Thanh Hóa: Gắn phát triển du lịch với công tác bảo vệ rừng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 11:30, 19/03/2024
Tận dụng lợi thế rừng để phát triển du lịch
Thanh Hoá hiện có trên 648.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng trồng là hơn 255.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 53,5%. Với hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, có trên 2.000 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: trai, nghiến, lát hoa, thông tre, hoàng đàn, trầm gió… đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được những cá thể nghiến nghìn năm tuổi với đường kính rộng từ 4-5 m. Mỗi cánh rừng ở các địa phương đều có những đặc trưng riêng để phát triển du lịch. Với thế mạnh đó, toàn tỉnh đã phát triển được 30 khu du lịch sinh thái; nhiều khu di tích lịch sử nằm trên địa bàn có rừng cũng đã khai thác được thế mạnh, thu hút đông đảo du khách.
Tại huyện Bá Thước, những năm gần đây, du lịch sinh thái cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều điểm đến du lịch nằm trong vùng lõi và vùng đệm của Pù Luông đã được hình thành. Tính đến nay, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng hơn 102 cơ sở lưu trú; trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông tập trung chủ yếu ở các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Cổ Lũng; nhiều hộ liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài đến đầu tư và nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô.
Số lượt khách và doanh thu từ du lịch không ngừng tăng qua các năm. Năm 2022, hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh trở lại sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, du lịch Bá Thước đón 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm 2021; riêng năm 2023, tính đến tháng 11, du lịch Bá Thước đón 120.500 lượt khách (16.500 lượt khách nước ngoài),; doanh thu ước đạt trên 100 tỷ đồng...
Nằm trong Khu BTTN Pù Luông, bản Hang, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) có diện tích đất tự nhiên 1187,91ha, 60 hộ với 297 nhân khẩu; được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên thơ mộng và có khả năng kết nối với các điểm du lịch khác như Pù Luông (Bá Thước), Mai Châu (tỉnh Hòa Bình)… thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng. Tận dụng tiềm năng, lợi thế, nhiều hộ dân trong bản đã mạnh dạn đầu tư sửa chữa, nâng cấp nhà sàn truyền thống làm nơi ăn nghỉ, phục vụ khách du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhờ phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, kinh tế của các hộ dân trong bản không ngừng được cải thiện; nếu như trước năm 2003, khi bản chưa làm du lịch, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm hơn 50%, thì đến thời điểm hiện tại, sau hơn 20 năm làm du lịch, kết hợp với những chính sách phát triển kinh tế chung của Nhà nước dành cho bà con, tỷ lệ hộ nghèo của bản đã giảm xuống dưới 5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/năm.
Nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường từ việc phát triển du lịch
Nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch đến hệ sinh thái rừng tự nhiên, chính quyền địa phương và BQL Khu BTTN Pù Luông luôn chú trọng công tác bảo vệ rừng, bảo tồn sự đa dạng sinh học tại đây. Tuy nhiên, khác với các khu bảo tồn thiên nhiên khác, tại đây không di dời người dân ra khỏi khu bảo tồn mà để người dân cùng sinh sống và tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên… Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Lò Văn Thắng: quan điểm của huyện là tuyệt đối không đầu tư xây dựng theo hướng bê tông hóa, phá vỡ cảnh quan tự nhiên. Huyện kiên quyết xử lý dứt điểm các trường hợp đầu tư không đúng quy hoạch và tôn chỉ mục đích phát triển du lịch, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Cũng như việc phát triển du lịch sinh thái cộng đồng gắn với bảo vệ rừng của huyện Bá Thước, nhờ làm du lịch mà ở bản Hang hôm nay, từ trẻ con đến người lớn ai cũng ý thức việc giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo vê rừng, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp; hiện tại, độ che phủ rừng ở bản Hang lên đến 95%, đó là con số đáng tự hào của người dân trong bản.
Chia sẻ về mặt tích cực của phát triển du lịch sinh thái cộng đồng mang lại đối với công tác bảo vệ rừng, ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc BQL Khu BTTN Pù Luông, cho biết: “Hoạt động phát triển du lịch sinh thái cộng đồng sẽ góp phần tăng thu nhập và giảm áp lực kinh phí từ ngân sách cho công tác bảo vể rừng; điều quan trọng nhất, bà con đã nhận thức rõ, việc duy trì hệ sinh thái đa dạng chính là thế mạnh để phát triển du lịch”.
Để du lịch sinh thái cộng đồng phát triển, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện chính sách quản lý và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, đề án liên quan đến phát triển du lịch xanh như: Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX; Các đề án phát triển du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại một số huyện miền núi của tỉnh như: Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Bến En, giai đoạn 2021 – 2030; Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040, Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030…
Các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhiều điểm du lịch, di tích đáp ứng xu hướng du lịch sinh thái trải nghiệm rừng của du khách, tăng cường xây dựng các tour du lịch tham quan, tìm hiểu về rừng, về các loại động, thực vật trong rừng, đồng thời mua sắm đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy, tập trung trồng mới các diện tích rừng nhằm tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, phấn đấu nâng cao thu nhập từ du lịch gắn với bảo vệ, phát triển rừng.