Thanh Hóa: Bứt phá vững chắc trên hành trình xây dựng nông thôn mới

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 09:30, 19/03/2024

Tỉnh Thanh Hóa đã, đang có những bước đi vững chắc và tràn đầy hi vọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM); điều này không chỉ được bảo chứng qua những con số thống kê đầy hứng khởi, mà còn hiện hữu trên từng làng quê với sự “thay da đổi thịt”, cùng chất lượng sống của người dân không ngừng được nâng cao...

Hái “trái ngọt” từ xây dựng nông thôn mới

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, năm 2023, Thanh Hóa có thêm 17 xã về đích NTM, 8 xã NTM nâng cao, 33 xã NTM kiểu mẫu, đạt và vượt kế hoạch, do nhiều xã ở huyện đồng bằng, ven biển về đích ngoài kế hoạch.

Các địa phương thực hiện hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững; tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2022 đạt 3,62%. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 97%. Thanh Hóa đã thu hút thêm nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua, chế biến, nâng tổng số DN thu mua chế biến gạo trên địa bàn tỉnh lên 7 DN, tổng công suất 180.000 tấn; 25 DN thu mua, chế biến rau quả.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung. Việc củng cố, phát triển hợp tác xã được địa phương quan tâm, thực hiện hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 749 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, trong đó 523 hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có tham gia liên kết bền vững, chiếm 69,8%.

anh-7.jpg
Sản xuất rau sạch, an toàn, đã, đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Thanh Hóa

Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên, địa phương có điều kiện huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng NTM. Cùng với nguồn vốn Trung ương, nguồn vốn tỉnh hỗ trợ xây dựng NTM, nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn lực khác, các địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp hơn 2.779 km đường giao thông nông thôn, 933 km kênh mương và rãnh thoát nước, 229 công trình thủy lợi.

anh-8.jpg
Nhờ xây dựng NTM mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa như khoác lên mình bộ áo mới, khang trang, sạch sẽ và đáng sống. 

Cùng với đó, 2.677 phòng học, 1.269 km đường điện, 331 trạm biến áp, 75 trung tâm văn hóa - thể thao xã, 731 nhà văn hóa thôn, 66 chợ nông thôn, 78 trạm y tế, 38 công sở xã, 59 công trình cấp nước sinh hoạt, 18 bãi chứa rác thải tập trung, xử lý ô nhiễm môi trường và 130 nghĩa trang theo quy hoạch cũng được xây dựng mới. Nhân dân các vùng quê trong tỉnh cũng huy động nguồn lực để chỉnh trang, xây mới trên 46.000 nhà ở dân cư theo tiêu chí NTM…

Phấn đầu năm 2024 có thêm 1 huyện, 17 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới

Mục tiêu phấn đấu năm 2024, toàn tỉnh Thanh Hóa phấn đấu: Có thêm 1 huyện, 17 xã và 60 thôn/bản miền núi đạt chuẩn NTM; 2 huyện và 19 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10 xã và 30 thôn/bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 120 sản phẩm OCOP được cấp có thẩm quyền công nhận.

Dự kiến nguồn vốn thực hiện Chương trình năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2024 là 7.507,44 tỷ đồng (trong đó ngân sách Nhà nước trực tiếp cho chương trình là 4.899,644 tỷ đồng, chiếm 65,26%; vốn huy động từ cộng đồng dân cư (bao gồm tiền mặt và giá trị ngày công lao động, vật tư, vật liệu, hiến đất): 1.095,207 tỷ đồng, chiếm 14,59% và còn lại vốn lồng ghép, tín dụng, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã).

anh-1.jpg
Xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa), đang nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu về đích NTM trong năm 2024

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm, bao gồm: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng NTM năm 2024 được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao; tiếp tục, tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn về việc thực hiện Chương trình; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; chú trọng thực hiện có hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tập trung huy động nguồn lực thực hiện Chương trình; khẩn trương tổ chức triển khai các nhiệm vụ, nội dung được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước các cấp năm 2024 ngay từ đầu năm, đảm bảo hoàn thành và giải ngân trước ngày 31/12/2024; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia còn lại; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung thuộc chương trình theo hướng chất lượng, bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình và thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng.

Không ngừng nâng cao chất lượng của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

Nhằm thực hiện tốt cũng như bảo đảm tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đã vận dụng sáng tạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp điều kiện thực tế, nhằm đẩy nhanh hoàn thành tiêu chí này. Tiêu biểu như các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Triệu Sơn,... có cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt, đầu tư lò đốt rác... xây dựng các mô hình xanh, sạch, đẹp. Nhiều mô hình cải tạo cảnh quan ở thôn, bản, đã được các địa phương áp dụng sáng tạo như con đường, làng bích họa, dòng sông không rác, biến bãi rác thành vườn hoa, tuyến đường xanh, sạch, đẹp; số huyện có tuyến đường trồng cây xanh, hoa đạt hơn 50%.

anh-5.jpg
"Mô hình thùng rác xanh" được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả môi trường cao, tại huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa)

Theo số liệu từ Văn phòng điều phối NTM Thanh Hóa, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ước đạt khoảng 97,5% (tăng 0,5% so với năm 2022), trong đó tỷ lệ số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế ước đạt khoảng 62%; tỉ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đạt gần 90%.

anh-6.jpg
Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, được tỉnh Thanh Hóa  thực hiện nghiêm túc, hướng theo chiều sâu, nên mang lại nhiều kết quả khả quan, chất lượng môi trường ngày càng khởi sắc. 

Để định hướng, hỗ trợ các địa phương hoàn thành, giữ vững và nâng cao tiêu chí Môi trường trong xây dựng NTM, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, đã tham mưu cho UBND tỉnh Thanh hóa ban hành Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 05/6/2023 về thực hiện các mô hình thôn, xóm sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn khu dân cư kiểu mẫu năm 2023 góp phần thực hiện mục tiêu của thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn tỉnh. Từ đó, công tác bảo vệ môi trường nông thôn, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng đã và đang dần đi vào nề nếp; đã quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải, cải tạo cảnh quan môi trường, trồng hoa, cây xanh dọc hai bên đường, trong khu dân cư, xây dựng đồng bộ mương rãnh thoát nước...; nhiều mô hình về bảo vệ môi trường được duy trì và ngày càng nhân rộng.

Nguyễn Trường - Sơn Hà