Ngành đường sắt với công tác bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:33, 26/03/2024
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, chất thải rắn trên tàu khách bao gồm hai dạng chính là chất thải rắn sinh hoạt, phát sinh chủ yếu từ hoạt động thải bỏ của khách đi tàu; chất thải rắn công nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ, phát sinh từ hoạt động sản xuất của nhân viên kỹ thuật theo tàu hoặc từ hành khách đi tàu, được thu gom về phân xưởng khám chữa chỉnh bị toa xe. Tại đây, tiến hành phân loại, lưu chứa, chuyển giao xử lý theo quy định.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt, trên mỗi toa xe đều bố trí các thùng lưu chứa rác tạm thời tại đầu toa xe, thùng rác nhỏ tại mỗi khoang hành khách và trong buồng vệ sinh. Nhân viên trên tàu sẽ thu gom, dùng bao kín không để rơi vãi, gây phát tán ra môi trường và đưa xuống các ga. Sau đó, rác được chuyển giao cho các đơn vị xử lý môi trường địa phương theo quy định.
Ghi nhận của phóng viên Moitruong.net.vn trên đôi tàu SE3/SE4, hiện nay các toa xe đều sạch sẽ, không còn cảnh mùi tàu đặc trưng đến khó chịu, ám ảnh hành khách. Đặc biệt, khu vực buồng vệ sinh sạch sẽ hơn trước rất nhiều, không còn cảnh xả thải trực tiếp xuống đường tàu.
Cùng với làm vệ sinh toa xe, để đảm bảo chất lượng không khí, xử lý mùi tàu trong môi trường toa xe điều hòa đóng kín, ngành Đường sắt còn quy định định kỳ phun chất khử mùi; quy định nhiệt độ điều hòa tối thiểu.
Ngoài ra, Trung tâm Y tế đường sắt sẽ có nhân viên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc đảm bảo môi trường trên tàu, từ chất lượng không khí, vấn đề rác thải… Định kỳ hàng tháng phun khử trùng toa xe, phun thuốc khử côn trùng như gián, rệp và phun phòng dịch mùa…
Chia sẻ với PV, ông Dương Đức Lương - Trưởng tàu SE3 chạy tuyến Hà Nội – Sài Gòn thuộc Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết: Thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị, chúng tôi thường xuyên thu gom rác thải của hành khách. Tại các giờ ăn của hành khách, nhân viên trên tàu sẽ sử dụng những túi nilong màu đen để thu gom rác từ chỗ các hành khách sau đó vận chuyển xuống các điểm ga được phép xử lý để xử lý theo quy định.
Ngoài ra, hệ thống nhà vệ sinh trên tàu đã sử dụng hệ thống có bồn chứa. Toàn bộ chất thải được thu gom và xử lý theo công nghệ vi sinh, chấm dứt xả thải trực tiếp xuống đường sắt, ảnh hưởng đến môi trường bên ngoài, đồng thời không gây mùi, ô nhiễm không khí trong toa xe.
Đặc biệt, trên tàu đều có hệ thống bồn chứa, vì vậy, nước thải sẽ được thu gom toàn bộ vào hệ thống bồn chứa. Khi tàu về đến ga cuối hành trình thì đơn vị của xí nghiệp sẽ xử lý nước đó trước khi tàu bắt đầu hành trình mới, ông Lương cho biết thêm
Lần đầu đi tàu hỏa tại Việt Nam, bà Maureen - du khách đến từ Scotland cho biết: Tôi thấy tàu hỏa của Việt Nam rất ổn. Công tác vệ sinh môi trường trên tàu cũng rất tốt. Tuy nhiên, nếu mỗi toa được bố trí riêng 1 nhà vệ sinh thì tôi nghĩ việc trải nghiệm tại đây sẽ tốt hơn rất nhiều.
Nói về công tác vệ sinh trên tàu, anh Mai Văn Thành - Hướng dẫn viên du lịch đến từ Hải Phòng chia sẻ: Với tính chất công việc nên tôi cũng thường xuyên đi tàu, trung bình là 1 lần/tháng. Tôi thấy dịch vụ trên tàu hiện nay rất ổn. Công tác vệ sinh cũng được đảm bảo. Việc thu gom rác được nhân viên trên tàu thu gom rất nhanh chóng. Trong thời gian tới, nếu công tác này tiếp tục được cải thiện thì tôi nghĩ sẽ có nhiều khách lực chọn đi tàu và ngành du lịch của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường thì ngành Đường sắt Việt Nam cũng luôn quan tâm tới việc trồng thêm cây xanh, thảm cỏ, hoa, cây cảnh tạo không gian Xanh - Sạch - Đẹp cho từng nhà ga, từng đoàn tàu. Những hành động thiết thực này đồng thời mang lại cho các cơ sở của ngành đường sắt và cả các địa phương, nơi có tuyến đường sắt đi qua đều có một môi trường xanh sạch và an toàn.
Bảo vệ môi trường để đảm bảo sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên đường sắt, bảo vệ môi trường để giảm thiểu tác động của đường sắt với xung quanh vì sự phát triển bền vững, vì một môi trường sống tốt hơn của con người và sự phát triển xã hội là mục tiêu mà ngành đường sắt Việt Nam đang từng bước hoàn thiện, đầu tư nghiên cứu đưa các ứng dụng khoa học công nghệ mới để đẩy nhanh tiến trình triển khai với hiệu quả cao nhất.