Quảng Nam: Đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển Tam Hải
Tài nguyên và phát triển - Ngày đăng : 08:30, 27/03/2024
Đó là một trong những nội dung được nêu ra trong đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn để đề xuất thiết lập khu bảo tồn biển khu vực xã Tam Hải, Núi Thành” do Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Viện Hải dương học tổ chức thực hiện.
Kết quả của đề tài đã trở thành dữ liệu quan trọng để tỉnh Quảng Nam xúc tiến công tác bảo tồn kịp thời, hiệu quả đối với vùng tài nguyên phong phú cửa sông ven biển này. Đồng thời, đó cũng là nền tảng khoa học để đề xuất thành lập khu bảo tồn biển Tam Hải.
Hệ sinh thái đa dạng
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam - ông Nguyễn Phi Thạnh cho biết, khu vực xã đảo Tam Hải là một trong những nơi có đa dạng sinh học cao của tỉnh.
Theo kết quả điều tra, khảo sát của Viện Hải dương học, vùng biển Tam Hải hiện có gần 78,4ha thảm cỏ biển, 196,7ha san hô và rừng ngập mặn có diện tích 110ha với 173 loài san hô cứng, 174 loài cá rạn san hô, 44 loài thuộc nhóm động vật không xương sống kích thước lớn và 66 loài rong biển; trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao và là nguồn kinh tế chính của cư dân xã đảo.
Nhóm thực hiện đề tài đã khảo sát vùng đất ngập nước ven biển, ven đảo tại Tam Hải và khu vực lân cận. Đây là vùng biển ven bờ, ven vũng, vịnh và chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ hải văn, được giới hạn đến độ sâu 6m tính từ đường mép nước biển thấp nhất trong vùng nhiều năm, diện tích khoảng 1.741ha.
Kết quả thu được, về mặt hình thái, bề mặt này tương đối bằng phẳng và nghiêng thoải về phía biển, bãi dưới triều có bề mặt gần như nằm ngang, là nơi thường xuyên chịu tác động của sóng vỗ bờ...
Về thảm cỏ biển: bãi triều thấp có cỏ biển nằm thấp dưới mực nước trung bình. Cỏ biển phân bố tập trung ở ven bờ xã Tam Quang, Tam Giang, Cồn Si (Tam Hải)... với tổng diện tích khoảng 78,4ha. Rạn san hô tại khu vực biển Bàn Than thuộc kiểu rạn nền trên các bãi cạn trước cửa vịnh An Hòa và bãi Rạn Lớn.
Các nhà khoa học cũng đã khảo sát các vùng bờ biển có vách đá; bãi vùng gian triều, bãi bùn sét, cát, sỏi, cuội, cồn cát; vùng nước cửa sông; rừng ngập mặn… Kết quả cho thấy, tài nguyên vùng đất ngập nước khu vực Tam Hải và các vùng lân cận rất phong phú, có vai trò quan trọng đối với đa dạng sinh học, hệ sinh thái cửa sông ven biển.
Xúc tiến thành lập khu bảo tồn
Nghiên cứu của Viện Hải dương học đã chỉ ra, thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự tác động của tự nhiên và con người gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học nói chung và hệ sinh thái biển tại khu vực xã Tam Hải nói riêng. Vì vậy, việc thành lập các khu bảo tồn biển được xem là công cụ quản lý hữu hiệu để bảo toàn tính bền vững của vùng biển và các ngành kinh tế biển dựa vào nguồn lợi tự nhiên.
ThS.Phạm Bá Trung (Viện Hải dương học) - Chủ nhiệm đề tài cũng cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành đánh giá tổng thể các giá trị đa dạng sinh học, sinh thái biển Tam Hải, các mối nguy, sự đe dọa, bào mòn để đề xuất các giải pháp khôi phục.
Một khi đã thành lập, phương thức quản lý các nguồn tài nguyên, sinh vật biển sẽ dựa trên sự phối hợp giữa người dân, cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Trong đó, Nhà nước chia sẻ quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý với những người sử dụng nguồn lợi. Người dân ý thức quyền lợi, trách nhiệm, cùng chung tay bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học, bảo vệ các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên.
Nhận định về thực trạng hệ sinh thái ven biển Tam Hải, ông Nguyễn Ngọc Thọ - Bí thư Chi bộ thôn Thuận An (xã Tam Hải) cho biết, rạn san hô hiện nay biến dạng do tác động của môi trường, nhất là rác thải. Ngoài ra ngư dân làm nghề lặn đã giẫm đạp, khiến rạn san hô ngã đổ và chết rất nhiều.
“Nguyện vọng của nhân dân là mong muốn bảo tồn triệt để rạn san hô Hòn Mang - Hòn Dứa bởi ở đây có nhiều bãi cạn như bãi Chòi nổi lên khi nước cạn, thường bị người dân giẫm đạp...” - Ông Thọ kiến nghị.
Theo Ths.Lê Ngọc Thảo - Trưởng ban Thư ký Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An, khi thiết lập khu bảo tồn biển tại Tam Hải, điều thuận lợi là đã có sự đồng thuận của nhân dân nhưng phải lường trước được xung đột mà khi chưa phân vùng chúng ta chưa thấy.
Cũng theo ông Thảo, khi đã xác định được tài nguyên mục tiêu, xác định được những tác động thì mới đưa ra cơ chế bảo vệ, bảo tồn theo vòng đời của nó, rồi sau đó mới tính chuyện phân vùng và thực thi phân vùng như thế nào để tránh xung đột…