợp sinh sống ở nơi có dân cư tập trung nhưng chưa có công trình cấp nước với 849 hộ.

Trước tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đã đưa ra giải pháp cấp nước khẩn cấp nhằm đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt phục vụ người dân. Cụ thể, đối với những trường hợp ở nhóm 1, trước mắt, sẽ cấp phát 1 bồn nhựa loại 1.000 lít để trữ nước cho những trường hợp đặc biệt khó khăn, không có dụng cụ chứa nước. Nhóm này có 758 hộ đủ điều kiện được hỗ trợ với kinh phí khoảng 1,6 tỉ đồng.

Đối với những hộ còn lại, ngành chức năng địa phương cần thiết lập 46 điểm cấp nước tập trung cho người dân sử dụng tại các xã Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Bình Tây, Khánh Bình Đông và Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời); xã Biển Bạch (huyện Thới Bình); các xã Việt Thắng, Việt Khái (huyện Phú Tân); Đất Mới, Lâm Hải (huyện Phú Tân) và xã Trần Thới (huyện Cái Nước). Kinh phí ước tính khoảng 2,3 tỉ đồng.

Đối với những trường hợp thuộc nhóm 2, giải pháp được ngành nông nghiệp địa phương đưa ra là mở rộng hệ thống đường ống cấp nước cho nhóm dân cư sinh sống gần công trình cấp nước tập trung nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng.

Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, qua khảo sát, rà soát thực tế, khả năng về điều kiện, quy mô, công suất để mở rộng, kéo dài hệ thống đường ống tại 6 công trình cấp nước tập trung với tổng chiều dài là 83,5km, kinh phí thực hiện khoảng 35,3 tỉ đồng.

Riêng nhóm 3 và 4, về giải pháp trước mắt, do các hệ thống nước nối mạng bị xuống cấp, nhu cầu sử dụng nước của người dân trong mùa khô tăng cao nên không đủ nước cung cấp khi sử dụng đồng loạt. Nếu nâng cấp, cải tạo, sửa chữa để đảm bảo cung cấp nước đầy đủ thì cần phải có thời gian dài và nguồn kinh phí thực hiện khá lớn. Vì vậy, trong thời gian này, Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đề nghị đơn vị cấp nước chủ động cấp nước luân phiên (cấp theo tuyến, theo giờ) để đảm bảo cho người dân có nước sử dụng.

Giải pháp lâu dài, khi được bố trí nguồn vốn phù hợp, cơ quan chuyên môn sẽ tiến hành thực hiện nâng cấp, sửa chữa, đấu nối hòa mạng và xây dựng mới… để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các công trình.

Minh Lan