Xâm nhập mặn ở ĐBSCL vào cao điểm, cần tính toán phương án chuyển nước cho vùng
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:30, 23/03/2024
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh thành chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Sản lượng nông nghiệp của ĐBSCL chiếm trên 50%, lương thực xuất khẩu trên 90%, cây ăn trái và thủy sản khoảng trên 70% so với cả nước. Mặc dù có những lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội, người dân ĐBSCL vẫn phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó khăn trong cuộc sống hàng ngày như lũ lụt, ngập úng, hạn hán và xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, lún sụt đất…
Tại ĐBSCL, xâm nhập mặn có ảnh hưởng tới khoảng 1,2-1,6 triệu héc ta ở vùng ven biển (độ mặn 4 g/l). Tình hình xâm nhập mặn ở ĐBSCL rất phức tạp, phụ thuộc vào mức độ lũ năm trước, khả năng cung cấp nước ngọt từ thượng nguồn trong mùa khô, tình hình sản xuất lúa vụ hè thu và thời điểm bắt đầu và kết thúc mùa mưa. Mặn có thể xâm nhập vào sâu trong đất liền nếu mưa bắt đầu muộn, như những năm 1977, 1993, 1998 và từ 2004-2005.
Đặc biệt những năm gần đây, xâm nhập mặn còn phụ thuộc vào việc xả nước sớm, muộn, nhiều hay ít ở các thủy điện thượng nguồn lưu vực sông Mêkông. Hạn mặn năm nay, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng đã xảy ra thiệt hại 573,79 héc ta lúa đông xuân do thiếu nước ngọt, kết hợp ngộ độc phèn. Ngoài ra, một phần khác bị ảnh hưởng là diện tích lúa đông xuân muộn (vụ 3) được sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15-1-2024.
Bộ NN&PTNT cho biết khu vực ĐBSCL đang ở cao điểm hạn hán, xâm nhập mặn của mùa khô 2024, trong đó riêng tỉnh Cà Mau không có nguồn nước bổ sung, chỉ có thể tích nước tại chỗ nên đang gặp nhiều khó khăn. Điều này khác với các tỉnh còn lại của ĐBSCL
Bộ NN&PTNT cho biết, qua khảo sát thực tế, hiện nay, huyện Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau đang bị sụt lún nghiêm trọng, nguyên nhân chủ yếu do người dân tích nước ngọt để phục vụ sản xuất, sinh hoạt, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn Cà Mau không có mưa, cộng với nắng nóng gay gắt nên nước bốc hơi nhiều khiến hạn hán đến nhanh, cơ bản đồng ruộng không có nước đã gây ra tình trạng sụt lún.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ NN&PTNT đưa ra 3 giải pháp: Cần hạn chế lưu thông, nhất là đối với những xe có tải trọng lớn ở các tuyến kênh, mương, tuyến đường kết hợp kênh mương; tính toán tích trữ nước không tập trung để bơm nước bổ sung từ các vùng sản xuất lân cận; tỉnh Cà Mau cần tính toán chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 2 vụ lúa sang 1 vụ lúa + 1 vụ tôm, như vậy đến mùa hạn mặn có thể cho nước mặn vào nuôi tôm. Nếu chuyển đổi được thì vừa ổn định sản xuất vừa hạn chế tình trạng sụt lún.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, phải nghiên cứu các giải pháp, tính đến phương án chuyển nước về cho Cà Mau, trong đó có 2 giải pháp chính là làm cống âu thuyền Tắc Thủ ngăn nước mặn chảy từ biển vào, nếu cống này làm xong thì khu vực Trần Văn Thời sẽ có giải pháp tích nước không tập trung.
Đồng thời, chuyển nước từ hệ thống cống Cái Lớn Cái Bé qua sông Chắc Băng về cho Cà Mau và chuyển từ sông Tiền, sông Hậu qua Quản Lộ Phụng Hiệp cho tỉnh này. Hiện, cống âu thuyền Tắc Thủ đang được thi công, sau đó sẽ tính đến phương án chuyển nước cho Cà Mau.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc chuyển nước cho Cà Mau là hoàn toàn khả thi và chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, việc dẫn nước cho Cà Mau phải tính đến cả yếu tố về giá thành, nếu dẫn nước qua sông Chắc Băng, qua Quản Lộ Phụng Hiệp thì địa phương phải tính đến phương án chuyển đổi sản xuất với những cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm, khi làm việc với tỉnh Bến Tre, lãnh đạo tỉnh cũng đề xuất với Bộ NN&PTNT ý tưởng dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre, Tiền Giang.
"Ý tưởng này chúng tôi đã nghiên cứu nhưng thực tế việc dẫn nước từ sông Đồng Nai về Bến Tre tại thời điểm này là không thực hiện được vì lưu vực sông Đồng Nai dù đã có hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, Phước Hòa nhưng vẫn thiếu tới 5 tỷ mét khối nước/năm và phải tiếp tục dẫn nước từ sông Bé về TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, hệ thống sông này còn đang thiếu thì không thể dẫn đi đâu được", ông Hiệp cho biết.
Ngay tại Bến Tre, Bộ NN&PTNT cũng đang có các giải pháp công trình để người dân có đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt. Cụ thể, Bộ đang triển khai dự án quản lý nước Bến Tre từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản (JICA3), sẽ triển khai vào cuối năm 2024, dự kiến hết năm 2025 sẽ xong. Khi hoàn thành dự án JICA3, trên địa bàn tỉnh Bến Tre sẽ có các cống lớn, góp phần tích nước, vận hành cho sản xuất, sinh hoạt, giải quyết nước ngọt cho Bắc Bến Tre.
Với vùng Nam Bến Tre sẽ dùng vốn đầu tư công trung hạn làm cống Vàm Thơm, Nước Trong, giúp khu vực này đủ nước cho sản xuất, sinh hoạt nên không cần chuyển nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 38 quy hoạch quốc gia chuyên ngành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sớm. Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 này phải đảm bảo đồng bộ cùng các quy hoạch chuyên ngành và quy hoạch các địa phương, từ đó các địa phương đưa ra quy hoạch chi tiết cho từng ngành, từng vùng. Quy hoạch cũng nêu ra những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần phải làm ngay, nghiên cứu để đảm bảo vấn đề môi trường, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Quy hoạch thủy lợi cũng gắn chặt với phòng, chống thiên tai vì thực tế, trong phát triển hạ tầng, thì hạ tầng thủy lợi rất quan trọng, nhiều lúc quyết định giảm nhẹ thiên tai như hạn hán, sạt lở, xâm nhập mặn, nhất là trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam ngày càng rõ rệt và cực đoan.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phân tích thêm: "Các dòng sông của chúng ta đang có nguy cơ tụt đáy, nghĩa là càng ngày đáy sông càng bị bào mòn, như sông Hồng, mỗi năm bình quân đáy sông giảm 1cm, trong 10 năm tụt cả mét nước. Do vậy, các công trình gắn với dòng sông này đều khó khăn trong việc lấy nước, gây ô nhiễm cho hạ du. Hay như hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, đó là quy luật thông thường của vùng giáp biển, nhưng hạn mặn đang có xu hướng đến sớm, kéo dài, nguy cơ ngày càng khốc liệt hơn. Nếu triển khai tốt quy hoạch thủy lợi, thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình thì tôi tin thiệt hại sẽ giảm nhẹ".